Công nghệ

Hệ thống định vị BeiDou của Trung Quốc vượt mặt GPS

Thắng Nguyễn 12/09/2024 10:57

BeiDou (Bắc Đẩu), đặt theo tên của bảy ngôi sao sáng trên bầu trời phía bắc được sử dụng để xác định phương hướng, đang nổi lên là hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu hàng đầu thế giới.

Kể từ khi Hệ thống định vị toàn cầu GPS (Global Positioning System) đi vào hoạt động năm 1993, Mỹ đã trở thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ định vị vệ tinh.

Độ tuổi trung bình của một vệ tinh GPS hiện là 13 năm. Vệ tinh lâu đời nhất đã hoạt động được 27 năm, thời điểm mà điện thoại di động là những “cục gạch thô kệch” và Google vẫn được gọi là “BackRub”.

Việc nâng cấp mạng lưới GPS đã bị cản trở khi Chính phủ Mỹ giảm ưu tiên ngân sách cho lĩnh vực này. Trong khi đó, Trung Quốc đã phát triển hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu BeiDou của riêng mình. Đến nay Beidou có nhiều vệ tinh hơn GPS.

china_bds_satellite_navigation_system.jpg
BeiDou có những công nghệ mới, vượt trội so với GPS. Ảnh: The Peninsula.

Được phát triển từ năm 1999, BeiDou của Trung Quốc ra mắt dịch vụ toàn cầu vào năm 2018, có khoảng 48 vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo và 2 vệ tinh khác đang được đưa vào sử dụng. Các vệ tinh BeiDou được phân bổ trên nhiều quỹ đạo, tăng tính đa dạng.

Công nghệ BeiDou được đánh giá mới hơn so với hệ thống GPS của Mỹ. Hội đồng cố vấn Dịnh vị, Dẫn đường và Thời gian (Positioning, Navigation, and Timing Advisory Board) của Mỹ cho biết trong báo cáo tóm tắt năm 2023 rằng khả năng của GPS kém hơn đáng kể so với BeiDou của Trung Quốc.

Các vệ tinh của mạng lưới này mới hơn GPS và sử dụng các cơ sở mặt đất tiên tiến hơn cùng với số lượng trạm giám sát lớn hơn, các chuyên gia Mỹ nhận định.

BeiDou cũng có các công nghệ mà GPS không có, chẳng hạn như nhắn tin hai chiều. Khả năng này cho phép cung cấp thông tin liên lạc quan trọng ở những vùng xa xôi không có cơ sở hạ tầng.

Nó cũng có thể được sử dụng cho mục đích giám sát bằng cách chuyển tiếp dữ liệu từ thiết bị của người dùng.

Công nghệ này cung cấp lợi thế cho các ứng dụng tự động và cơ sở hạ tầng thông minh, bằng cách tích hợp khả năng giám sát trên toàn thế giới.

Cả điện thoại Apple và Android đều có thể nhận tín hiệu của BeiDou. Tuy nhiên, các điều chỉnh phần mềm trong điện thoại Android đã vô hiệu hóa việc sử dụng chúng tại Mỹ. Chưa rõ các sản phẩm của Apple có tính năng tương tự hay không.

Ở các khu vực khác trên thế giới như Châu Phi và Đông Nam Á, GPS đang mất đi sự thống trị. Các quốc gia tại đây dần phụ thuộc nhiều hơn vào hệ thống BeiDou của Trung Quốc.

Trung Quốc đang đưa ra những lời chào mời hấp dẫn về dịch vụ này cho các tổ chức quốc tế. Chính phủ nước này đã thực hiện các kế hoạch khuếch đại cường độ tín hiệu ở nước ngoài cùng một loạt khoản đầu tư, trợ cấp để khuyến khích các nước đang phát triển áp dụng BeiDou.

Bằng cách đổ hàng tỷ USD vào quá trình phát triển BeiDou và cung cấp dịch vụ miễn phí, Bắc Kinh cho thấy quyết tâm đầu tư dài hạn vào hệ thống này.

image-7.png
Biểu đồ cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ của hệ thống vệ tinh BeiDou. Đồ họa: Payload Space, Việt hóa: Thắng Nguyễn.

Nga, Liên minh châu Âu (EU) cũng có hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu nhưng quy mô nhỏ hơn đáng kể so với Mỹ và Trung Quốc.

Mạng lưới định vị GLONASS bắt đầu hoạt động vào năm 1995 và được thiết kế để có tối thiểu 24 vệ tinh trên quỹ đạo. Do địa lý của Nga, mạng lưới này tập trung vào việc cung cấp dịch vụ ở các vĩ độ cao hơn, nơi việc thu tín hiệu GPS có thể gặp nhiều thách thức.

GLONASS đã giảm xuống dưới con số quan trọng là 24 vệ tinh vào năm 1997. Đến năm 2010, Nga mới cho khôi phục hệ thống khi chính phủ nước này nhận thấy tầm quan trọng của nó trong chiến tranh hiện đại.

Chương trình GNSS Galileo của EU hoạt động vào năm 2016 với gần 24 vệ tinh trên quỹ đạo. Hiện tại, 23 vệ tinh đang hoạt động và 2 vệ tinh khác đang được đưa vào sử dụng.

Trái ngược với các hệ thống định vị khác, EU chủ yếu thiết kế dịch vụ này cho mục đích dân sự chứ không phải mục đích quân sự.

Năm 2018, Galileo đã nhận được sự chấp thuận của Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) để truyền tín hiệu tại Mỹ.

Thắng Nguyễn