Quy định

Tranh cãi chính sách giá vé tính theo cân nặng của khách bay

Hoàng Hà 09/09/2024 17:29

Chính sách này đặt ra sự tranh luận giữa lợi ích cá nhân và các yếu tố đạo đức cũng như môi trường.

Hành khách đi máy bay có thể phải mua vé tính theo cân nặng? Ảnh minh họa: Shutterstock.
Hành khách đi máy bay có thể phải mua vé tính theo cân nặng? Ảnh minh họa: Shutterstock.

Hãy tưởng tượng bạn đang làm thủ tục bay cùng hai đứa con tuổi thiếu niên. Nhân viên tại quầy thông báo rằng hành lý của đứa con út của bạn vượt quá 2 kg so với giới hạn, và bạn phải chịu mức phạt 75 USD cho phần hành lý quá cân này.

Hình phạt này có vẻ không công bằng. Đứa con út của bạn chỉ nặng 45 kg, còn hành lý mang theo nặng 25 kg (quá mức quy định là 23 kg), tổng trọng lượng là 70 kg. Trong khi đó, đứa con lớn nặng 65 kg và mang theo hành lý nặng 23 kg, với tổng trọng lượng 88 kg - nhưng lại không bị phạt.

9.png
Giá vé máy bay và các khoản phí phụ thu ngày càng phức tạp và thường bị hành khách coi là không công bằng. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Rõ ràng, việc tính phí hành khách theo cân nặng không đơn giản. Tuy nhiên, một số hãng hàng không đã bắt đầu thử nghiệm chính sách này.

Tưởng tượng thêm một tình huống khác: Bạn đang làm thủ tục thì nhân viên thông báo cần mua thêm một chỗ ngồi vì bạn là hành khách ngoại cỡ. Bạn cảm thấy mình bị phân biệt đối xử khi phải trả tiền cho cùng một dịch vụ mà người khác được hưởng, trong khi cân nặng là điều ngoài tầm kiểm soát của bạn.

Mặc dù đây là một vấn đề được tranh luận nóng bỏng trên truyền thông, đến nay vẫn chưa có nghiên cứu chính thức nào về quan điểm của hành khách đối với chính sách giá vé dựa trên cân nặng. Tờ The Conversation đã thực hiện một khảo sát gần đây để tìm hiểu xem hành khách nghĩ gì về các chính sách này và những yếu tố đạo đức ảnh hưởng đến quan điểm của họ.

Chủ đề tranh cãi nhưng quan trọng

Việc các hãng hàng không có nên tính giá vé dựa trên cân nặng của hành khách hay không là một vấn đề phức tạp về mặt đạo đức. Mặc dù nhạy cảm, ngành hàng không không thể phớt lờ trọng lượng của hành khách.

Các hãng bay định kỳ thực hiện khảo sát trọng lượng của hành khách để tính toán tải trọng và đảm bảo an toàn bay cũng như ước tính lượng nhiên liệu tiêu thụ.

Thực tế cho thấy hành khách ngày càng có xu hướng nặng hơn. Một số hãng hàng không như Samoa Air và Hawaiian Airlines đã thử nghiệm chính sách cân đo trọng lượng của hành khách thường xuyên.

10.png
Ngành hàng không toàn cầu đang chịu áp lực phải giảm lượng khí thải carbon. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Samoa Air thậm chí trở thành hãng hàng không đầu tiên áp dụng chính sách "trả tiền theo cân nặng", trong đó giá vé được tính dựa trên tổng trọng lượng của hành khách và hành lý.

Ngược lại, Canada đã có chính sách "một người, một giá vé" từ lâu. Chính sách này cấm việc buộc hành khách khuyết tật, bao gồm cả những người bị béo phì, phải mua thêm một chỗ ngồi.

Vấn đề cân nặng của hành khách và hành lý không chỉ là vấn đề tài chính hay đạo đức mà còn ảnh hưởng đến môi trường. Trọng lượng máy bay càng lớn, càng tiêu tốn nhiều nhiên liệu và thải ra nhiều khí CO2. Ngành hàng không đóng góp khoảng 5% vào việc biến đổi khí hậu do con người gây ra và đang chịu áp lực lớn trong việc giảm lượng phát thải trong khi chờ đợi các giải pháp thay thế ít carbon hơn.

Hành khách nghĩ gì?

Để hiểu rõ hơn quan điểm của công chúng, The Conversation đã khảo sát 1.012 hành khách Mỹ thuộc các nhóm cân nặng khác nhau, đưa ra ba chính sách thay thế chính sách hiện hành như sau:

  • Chính sách tiêu chuẩn: Hành khách trả một mức giá vé cố định, bất kể cân nặng của họ là bao nhiêu.
  • Chính sách ngưỡng: Hành khách phải trả thêm chi phí nếu vượt quá ngưỡng trọng lượng nhất định.
  • Chính sách tính theo cân nặng: Hành khách chi trả giá vé dựa trên cân nặng của mình, tính theo pound hoặc kg.

Kết quả cho thấy chính sách tiêu chuẩn được lựa chọn nhiều nhất, đặc biệt là với những hành khách nặng cân hơn. Điều này có thể giải thích bằng sự thiên vị quen thuộc: Con người có xu hướng chọn những gì họ đã biết.

Chính sách ngưỡng ít được ủng hộ nhất vì bị xem là vi phạm các chuẩn mực xã hội và thiếu công bằng. Trong khi đó, chính sách tính theo cân nặng được ưa chuộng hơn chính sách ngưỡng, dù người tham gia khảo sát lo ngại về việc liệu xã hội có chấp nhận nó hay không.

Không ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng lợi ích cá nhân đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá liệu một chính sách có được chấp nhận hay không. Những người trẻ tuổi, nam giới, có tình hình tài chính tốt và cân nặng thấp hơn thường thấy các chính sách mới dễ chấp nhận hơn.

Mâu thuẫn đạo đức

Các chính sách vé máy bay dựa trên cân nặng đặt ra xung đột giữa môi trường và đạo đức. Không phải chỉ một hành khách riêng lẻ mà là tổng thể hành khách có ảnh hưởng lớn đến toàn ngành.

Những người lo ngại về môi trường có xu hướng ủng hộ các chính sách giảm phát thải carbon, khiến họ cởi mở hơn với các chính sách thay thế. Mặc dù chính sách ngưỡng bị nhiều người phản đối là mang tính phân biệt, lo ngại về môi trường đã làm tăng mức độ chấp nhận đối với chính sách tính theo cân nặng.

Tuy nhiên, những hành khách "ý thức về môi trường" này cũng thường là những người trẻ, có cân nặng thấp và tài chính ổn định - tức là họ sẽ có lợi về mặt tài chính nếu các chính sách mới được áp dụng. Từ nghiên cứu cho thấy khi đánh giá các chính sách vé gây tranh cãi, công chúng thường bị ảnh hưởng bởi lợi ích cá nhân hơn là các yếu tố đạo đức hay môi trường.

Hoàng Hà