Tin tức hàng không

Lý do siêu bão như Yagi thường xuất hiện và 'tấn công' châu Á

Đình Kiên 06/09/2024 12:51

Điều kiện thuận lợi ở khu vực Đông Nam Á khiến các cơn bão mạnh xuất hiện nhiều ở Tây Thái Bình Dương.

Screenshot 2024-09-06 165818
Screenshot 2024-09-06 165818

Yagi - siêu bão đầu tiên của năm - tràn vào vùng biển nóng ẩm ở Tây Thái Bình Dương hôm 5/9, sau đó hướng về phía nam Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam.

Từ một cơn bão nhiệt đới hình thành ngày 1/9 ở biển Philippines, siêu bão Yagi (bão số 3, tính theo số thứ tự cơn bão hoạt động trên Biển Đông trong năm) đạt tới cường độ mạnh nhất vào chiều tối 5/9 với sức gió mạnh nhất lên tới 241 km/h (150 dặm/h), tương đương một cơn bão cấp 4 theo thang bão Saffir–Simpson.

Trước đó, khi quét qua Philippines, bão đã khiến ít nhất 13 người thiệt mạng do lũ lụt và lở đất.

gettyimages-2169307779.jpg
Thiệt hại do bão Yagi gây ra tại Philippines. Ảnh: Anadolu/Getty.

Giới chuyên gia dự báo bão sẽ suy yếu dần trước khi tiến vào đảo Hải Nam (Trung Quốc), gây gió giật và lũ lụt. Yagi được cho là cơn bão mạnh nhất khu vực trong cả thập kỷ. Nhiều trường học, hệ thống giao thông ở tỉnh Hải Nam và Quảng Đông đã đóng cửa. Một số chuyến bay cũng bị hoãn để tránh bão.

Không hiếm gặp

Tuy nhiên, siêu bão như Yagi không hiếm gặp, do Tây Thái Bình Dương là khu vực thuận lợi để hình thành những cơn bão mạnh nhất Trái Đất.

Bão là xoáy thuận nhiệt đới mạnh, một thuật ngữ chung để chỉ áp suất thấp phát triển thông qua một quá trình khác biệt so với áp suất thấp thông thường.

2024-09_jstar_mapper_04sep2024.png
Ảnh chụp vệ tinh bão Yagi hôm 4/9. Ảnh: NOAA.

Những cơn dông mạnh xung quanh tâm áp suất thấp hoạt động giống như "động cơ" hình thành bão. Nước biển ấm cung cấp cho những cơn dông năng lượng mà chúng cần để tồn tại và phát triển khi xoáy qua vùng nhiệt đới. Những cơn bão này có thể kéo dài trong nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tuần, miễn là chúng vẫn tiếp cận được vùng nước ấm và các điều kiện thuận lợi trong bầu khí quyển xung quanh.

Về cơ bản, tất cả bão nhiệt đới trên toàn cầu đều giống nhau, chỉ khác về cách gọi tùy khu vực. Nếu tốc độ gió duy trì tối đa của một cơn bão đạt ít nhất 241 km/h, hoặc tương đương bão cấp 4, nó được gọi là "siêu bão".

Nguồn gốc của siêu bão

Siêu bão rất phổ biến ở Tây Thái Bình Dương. Giới khí tượng học đã ghi nhận hàng trăm siêu bão ở khu vực trong khoảng thời gian từ năm 1945 đến 2022. Hơn 200 cơn trong số đó đạt đến sức mạnh tương đương bão cấp 5.

Chỉ riêng năm 2021, đã có 4 siêu bão tương đương cấp 5 ở Tây Thái Bình Dương. Một trong số đó - siêu bão Rai - khiến hơn 400 người thiệt mạng khi đổ bộ vào miền Bắc Philippines không lâu sau khi đạt đến cường độ cực đại.

Cùng thời điểm, 30 cơn bão ở Đại Tây Dương có thể đạt cấp 5, nhưng không kéo dài liên tục. Những cơn bão này cũng có thời gian đạt đỉnh ngắn hơn so với bão ở Tây Thái Bình Dương.

hurricane_West Pacific Ocean Basin
Bản đồ của 202 siêu bão tương đương cấp 5 ở Tây Thái Bình Dương từ năm 1945 đến 2022. Đồ họa: NOAA.

Trái ngược với những thiệt hại gây ra, siêu bão ở khu vực Tây Thái Bình Dương (hầu hết ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực Đông Á và Đông Nam Á) thực chất khá "mỏng manh". Chúng cần các yếu tố để hình thành như nhiệt độ nước và độ ẩm không khí cao.

Nhiệt độ nước 29 độ C hoặc cao hơn là một trong những yếu tố lý tưởng để hình thành bão. Vùng biển bao quanh Philippines thường có nhiệt độ trung bình trên 31 độ C, lý giải cho việc đây là khu vực thường xuyên hình thành các cơn bão.

Độ ẩm không khí cao cũng khiến bão phát triển. Không khí khô làm tắc nghẽn những cơn dông, ảnh hưởng tới quá trình phát triển của bão. Một cơn bão đang hình thành cũng cần điều kiện gió lặng. Gió đứt với mật độ cao sẽ xé toạc phần đỉnh và làm tan bão.

Khí hậu nóng ẩm quanh năm ở Đông Nam Á khiến hàng chục cơn bão hình thành mỗi mùa, tăng tỷ lệ một trong số đó có thể phát triển thành siêu bão. Một số siêu bão gây thiệt hại lớn nhất là Rai (12/2021) và Haiyan (11/2013), khiến hơn 6.500 người thiệt mạng.

Những điều kiện trên lại ít gặp ở khu vực Đại Tây Dương. Các luồng không khí khô từ sa mạc Sahara (châu Phi) và không khí lạnh quét qua Mỹ khiến bão khó hình thành.

Đình Kiên