Cơ trưởng đuổi gia đình bé gái bị dị ứng đậu phộng khỏi máy bay
Gia đình bé gái 12 tuổi bị yêu cầu bay chuyến khác, sau khi cơ trưởng từ chối yêu cầu hành khách không ăn đậu phộng.
Nick Sollom, 48 tuổi, nói với The Telegraph rằng ông, vợ và hai đứa con bị đuổi khỏi chuyến bay của hãng SunExpress, sau khi yêu cầu phi hành đoàn thông báo tình trạng dị ứng của con gái và đề nghị hành khách không ăn đậu phộng.
Cô bé 12 tuổi tên Rosie không thể ở gần các loại hạt vì có thể bị dị ứng đến mức sốc phản vệ. Vấn đề bắt đầu từ khi gia đình đặt vé đi Dalaman (Thổ Nhĩ Kỳ). Sollom nói ông không tìm được cách nào để thông báo trước cho hãng bay về chứng dị ứng của con.
Khi đến sân bay Gatwick (London, Anh), quầy làm thủ tục SunExpress yêu cầu ông thông báo cho phi hành đoàn. Trang web hãng ghi: “Sau khi lên máy bay, vui lòng thông báo cho phi hành đoàn về tình trạng dị ứng của bạn”.
Nhưng khi Sollom nhờ phi hành đoàn yêu cầu hành khách không ăn các loại hạt, phi hành đoàn “không thèm quan tâm”. Tiếp viên nói cơ trưởng không muốn thông báo qua loa phát thanh. Hãng không có chính sách yêu cầu phải làm việc đó. Cơ trưởng cũng từ chối rời khỏi buồng lái để thảo luận vấn đề dị ứng, họ chỉ truyền đạt mệnh lệnh thông qua tiếp viên, Sollom kể.
Đứng ngồi không yên, hai vị phụ huynh quyết định tự mình đi nói với hành khách. Mọi người rất ủng hộ, nhưng hành động bị cơ trưởng phát hiện. "Nỗ lực của chúng tôi khiến những người trong buồng lái khó chịu", Sollom nói.
Tiếp viên nhận được lệnh “lấy hành lý xuống, đuổi họ ra ngoài". Ông bố 2 con quyết tâm thử nói chuyện với người điều khiển chuyến bay trước khi rời đi. Ông gõ cửa cabin 2 lần nhưng đều bị phớt lờ. Bé Rosie ấm ức: “Phi hành đoàn đối xử như thể cháu có lỗi vì bị dị ứng".
Gia đình Sollom giờ đã cạn túi sau khi dùng 5.000 bảng Anh (khoảng 161 triệu VNĐ) để đặt chỗ phút chót ở hãng bay khác. Từ Thổ Nhĩ Kỳ, Sollom cảm thán: “Thật không thể tin nổi điều này lại xảy ra vào năm 2024”.
Ông nghĩ lại câu chuyện của nhân viên mặt đất ở sân bay Gatwick, kể rằng một chuyến bay phải hạ cánh khẩn cấp để sơ cứu khách bị dị ứng. Sollom nhận ra lý do nhà ông bị đuổi.
Về phía SunExpress, người phát ngôn cho biết hãng luôn coi trọng sự an toàn của hành khách.
“Ngay sau khi lên chuyến bay của chúng tôi, ông Sollom đã nêu mối lo ngại về việc một người trong gia đình bị dị ứng đậu phộng nghiêm trọng và yêu cầu thông báo cho toàn bộ hành khách”, người phát ngôn cho hay.
Vị này bổ sung: “Chính sách của chúng tôi là không đưa ra những thông báo kiểu này vì giống như nhiều hãng khác, hãng không thể đảm bảo môi trường không có chất gây dị ứng, cũng như ngăn cản hành khách mang đồ ăn có chứa chất gây dị ứng lên máy bay. Gia đình Sollom nhất quyết thuyết phục hành khách xung quanh rằng họ không nên ăn các loại hạt. Do đó, cơ trưởng quyết định sẽ là an toàn nhất nếu gia đình họ không đi tiếp trên chuyến bay nữa".
Người phát ngôn còn cáo buộc Sollom đập mạnh vào cửa buồng lái để cố gắng tiếp cận phi công. Người đàn ông 48 tuổi kiên quyết phủ nhận chuyện này.
Nadim Ednan-Laperouse, đồng sáng lập Quỹ nghiên cứu dị ứng Natasha, tổ chức từ thiện về dị ứng thực phẩm của Vương quốc Anh, cho biết hành động của SunExpress là “gây sốc và không thể chấp nhận”.
Bản thân ông Nadim từng chịu nỗi đau mất con gái vì chứng dị ứng. Cô con gái tên Natasha qua đời vào năm 2016, sau khi ăn bánh mì trên máy bay. Trong bánh mì có chứa hạt vừng không được ghi rõ trên nhãn, gây ra phản ứng dị ứng dẫn đến tử vong.
Nadim nói với The Telegraph: “Dị ứng thực phẩm là một căn bệnh chứ không phải lựa chọn về lối sống. Đây không phải hiện tượng cá biệt. Chúng tôi thường nghe những gia đình bị dị ứng thực phẩm kể câu chuyện khủng khiếp khi đi máy bay. Tình hình này thật đáng lo ngại vì thế giới ngày càng trở nên dị ứng hơn”.
Nadim yêu cầu các hãng bay cần ngay lập tức đánh giá lại cách họ tương tác với khách hàng bị dị ứng thực phẩm, đồng thời nêu rõ chính sách của họ trên trang web. Số liệu từ Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Anh cho thấy hiện có 2,4 triệu người trưởng thành ở “đảo quốc sương mù" được chẩn đoán dị ứng thực phẩm.