Du lịch âm nhạc hứa hẹn bay cao ở Việt Nam
Du lịch âm nhạc được coi là làn sóng lớn tiếp theo trong hoạt động du lịch, mang đến sự kết hợp độc đáo giữa giải trí và khám phá văn hóa bản địa. Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành điểm đến du lịch âm nhạc của khu vực.
Du lịch âm nhạc từ lâu đã phủ sóng khắp châu Âu, châu Mỹ và đang dần phổ biến hơn ở châu Á. Mỗi năm, hàng triệu người yêu âm nhạc từ khắp nơi trên thế giới đổ xô đến tham dự những lễ hội như Glastonbury, Coachella, Tomorrowland và Ultra Music Festival.
Những nhóm nhạc, ca sĩ danh tiếng như Coldplay, Black Pink, Taylor Swift… đã tạo nên chuyến lưu diễn toàn cầu mà ở đó, không ít người hâm mộ theo chân họ đến mọi đêm diễn ở khắp các châu lục.
Sự trỗi dậy của du lịch âm nhạc
Theo một báo cáo do trang Future Market Insights của Mỹ công bố, thị trường du lịch âm nhạc toàn cầu được dự báo tăng từ 5,5 tỷ USD năm 2023 lên 14 tỷ USD vào năm 2032.
Trong một báo cáo khác của Sở Du lịch Hà Nội, tổng doanh thu từ khách du lịch sau hai đêm diễn cháy vé của Black Pink tại sân vận động Mỹ Đình là 630 tỷ đồng, tương đương 26,6 triệu USD.
Trong đó, lượng khán giả tham gia 2 đêm diễn ở Mỹ Đình ước tính lên tới 70.000 người, với khoảng 3.000 khán giả quốc tế. Lượng khách nước ngoài lưu trú chiếm khoảng 65%, chủ yếu đến từ các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc).
Vậy du lịch âm nhạc là gì?
Đó là khi du khách đến một thành phố nội địa hoặc một quốc gia khác để xem sự kiện âm nhạc. Trong chuyến đi này, du khách cũng khám phá cảnh quan, ẩm thực và bản sắc văn hoá để thư giãn, nâng cao đời sống tinh thần…
Du lịch âm nhạc đã nổi lên như một xu hướng du lịch hàng đầu nhờ khả năng tạo kết nối cảm xúc với những người cùng sở thích, trải nghiệm văn hóa độc đáo và thu thập những kỷ niệm đáng nhớ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, tham dự show âm nhạc có thể để lại tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần.
Ngoài tác dụng làm phong phú hoạt động văn hóa, giải trí của con người, du lịch âm nhạc còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế và quảng bá hình ảnh một quốc gia.
Trong vòng vài ngày trước và sau sự kiện, sự hiếu kỳ và ham thích khám phá thôi thúc khán giả - đa phần là Gen Z - tìm kiếm những sản phẩm du lịch đặc sắc. Các thành phố có thể quảng bá mạnh mẽ những địa điểm tham quan, tour du lịch và những hoạt động trải nghiệm thú vị mà họ có.
Khán giả phương xa đến nơi tổ chức buổi diễn cần chỗ ở, thức ăn, sản phẩm lưu niệm, phương tiện đi lại và nhiều dịch vụ khác.
Đó là cơ hội cho các hãng lữ hành, khách sạn, nhà hàng và lao động bản địa… Nếu làm tốt và mang lại cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời nhất, họ sẽ tự động trở thành sứ giả để lan toả tiếng thơm của sản phẩm du lịch địa phương với thế giới, thông qua phương tiện truyền thông xã hội.
Chẳng hạn, bên cạnh thành công về mặt doanh thu bán vé, Born Pink ở Mỹ Đình giúp thúc đẩy ngành vận tải ở cả trên không và trên mặt đất, bơm một liều "doping" cho dịch vụ lưu trú, ăn uống, bán lẻ và thu hút người hâm mộ nước ngoài thăm thú những địa danh nổi tiếng ở Hà Nội.
Từ khi Born Pink chính thức mở bán vé, lượng du khách trong nước và quốc tế tìm kiếm địa điểm lưu trú ở Hà Nội tăng lần lượt là gấp 14 và 17 lần so với một tháng trước đó.
Phòng khách sạn gần sân vận động Mỹ Đình phải tăng công suất 30% để phục vụ du khách. Riêng ngày 29/7/2023, nhiều nhà nghỉ, khách sạn ở Hà Nội kín phòng. Một số địa điểm tham quan nổi tiếng ở thủ đô ghi nhận lượng khách du lịch tăng đột biến 15-20%.
Khi một khách du lịch đến xem buổi diễn âm nhạc, mức chi tiêu gia tăng có thể gấp từ bốn đến năm lần giá trị vé. Quan trọng nhất là khoản chi tiêu gia tăng này sẽ chảy vào túi các doanh nghiệp địa phương và nền kinh tế.
Tạp chí Wall Street Journal ghi nhận người đi xem concert của “rắn chúa” Taylor Swift ngoài việc bỏ tiền mua vé còn chi trung bình 1.300 USD cho các khoản như trang phục, chỗ ở, ăn uống, phương tiện đi lại, v.v..
Sự chịu chi của người hâm mộ để chứng kiến nghệ sĩ yêu quý của họ là không giới hạn, theo tiết lộ trong báo cáo của MIDiA hợp tác với Bandsintown.
88% số người được hỏi nói rằng buổi biểu diễn của nghệ sĩ yêu thích là sự kiện mà họ không thể bỏ lỡ. 41% bày tỏ sẵn sàng đi du lịch đến những nơi xa xôi nếu cơ hội gặp gỡ thần tượng ở địa phương họ sinh sống là không khả thi.
Tiềm năng của Việt Nam
Du lịch âm nhạc mới thu hút sự chú ý ở Việt Nam thời gian gần đây, dẫu đã là xu hướng thịnh hành trên thế giới nhiều năm qua.
Phó Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội, ông Chu Anh Hùng, cho biết: "Việt Nam có rất nhiều thuận lợi để phát triển du lịch âm nhạc vì chúng ta sở hữu nền văn hoá phong phú và đa dạng, có thể kết hợp giữa âm nhạc với các yếu tố văn hóa, ẩm thực và cảnh quan tự nhiên để tạo ra các sản phẩm du lịch âm nhạc độc đáo".
Thêm vào đó, thế hệ trẻ Việt Nam ngày càng chịu chi, sẵn sàng đồng hành cùng thần tượng bằng cách di chuyển đến những nơi xa xôi để góp mặt trong đêm diễn của họ.
Nhiều người cho rằng du lịch âm nhạc là xu hướng tích cực. Ở những nơi xa lạ, các bạn trẻ có thể học được cách giao tiếp, lập kế hoạch, quản lý ngân sách cũng như khả năng xử lý tình huống phát sinh.
Với sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội, cũng như chi phí đi du lịch và vé xem ca nhạc ngày càng dễ tiếp cận hơn, thị trường du lịch âm nhạc hứa hẹn phát triển nhanh chóng tại Việt Nam.
Bên cạnh show diễn của nghệ sĩ quốc tế, một số tỉnh thành ở Việt Nam đã tổ chức trọn vẹn show diễn quy mô nhỏ hơn. Có thể kể tới những chương trình du lịch kết hợp thưởng thức âm nhạc khá thành công như Mây lang thang (Đà Lạt), Soul of the forest - Đêm nhạc giữa rừng thông (Flamingo Đại Lải), Thanh âm bên thông (Hạ Long) hay đêm nhạc Hoa bay (Tam Đảo).
Sau đại dịch Covid-19, các tổ chức biểu diễn thường lựa chọn địa điểm trình diễn âm nhạc có phong cảnh đẹp, làm nền cho những bài hát giàu tính nghệ thuật và chữa lành. Với kiểu tổ chức này, khán giả không chỉ thoả mãn với âm nhạc mà còn với cảnh đẹp xung quanh.
Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng với lượng fan hùng hậu như Hà Anh Tuấn, Mỹ Tâm, Đen Vâu… chọn tổ chức concert tại các thành phố du lịch như Ninh Bình, Huế, Đà Lạt, Hạ Long. Đêm diễn ở tụ điểm âm nhạc của Phan Mạnh Quỳnh, Trung Quân, Đức Phúc… cũng trở thành sản phẩm hút khách, tạo nên hiệu ứng lan tỏa tới các mắt xích cùng tham gia vào chuỗi cung ứng du lịch.
Thế nhưng, những đêm diễn ở tỉnh thành, thậm chí cả những concert của nghệ sĩ nổi tiếng trong nước vẫn chỉ là quy mô nội địa. Việt Nam hoàn toàn có thể thu hút thêm nghệ sĩ quốc tế đến mở sự kiện quy mô lớn như Born Pink của Black Pink, hay lễ hội âm nhạc quốc tế 8 Wonder tháng 7/2023 có sự góp mặt của Charlie Puth.
Mặc dù Born Pink đã diễn ra ở nhiều quốc gia khắp các châu lục, du khách quốc tế vẫn đổ xô đến Việt Nam để du lịch âm nhạc, vừa đồng hành với thần tượng, vừa đem theo mong muốn tìm hiểu văn hóa, cảnh quan, con người, ẩm thực ở đất nước hình chữ S giàu bản sắc và có truyền thống lịch sử hào hùng.
Để tổ chức thêm những sự kiện tầm cỡ quốc tế, chúng ta cần có chính sách ưu tiên, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đón chào nhà tổ chức và nghệ sĩ thế giới. Các cá nhân và tổ chức có trách nhiệm tại Việt Nam cần đầu tư vào cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng và sân bãi để tổ chức sự kiện lớn.
Những bên liên quan cần phối hợp chặt chẽ để đảm bảo năng lực tiếp đón, phục vụ lượng lớn du khách đổ xô đến cùng thời điểm. Du khách cần được bảo vệ để họ không gặp phải những hành vi vụ lợi xấu xí, bởi họ chính là những sứ giả đưa hình ảnh của Việt Nam đến với thế giới.
Với sự thuận lợi, đồng bộ về đường giao thông và cơ sở hạ tầng, chúng ta hoàn toàn có thể thiết kế những tour trọn gói hấp dẫn bao gồm vé xem show ca nhạc và lưu trú, ăn uống, tham quan điểm đến để hút khách, nhất là đối tượng khách trẻ tuổi.
Việt Nam cũng nên tận dụng các nền tảng tiếp thị để giới thiệu những điểm thu hút độc quyền của mình với khán giả toàn cầu. Quảng cáo hiệu quả có thể khuyến khích người hâm mộ khám phá các trải nghiệm và điểm đến khác nhau, phục vụ mục đích cuối cùng là tăng chi tiêu du lịch.