Cửa sổ không có tấm che trên máy bay Boeing, Airbus
Cửa sổ điều chỉnh điện tử có mặt trên Airbus A350 và Boeing 787 mang đến trải nghiệm thú vị cho hành khách.
Boeing 787 Dreamliner là mẫu máy bay thân rộng 2 động cơ thú vị, giúp kiến tạo tương lai ngành hàng không. Hiệu suất cao và tính tiết kiệm của 787 thúc đẩy xu hướng không sử dụng máy bay 4 động cơ trên các chuyến bay đường dài. “Người mộng mơ" (Dreamliner) tiết kiệm 20% nhiên liệu so với thế hệ tiền nhiệm 767, tầm hoạt động lên tới hơn 13.000 km.
Cửa sổ 5 tuỳ chọn độ mờ trên 787 Dreamliner
Trên khoang hành khách, thiết kế khiến người ta nhớ về 787 là chiếc cửa sổ. Với kích thước cao 47 cm, rộng 27 cm, cửa sổ của 787 lớn nhất ngành hàng không dân dụng. Chúng còn được đặt cao hơn một chút trên vách máy bay, giúp hành khách dễ quan sát bên ngoài.
Ra mắt năm 2011, cửa sổ 787 khác biệt so với thế giới vì ứng dụng điện tử, không có tấm che bằng nhựa truyền thống. Khách thoải mái chỉnh độ sáng tối bằng nút bấm, cho phép cường độ ánh sáng khác nhau tràn vào cabin.
Nếu dùng tấm che truyền thống, ta chỉ có 2 lựa chọn có ánh sáng hoặc không có ánh sáng.
Cửa sổ điều chỉnh điện tử (EDW) trên Dreamliner được tạo ra từ 2 lớp kính và một lớp gel điện sắc trong suốt kẹp giữa. Điện sắc là công nghệ sử dụng hợp kim vô hình oxit vonfram (wolfram (VI) oxide) để phủ lên kính. Làm như vậy, bề mặt của tấm kính sẽ có khả năng dẫn điện.
Khi hành khách nhấn nút, dòng điện chạy vào gel gây ra phản ứng hoá học làm thay đổi độ sáng tối của kính. Điện áp càng cao thì gel càng sẫm màu và ngược lại. Boeing nói những chiếc cửa sổ này không cần bảo trì và sẽ tồn tại suốt vòng đời máy bay, tức ít nhất khoảng 20 năm.
Các điện cực đặt 2 bên cửa sổ, kết nối với nhau để phi hành đoàn duy trì quyền kiểm soát cao nhất. Đây là ưu điểm song cũng là nhược điểm của EDW. Ở nhiều hãng bay, tiếp viên "lạm quyền" điều khiển, không cho hành khách tuỳ chỉnh, khoá cứng độ tối ở một mức nhất định suốt chuyến, khiến không gian cabin chìm trong bóng tối dù bên ngoài trời sáng.
Khách hàng phàn nàn đến mức United Airlines phải gửi thư yêu cầu tiếp viên không làm điều này. Hãng yêu cầu phi hành đoàn chỉ được can thiệp, để độ sáng tối đa khi máy bay ở trong giai đoạn cất cánh và hạ cánh.
Trang web du lịch One Mile at a Time cho hay họ không thích cửa sổ điều chỉnh trên 787. United Airlines bắt tiếp viên không can thiệp, nhưng nhiều hãng khác vẫn khoá cửa sổ ở chế độ tối trong cả chuyến bay, khiến hành khách không thể nhìn ra bên ngoài.
Ngay cả khi cài đặt chế độ tối nhất, cây viết Ben Schlappig của One Mile at a Time vẫn thấy hơi sáng và nếu ngồi cùng hướng nắng chiếu sẽ thấy nóng. Người này nhận xét quá trình chuyển chế độ màu cũng diễn ra chậm.
Quả thực, vào lần đầu ra mắt, EDW trên 787 không thể tối hoàn toàn. Nhiều người chê chúng để quá nhiều ánh sáng lọt vào cabin, gây khó chịu. Không ít khách phàn nàn bị mất ngủ khi di chuyển trên 787.
Tiếp thu ý kiến, nhà sản xuất cải tiến công nghệ vào năm 2015. Giờ đây, EDW có thể chặn gần như toàn bộ ánh sáng, tương tự như rèm truyền thống. Hơn nữa, thời gian chuyển từ trạng thái bình thường sang màu tối đã giảm đi một nửa.
EDW của Airbus có gì hơn?
Airbus đã tính đến chuyện sử dụng công nghệ cửa sổ điện tử từ năm 2013. Nhưng họ quyết định đợi đến khi công nghệ hoàn thiện, chặn được 100% ánh sáng.
Zuzana Hrnkova, người đứng đầu bộ phận tiếp thị nội thất của Airbus khi ấy, thừa nhận hãng đã tiến hành thử nghiệm công nghệ này với các hãng bay, nhưng cuối cùng nhận thấy khi đó "không có thị trường" cho EDW. Thời kỳ sơ khai của EDW, một số hãng bay Nhật Bản dùng chiếc 787 còn phải... cấp miếng dán che cửa sổ cho khách vì không đủ tối.
Khi công nghệ đạt đến mức tiến bộ nhất, Airbus quyết định áp dụng. Tháng 1/2020, Airbus thông báo sẽ lắp đặt EDW trên máy bay của mình. Đến 2022, hãng trình làng công nghệ cửa sổ điều chỉnh điện tử cải tiến trên A350.
Boeing và Airbus đều dùng cửa sổ thiết kế bởi Gentex Corporation, một nhà cung cấp công nghệ EDW cho ngành hàng không vũ trụ.
Khác biệt ở chỗ, cửa sổ dành cho Airbus được cải tiến hơn so với thiết kế ban đầu của Boeing 787. EDW trên A350 tối đi nhanh hơn và tối hơn 100 lần, loại bỏ đến 99,999% ánh sáng. Ở mức tối nhất, khung cửa sổ gần như đen hoàn toàn.
Airbus và Gentex gọi đó là cấp độ “siêu tối”, đến mức không thể nhìn ra bên ngoài. Cửa sổ thế hệ mới đủ sức chặn sóng hồng ngoại xâm nhập và làm nóng cabin, Gentex cho hay.
Ben Schlappig đã có dịp trải nghiệm chuyến bay trên chiếc A350-900 của Air France, bay từ New York (Mỹ) đến Paris (Pháp). Anh đánh giá EDW của A350 vượt trội B787. Chế độ siêu tối của A350 rất hiệu quả, nó tối như kéo tấm che cửa truyền thống.
Bức ảnh Ben chụp cho thấy camera ở đuôi máy bay quay bầu trời đang sáng bừng nhưng cửa sổ tối đen. “Điều này tốt hơn đáng kể so với 787 và tôi cũng không cảm thấy hơi nóng từ bên ngoài”, Ben nói.
Quá trình làm mờ trên A350 cũng thuận tiện. Chỉ có hai nút, nút bên trái làm cho cửa sổ sáng hơn, nút bên phải làm cửa tối hơn. Khách có thể biết mức độ làm mờ hiện tại dựa trên vị trí các đèn LED, xem chúng nằm gần ô sáng hay ô tối.
Khi bấm thay đổi độ tối, đèn LED nhấp nháy di chuyển giữa 2 ô sáng tối, cho biết đang có sự thay đổi. Khi quá trình hoàn tất, đèn sẽ ngừng di chuyển.
Đồng quan điểm với Ben Schlappig, cây viết David Flynn của Executive Traveler nhận thấy cửa sổ A350 chuyển từ trong suốt sang tối đen bằng thời gian ngắn hơn nhiều so với trên Dreamliner. Dải điều chỉnh độ sáng cảm ứng cũng nhạy hơn nhiều so với nhiều lần bấm nút vật lý.