Theo ghi nhận vào những ngày cuối tháng 8, nhiều hạng mục của cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) đang được thi công khẩn trương. Trong ảnh là gói thầu 5.10 - thi công nhà ga hành khách sân bay Long Thành với tổng vốn đầu tư 35.000 tỷ đồng do liên danh Vietur thực hiện. Các hạng mục của gói thầu này bao gồm xây dựng nhà ga hành khách (nhà ga trung tâm và 3 cánh), kết cấu 1 trệt và 3 lầu, chiều cao đỉnh mái 45 m, nhà ga có tổng diện tích sàn khoảng 376.451 m2. Hiện tại, nhà ga hành khách đã hoàn thành toàn bộ phần bê tông cốt thép cột, dầm sàn lầu 1, lầu 2, lầu 3 và đang triển khai thi công bê tông cốt thép dầm sàn lầu 4 (tổng diện tích sàn khoảng 376.451 m2). Liên danh các nhà thầu đã lắp dựng những khung vòm thép đầu tiên của hạng mục lắp dựng kết cấu thép mái công trình nhà ga hành khách, đánh dấu một bước tiến mới trong quá trình xây dựng công trình trọng điểm quốc gia này. Hạng mục thi công kết cấu thép mái có mức đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, chiếm 10% giá trị hợp đồng công trình nhà ga. Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), trên mặt bằng dự án vào giai đoạn cuối tháng 8 đã hình thành đại công trường với sự tham gia của hàng trăm mũi thi công với hơn 6.000 nhân sự và 2.200 thiết bị thi công. Cách đó khoảng 1 km, Đài kiểm soát không lưu sân bay Long Thành được khởi công vào cuối tháng 9/2023 cũng đã vươn cao gần 100 m. Công trình được thiết kế theo ý tưởng hình búp sen với tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng. Đài kiểm soát không lưu sân bay Long Thành có màu sắc và kết cấu kiến trúc hài hòa với nhà ga hành khách và các công trình xung quanh. Hạng mục tháp điều hành có chiều cao 123 m được trang bị radar trên đỉnh tháp, diện tích xây dựng khoảng 80 m2, đường kính thân tháp khoảng 10 m. Cabin kiểm soát tại sân có diện tích khoảng 150 m2 và 2 cabin kiểm soát sân đỗ với diện tích mỗi cabin khoảng 70 m2. Cùng với đài kiểm soát không lưu và nhà ga hành khách, việc xây dựng đường cất hạ cánh sân bay Long Thành cũng đang vượt tiến độ so với kế hoạch đề ra. Trên công trường luôn có hàng nghìn nhân công và gần 1.000 thiết bị máy móc hoạt động 3 ca xuyên ngày đêm. Báo cáo tiến độ mới nhất ghi nhận việc thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và lập thiết kế bản vẽ thi công xây dựng công trình đường cất hạ cánh (kích thước 4.000 x 45 m); đường lăn, sân đỗ tàu bay (ga hàng hóa, hangar, cách ly) và các công trình khác. Với tiến độ này, hạng mục đường cất hạ cánh đã vượt 2 tháng so với cam kết trong hợp đồng. Dự kiến, thiết bị hỗ trợ hạ cánh được vận chuyển về Việt Nam trong tháng 10 và lắp đặt vào tháng 12 năm nay. ACV quyết tâm chỉ đạo các đơn vị thi công hoàn thành đường cất hạ cánh trước ngày 30/4/2025, vượt 3 tháng so với tiến độ trong hợp đồng. Ngoài ra, hai tuyến đường T1 và T2 kết nối sân bay Long Thành đang được tổng lực thi công. Công trình được khởi công từ tháng 7/2023, thời gian xây dựng là 885 ngày, tổng giá trị hơn 2.630 tỷ đồng. Trong ảnh, nút giao đường T1 với Quốc lộ 51 (Đồng Nai) đang được xây dựng. Chủ đầu tư cho biết liên danh nhà thầu đã huy động khoảng 1.000 công nhân, kỹ sư và máy móc thiết bị để triển khai đồng loạt 21 mũi thi công ngày đêm. Hàng chục công nhân đang triển khai đổ bê tông đường dẫn tại nút giao T1 và T2. ACV cho biết đến nay khối lượng thực hiện đạt gần 1.100 tỷ đồng, tương đương 46% giá trị hợp đồng. Hàng loạt trụ bê tông, dầm cầu của hệ thống cầu cạn, đường dẫn đã được dựng lên. Theo thiết kế, tuyến T1 dài 4,3 km, kéo dài từ phía tây Cảng hàng không quốc tế Long Thành đến Quốc lộ 51, được đầu tư với vận tốc thiết kế 80 km/h theo tiêu chuẩn đường chính đô thị. Dự kiến, nút giao tuyến T1 với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu hoàn thành vào tháng 8/2025 và nút giao tuyến T2 với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hoàn thành sau đó 2 tháng. Toàn bộ công trình dự kiến được đưa vào sử dụng từ tháng 12/2025.
Nam Phong