Quân sự

Đơn giản hóa quy trình cấp phép với tàu bay không người lái UAV

Vân Khanh 30/08/2024 13:44

Theo một số đại biểu Quốc hội, quy trình cấp phép tàu bay không người lái còn tồn tại nhiều bất cập.

Ngày 28/8, đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến dự án Luật Phòng không nhân dân.

Theo đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng), việc xây dựng Luật Phòng không nhân dân nhằm tạo khung pháp lý chung cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân; quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng không nhân dân.

202408281215456337_dsc_2858.jpg
Đại biểu Thạch Phước Bình, Trà Vinh. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội.

Quy định về việc quản lý tàu bay không người lái (UAV) ở Việt Nam cũng khá chi tiết. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng vẫn tồn tại bất cập cần được điều chỉnh để đáp ứng tốt hơn sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và nhu cầu sử dụng tàu bay không người lái.

Cụ thể, với quy trình cấp phép cho UAV được các đại biểu cho rằng "khá phức tạp", đặc biệt là đối với các tàu bay sử dụng cho mục đích dân sự, thương mại hoặc giải trí.

Hiện, dự thảo Luật chỉ quy định về việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay mà không quy định về việc cấp phép kinh doanh trang bị, thiết bị.

Điều này dẫn đến việc kinh doanh UAV mà "phương tiện bay được cấp phép nhưng trang bị và thiết bị của phương tiện đó thì không", đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, việc phân loại tàu bay không người lái dựa trên mục đích sử dụng, kích thước, trọng lượng và khả năng hoạt động còn chưa rõ ràng, dẫn đến có thể xảy ra sự nhầm lẫn, rà soát và khó khăn trong quản lý.

Trong khi đó, theo đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh), các tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho tàu bay không người lái có thể không bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ dẫn đến việc áp dụng các quy định này sẽ không phù hợp.

Đại biểu đề nghị cần cập nhật và cụ thể hóa vào dự thảo Luật các loại tàu bay không người lái bao gồm tàu bay không người lái dân sự, tàu bay không người lái quân sự, tàu bay không người lái thương mại và giải trí để các quy định này được áp dụng chi tiết, rõ ràng hơn.

Đồng thời, điều chỉnh và cập nhật các tiêu chuẩn kỹ thuật để bảo đảm phù hợp với những tiến bộ mới trong công nghệ tàu bay không người lái.

7d7(1).jpg
Luật Phòng không nhân dân dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10/2024. Ảnh: VGP.

Ngoài ra, việc quản lý tàu bay không người lái vẫn còn thiếu một cơ sở dữ liệu tập trung và đồng bộ. Điều này gây khó khăn trong việc giám sát, cấp phép và theo dõi các hoạt động này.

Theo đó, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung cho phép các cơ quan quản lý và người dùng đăng ký tra cứu và quản lý tàu bay không người lái một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Ngoài ra, ông Bình cho rằng các hệ thống giám sát hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu theo dõi và quản lý tàu bay không người lái trong không phận, đặc biệt là các khu vực đông dân cư hoặc nhạy cảm. Việc này có thể gây ra rủi ro về an ninh, đặc biệt là trong các khu quân sự và sự kiện quan trọng.

Dự thảo luật nên quy định về phát triển hệ thống giám sát không phận tiên tiến, cho phép kiểm soát tàu bay không người lái liên tục. UAV phải được trang bị hệ thống định vị, cảnh báo để ngăn chặn xâm nhập vào các khu vực nhạy cảm.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề xuất với Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật về việc đảm bảo về nguồn lực tài chính và các điều kiện khác cho Phòng không nhân dân (PKND).

Đồng thời, điều chỉnh lại hoạt động chỉ đạo PKND; xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về PKND và ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chỉ đạo về PKND ở các cấp.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các ĐBQH đối với dự án Luật PKND.

Ông đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật PKND tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn chỉnh dự án luật trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10.

Theo dự thảo, tàu bay không người lái (UAV) là thiết bị bay không cần điều khiển trực tiếp của phi công, tổ lái. Phương tiện bay siêu nhẹ là các vật thể bay mà không phải là tàu bay không người lái, bao gồm các loại khí cầu, mô hình bay, dù bay, diều bay.

Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng loại phương tiện này phải có giấy phép bay; phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước khi bay. Người trực tiếp điều khiển tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ phải đủ 18 tuổi, có đủ năng lực hành vi dân sự và có kiến thức về hàng không.

Vân Khanh