Văn minh hàng không

Lý do ngành hàng không chạy đua giảm phát thải

Thắng Nguyễn 30/08/2024 06:40

Ngành hàng không góp phần gây ra biến đổi khí hậu và đang phải hứng chịu hậu quả.

Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức toàn cầu lớn và phức tạp nhất. Khí nhà kính như carbon dioxide (CO2) giữ lại nhiều nhiệt lượng từ Mặt Trời hơn trong bầu khí quyển dẫn hiện tượng ấm lên toàn cầu.

Biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ xảy ra thời tiết khắc nghiệt như nắng nóng, lũ lụt khiến mực nước biển dâng cao, mất đa dạng sinh học, cháy rừng và cả nhiễu động khí quyển.

Những tác động này sẽ càng tồi tệ hơn trong tương lai khi CO2 trong khí quyển tích tụ ngày một nhiều.

Biến đổi khí hậu sẽ tác động đến tất cả các quốc gia. Nhưng nghịch lý là các nước nghèo nhất thế giới, nơi thải ít khí khí nhà kính nhất, lại gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.

Tác động của hoạt động bay đến khí hậu

Hàng không gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Để bay trên không, máy bay cần một lượng nhiên liệu lớn có nguồn gốc từ dầu hỏa khiến nó trở thành hình thức di chuyển thải nhiều carbon nhất trong các loại hình giao thông.

17-027.jpg
Khí thải từ máy bay là một trong những tác nhân chính gây biến đổi khí hậu. Ảnh: NASA.

Một chuyến bay khứ hồi đường dài có thể tạo ra nhiều khí thải hơn bất kỳ phương tiện vận tải nào khác dưới mặt đất trong một năm.

Tuy nhiên nếu so về tổng lượng phát thải CO2 toàn cầu, hàng không chỉ chiếm 2% so với 17% của đường bộ và 44% của ngành điện.

Máy bay cũng thải ra NOx (NO và NO2), hơi nước và một lượng nhỏ bồ hóng vào phần trên tầng khí quyển. Những thành tố này kết hợp lại tạo ra hiệu ứng làm ấm gấp khoảng 3 lần tác động của CO2.

Theo Hội đồng Sân bay Quốc tế (Airport Council International), hàng không thế giới đã phục vụ khoảng 8,6 tỷ hành khách vào năm 2023 với khoảng 16,3 triệu chuyến bay được thực hiện.

Ngành hàng không đang gánh chịu hậu quả

Theo báo cáo của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), biến đổi khí hậu là nguyên nhân làm gia tăng nhiễu động khí quyển trong vòng 40 năm trở lại đây, trong khi nhiễu động là nguyên nhân gây ra khoảng 40% tổng số vụ tai nạn máy bay vào năm 2023.

Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cũng cảnh báo nhiễu động là nguyên nhân hàng đầu gây ra các sự cố máy bay khiến tiếp viên hàng không và hành khách bị thương hoặc tử vong.

Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển quốc gia Mỹ cho biết nhiễu động gây thiệt hại cho các hãng hàng không nước này lên tới 500 triệu USD mỗi năm.

Chuyến bay mang số hiệu SQ321 của Singapore Airlines ngày 21/5 hạ độ cao đột ngột khiến một người chết và hàng chục người bị thương là tai nạn có người chết mới nhất do nhiễu động gây ra.

Hội nghị hàng không của ICAO đang diễn ra tại Montreal (Canada) đã dành thời lượng lớn để bàn về cách đối phó với tình hình nhiễu động ngày một tăng.

Các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore muốn thêm nhiễu động là ưu tiên trong Kế hoạch an toàn hàng không toàn cầu năm 2026 của ICAO.

Không dễ để giảm phát thải hàng không

Hiện nay đã có công nghệ sản xuất nhiêu liệu hàng không bền vững (SAF). Nhưng thế giới vẫn chưa tìm ra công nghệ để khử carbon tối ưu cho ngành hàng không.

Máy bay mới thường tiết kiệm nhiên liệu và phát thải ít hơn so với những mẫu cũ. Nhưng những nỗ lực trong công nghệ chế tạo máy bay chỉ cải thiện hiệu quả trong ngành hàng không trung bình khoảng 1% mỗi năm.

jet-cloud-landing-aircraft-46148.jpg
Nhiễu động khí quyển là nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn trên không. Ảnh: Simple Flying.

Máy bay điện mới chỉ sẵn sàng cho các chuyến bay ngắn. Về mặt kỹ thuật có thể sản xuất nhiên liệu không carbon bằng cách sử dụng CO2 thu gom và hydro sản xuất bằng điện tái tạo, nhưng chưa có dây chuyền sản xuất ở quy mô thương mại.

SAF cũng cần được đánh giá một cách thận trọng. Nhiên liệu được làm từ chất thải nông nghiệp và thực phẩm có lượng khí thải trong vòng đời thấp hơn so với sử dụng dầu hỏa. Nhưng hạn chế trong việc mở rộng quy mô sản xuất cản trở SAF thay thế nhiên liệu truyền thống.

Ngoài ra việc trồng trọt để làm nhiên liệu có thể góp phần trực tiếp hoặc gián tiếp vào nạn phá rừng và làm giảm diện tích đất nông nghiệp.

Ngành hàng không đang trả tiền để giảm phát thải trong một số lĩnh vực khác bù đắp cho lượng khí thải từ các chuyến bay. Nhiều hãng hàng không cũng bỏ tiền để trồng cây nhằm hấp thụ một lượng CO2 tương đương sinh ra từ hoạt động bay của mình.

Nhưng vào năm 2050, khi tất cả các quốc gia và tất cả các ngành công nghiệp đều muốn đạt mức phát thải ròng bằng 0, sẽ không có cách nào để mua các tín chỉ khí thải bù đắp.

Số lượng cây được trồng hàng năm cũng không đủ hấp thụ lượng CO2 liên tục tích tụ từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Thắng Nguyễn