Văn minh hàng không

Việt Nam mất gần 20 năm để làm chủ hoàn toàn FIR Hồ Chí Minh

Thắng Nguyễn 29/08/2024 16:57

Vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh, trước năm 1975 gọi là FIR Sài Gòn, được thiết lập từ năm 1959. Đến năm 1994, Việt Nam mới được quản lý toàn bộ vùng thông báo bay này.

217016561_420141672521206_8505554923143474756_n.jpg

Ranh giới FIR được xác định trên cơ sở thỏa thuận giữa các quốc gia liên quan tại các Hội nghị không vận khu vực (RAN) và do Hội đồng ICAO phê chuẩn.

Nguyên tắc phân định các FIR của ICAO thuần túy xuất phát từ ý nghĩa kỹ thuật, không liên quan đến chủ quyền lãnh thổ. FIR có thể bao gồm vùng trời chủ quyền của mỗi quốc gia và các vùng trời không thuộc chủ quyền được phân công.

FIR Hồ Chí Minh bị chia cắt

Tháng 4/1975, trước nguy cơ ách tắc không lưu trong khu vực miền Nam Việt Nam, ICAO đã vạch ra một kế hoạch không vận lâm thời.

Bản kế hoạch phân chia phần công hải trên biển Đông của FIR Sài Gòn thành ba vùng trách nhiệm lâm thời, giao ba trung tâm kiểm soát đường dài Bangkok, Singapore và Hong Kong (Trung Quốc) điều hành. Phần còn lại của FIR Sài Gòn do Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh đảm nhiệm.

firhcm.jpeg
Việt Nam có FIR Hà Nội và FIR Hồ Chí Minh. Ảnh: ICAO.

Từ năm 1977, nhà nước có chủ trương đấu tranh nhận lại quyền kiểm soát hoàn toàn vùng thông báo bay Sài Gòn cũ. Một năm sau, trong các văn kiện ngoại giao của Việt Nam, FIR Sài Gòn được đổi tên thành FIR Hồ Chí Minh, gián tiếp khẳng định quyền kiểm soát của Việt Nam đối với vùng trách nhiệm này.

Sau năm 1975, Mỹ và nhiều nước phương Tây siết chặt cấm vận khiến kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, Việt Nam còn phải đối mặt với những vấn đề về an ninh, quốc phòng.

Ngành hàng không dân dụng Việt Nam cũng không nằm ngoài những khó khăn chung của đất nước. Trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác quản lý bay trong nước thời gian này còn thiếu đồng bộ và lạc hậu.

Các thiết bị xuống cấp, ngành hàng không Việt Nam thiếu vốn để mua sắm vật tư, phụ tùng thay thế. Năng lực quản lý, trình độ chuyên môn kỹ thuật, trình độ ngoại ngữ, sự hiểu biết các quy tắc tiêu chuẩn quốc tế của đội ngũ kiểm soát không lưu Việt Nam khi đó chưa cao.

10.jpg
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị không vận khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 3. Ảnh: VATM.

Tại Hội nghị không vận khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ hai (RAN-2) năm 1983, Thái Lan, Singapore và Hong Kong yêu cầu ICAO giao cho họ quyền quản lý chính thức vùng thông báo bay lâm thời trên biển Đông thuộc FIR Hồ Chí Minh.

Việt Nam phản đối yêu cầu trên và đề nghị giữ nguyên hiện trạng các vùng trách nhiệm lâm thời trên biển Đông mà ICAO đã xác lập năm 1975. Đây là chiến lược của nước ta để có thêm thời gian chuẩn bị cho việc làm chủ quyền điều hành FIR Hồ Chí Minh.

Nâng cấp năng lực, làm chủ quyền quản lý bay

Trong vòng 5 năm 1988-1993, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) hoàn thành kế hoạch hiện đại hóa cơ sở hạ tầng với khối lượng công việc khổng lồ. Trong thời gian này, Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài Hà Nội và Trung tâm Kiểm soát không lưu tiếp cận tại Đà Nẵng được nâng cấp với các trang thiết bị hiện đại.

VATM cũng khánh thành và đưa vào khai thác Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh, trực tiếp cung cấp các dịch vụ điều hành bay trong FIR Hồ Chí Minh.

Tổng công ty đồng thời xây dựng 5 trạm giám sát hàng không hiện đại nhất trên thế giới lúc bấy giờ tại Tân Sơn Nhất, Sơn Trà, Vũng Chua, Cà Mau... để quản lý FIR Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Phan Văn Khải phát biểu tại lễ kỷ niệm và tiếp nhận FIR 1994
Thủ tướng Phan Văn Khải khi còn là Phó thủ tướng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Tổ chức ICAO và tiếp nhận phần phía nam FIR Hồ Chí Minh. Ảnh: VATM.

Cơ sở hạ tầng và năng lực quản lý bay được nâng cấp là cơ sở để đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị Không vận khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ ba (RAN-3) khẳng định Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực tiếp quản phần phía nam FIR Hồ Chí Minh và điều hành vùng thông báo bay này.

Kết thúc hội nghị, ICAO đã phê chuẩn nghị quyết bàn giao phần phía nam FIR Hồ Chí Minh cho Việt Nam quản lý.

Năm 1994, tại Hội nghị Tiểu ban không vận Châu Á - Thái Bình Dương gồm 10 nước họp tại TP.HCM, ICAO tiến hành tổng kiểm tra lần cuối đối với khả năng đảm nhận nhiệm vụ điều hành FIR Hồ Chí Minh của Việt Nam. Ông Moris E. Fridman, phụ trách không vận của ICAO, khẳng định: “FIR Hồ Chí Minh của Việt Nam đạt tiêu chuẩn loại 1”.

Kể từ 0h ngày 8/12/1994, Tổng công ty quản lý bay Việt Nam chính thức điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh .

Thắng Nguyễn