Thịt đông (Việt Nam) xếp hạng thứ 46 trong danh sách, được giới thiệu là món ăn truyền thống của Việt Nam, thường được thưởng thức trong dịp tết Nguyên đán cùng với hành muối và cơm nóng. Đây cũng là món ăn được ưa chuộng vào mùa đông, vì người xưa dùng nó như cách để bảo quản thực phẩm trong những tháng lạnh. Thịt đông được làm bằng cách ninh hỗn hợp gồm thịt lợn, chân giò, bì lợn, cà rốt, nấm và gia vị. Sau khi nấu chín, thịt được làm nguội cho đến khi đông lại thành dạng thạch. Ảnh: TasteAtlas. Canh bóng (Việt Nam) xếp ở vị trí thứ 60 trong danh sách. Thành phần chính của món canh này là bóng bì. Da lợn được rửa sạch bằng nước gừng và giấm, sau đó phơi nắng và nướng để khô lại. Nước dùng của món canh này được ninh từ xương lợn. Các nguyên liệu khác gồm cà rốt, hành tây, nấm hương, mộc nhĩ và thịt viên mọc được thêm vào sau. Món ăn này tượng trưng cho sự ấm áp và đoàn tụ gia đình. Ảnh: maisonoffice. Pâté chaud (Việt Nam) hay còn được gọi là patesô xếp hạng 70. Đây là một loại bánh mặn nhân thịt của người Việt, được lấy cảm hứng từ món bánh Pâté Feuillie với một số vật liệu làm bánh Pháp, gồm phần vỏ bánh ngàn lớp (puff pastry) và nhân bánh thịt bằm (có thể là heo, bò, gà…) trộn cùng pa tê và các loại nguyên liệu gần gũi với ẩm thực Việt như dầu hào, nước mắm, tỏi, hành tím, mộc nhĩ... Bánh được nướng cho đến khi vỏ giòn, có màu vàng nâu và giòn, kết hợp với phần nhân mặn, đậm đà bên trong, tạo nên món ăn tuyệt hảo, phù hợp nhất khi ăn còn nóng hổi. Ảnh: Balance With Jess. Mì ramen (Nhật Bản) đứng đầu danh sách. Ramen là một món ăn truyền thống tại đất nước Nhật Bản. Món này bao gồm phần sợi mì được làm từ lúa mì, nước dùng được nấu từ xương heo, xương gà hoặc cá, ăn kèm với các món như thịt lợn thái mỏng, rong biển sấy khô, măng chua, chả cá và hành lá. Nước dùng ramen có hai loại chính là kotteri (đậm đà) hoặc assari/paitan (nhạt), tùy thuộc vào độ đục và độ đặc của nước dùng. Ngoài ra, Nhật Bản còn có 4 đại diện khác trong danh sách, bao gồm gà om rau củ xếp thứ 47, cá kho xếp thứ 62, bò cuộn nấm kim châm xếp thứ 73, lẩu nấm xếp thứ 87. Ảnh: Moshi Moshi. Súp tom yum (Thái Lan) đứng ở vị trí số 3 trong danh sách. Sả, lá chanh makrut (quả chúc) và nước cốt chanh là những gia vị chính trong món ăn này. Tên của món súp gồm hai từ "tom" có nghĩa là nấu, "yum" là một nhóm gia vị chua cay tại Thái Lan. Nếu tôm là nhân chính, món ăn có tên "tom yum kung", nếu là gà, nó có tên "tom yum kai"... Hương vị chua chua, cay cay hòa lẫn vị ngọt ngào tạo ra món súp hải sản hết sức đặc biệt. Ảnh: Unilever Food Solutions. Xíu mại (Trung Quốc) xếp ở vị trí thứ 4, là một loại dim sum. Vỏ bánh được bọc hở đầu, bên trong là nhân thịt lợn xay, tôm băm nhỏ cùng mộc nhĩ. Sau khi hấp chín, phía trên xíu mại thường được trang trí bằng một vài hạt đậu, trứng cá, cà rốt cắt nhỏ... Ở Trung Quốc, có rất nhiều biến thể theo vùng của món ăn hấp dẫn này. Xíu mại cũng phổ biến ở Indonesia, Nhật Bản và Philippines. Ngoài ra, thịt lợn nấu hai lần xếp thứ 6 và canh chua cay xếp thứ 18 của Trung Quốc cũng góp mặt trong danh sách này. Ảnh: HN. Nấm xào (Hàn Quốc) xếp thứ 68, là món ăn kèm của Hàn Quốc (banchan). Món này thường được làm từ nấm sò, nấm hương hoặc nấm nút... xào cùng với tỏi, hành tây... và các loại gia vị như muối, hạt tiêu, dầu mè... Ảnh: Maangchi. Mushroom do pyaza (Ấn Độ) xếp thứ 71, là món ăn truyền thống của Ấn Độ, đặc biệt phổ biến ở các vùng phía bắc của đất nước này. Món ăn được làm từ nấm nút, hành tây, cà chua, gừng, tỏi, ớt, nghệ, rau mùi, thìa là... với gia vị garam masala. Các thành phần này được xào sơ, rồi nấu cùng nấm thái nhỏ, cho đến khi hỗn hợp trở nên sệt lại. Món ăn thường được dùng kèm với bánh mì. Ngoài ra, Ấn Độ còn có 3 đại diện khác trong danh sách, bao gồm matar mushroom xếp thứ 74, dhingri mutter xếp thứ 76 và mushroom kurkure xếp thứ 86. Ảnh: Profusion Curry.
Thu Trang