Tài chính

Cổ phiếu hàng không phân hóa trước 'sóng phục hồi'

An Huy 27/08/2024 12:07

Triển vọng phục hồi nhờ nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không tăng cao, đặc biệt là khách quốc tế nhờ chính sách thị thực mới và thúc đẩy du lịch - hàng không. Các dự án hạ tầng mới cũng được kỳ vọng gỡ nút thắt cho sự phát triển doanh nghiệp trong ngành.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần trên sàn chứng khoán, phần lớn các cổ phiếu ngành hàng không chìm trong sắc đỏ theo xu hướng chung của thị trường.

Cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất trong ngành là ACV (Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam) giảm 1,52%, Vietnam Airlines giảm 3,43% còn Vietjet Air giữ giá tham chiếu… Các cổ phiếu dịch vụ hàng không như AST, SCS, MAS đều giảm điểm, ngược lại SAS tăng 0,66% lên 30.300 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines - HVN - sau khi tăng gấp 3 lần trong quý II từ vùng 12.000 đồng/cổ phiếu lên hơn 36.000 đồng, đã điều chỉnh giảm mạnh trong tháng 7 và hiện giao dịch quanh mức giá 21.000 đồng. Đây cũng là vùng giá của HVN trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài đến cuối năm 2021.

opensky_z62_7896.jpg
Cổ phiếu HVN tăng 3 lần nhưng giảm mạnh trong tháng 7. Ảnh minh họa: Thắng Nguyễn.

Trong khi đó, cổ phiếu VJC của Vietjet cũng giao dịch quanh ngưỡng 100.000 đồng/cổ phiếu. Đây là vùng giá thấp nhất của VJC từ khi xảy ra dịch Covid-19. Trái ngược với HVN bị hạn chế giao dịch và sụt giảm thanh khoản, cổ phiếu VJC vẫn duy trì thanh khoản tốt trong hơn một năm qua.

Các hãng hàng không khó tăng quy mô đội bay

Diễn biến của hai cổ phiếu HVN, VJC phản ánh bức tranh chung của ngành hàng không trong giai đoạn phục hồi. Vietnam Airlines vẫn khó khăn về tài chính với tình trạng âm vốn chủ sở hữu và quy mô vay nợ lớn. Hoạt động kinh doanh vận tải hàng không tại công ty mẹ vẫn báo lỗ, trong khi lợi nhuận hợp nhất chủ yếu đến từ thu nhập bất thường do xóa nợ công ty con.

Với Vietjet, thị trường hàng không phục hồi, đặc biệt là khách quốc tế tăng nhanh đã giúp hãng tận dụng đội bay và mạng bay quốc tế để tăng doanh thu. Đồng thời với đặc thù hàng không giá rẻ, doanh thu phụ trợ của Vietjet tăng mạnh với tỷ suất lợi nhuận cao, giúp hãng bay của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo có lãi hơn 1.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng trở lại, cao hơn giai đoạn trước dịch Covid-19 được kỳ vọng giúp các hãng bay và các công ty dịch vụ trong ngành tiếp tục có lãi. Bên cạnh đó, các yếu tố hỗ trợ lợi nhuận công ty trong ngành là giá nhiên liệu có xu hướng giảm và giá vé tăng.

Tuy vậy trong ngắn hạn, việc thiếu hụt tàu bay do các máy bay A320 phải dừng bay kéo dài để khắc phục vấn đề động cơ P&W, khiến đội bay của các hãng bay trong nước chỉ còn khoảng 70% so với thời điểm nhộn nhịp nhất năm ngoái.

Bên cạnh đó, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng sau đại dịch và sự suy yếu năng lực tài chính của các hãng bay dẫn đến việc tăng quy mô đội bay của các hãng gặp khó. Việc Boeing và Airbus chậm giao máy bay có thể kéo dài trong vài năm tới, chắc chắn tác động lớn đến các hãng bay.

Điểm tích cực là gần đây, Vietnam Airlines đã nhận thêm một tàu bay thân rộng Boeing 787-10 và một tàu bay Airbus A320neo để tăng khả năng phục vụ trong bối cảnh thị trường trong nước thiếu tàu bay, đặc biệt sau khi Bamboo Airways giảm quy mô đội bay từ 30 chiếc về 7 chiếc.

Vietjet Air từ đầu năm không có kế hoạch nhận thêm tàu bay nhưng mới đây cho biết sẽ nhận thêm 10 tàu bay, phần lớn là A321neo ACF nhằm tăng khả năng cung ứng và đón đầu sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường hàng không, khi nhu cầu di chuyển hàng không tăng cao, đặc biệt dịp nghỉ hè, và Tết Nguyên đán.

Nhóm doanh nghiệp dịch vụ hàng không "ăn nên làm ra"

Một số công ty chứng khoán phân tích các công ty dịch vụ hàng không có định giá hấp dẫn do lợi nhuận phục hồi nhanh, trong khi nhiều hãng hàng không cần thêm thời gian. Thực tế, lợi nhuận của một số doanh nghiệp dịch vụ ngành hàng không niêm yết trên sàn chứng khoán trong 6 tháng đầu năm rất tích cực.

SASCO, công ty dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, đạt doanh thu 1.334 tỷ đồng và báo lãi 140 tỷ đồng nửa đầu năm, tăng lần lượt 14% và 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là công ty sở hữu và vận hành hệ thống cửa hàng miễn thuế, nhà hàng và phòng chờ thương gia tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Tương tự, Taseco Airs của Taseco Group báo cáo doanh thu tăng 23% so với cùng kỳ, đạt 649 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận đạt hơn 93 tỷ đồng. Kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường hàng không, công ty đặt mục tiêu doanh thu vượt qua năm 2019 (trước khi có dịch Covid-19) và lợi nhuận tương đương (khoảng 260 tỷ đồng).

Trong 6 tháng đầu năm, Công ty Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (SCSC) ghi nhận doanh thu thuần 477 tỷ đồng và lãi ròng 337 tỷ đồng, tăng tương ứng 43% và 39% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Công ty Dịch vụ hàng hóa Nội Bài công bố doanh thu tăng 30% và lợi nhuận tăng 17% lên lần lượt 404 tỷ đồng và 113 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực hạ tầng hàng không, Công ty Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) ghi nhận doanh thu thuần đạt 749 tỷ đồng, tăng 8% và lợi nhuận sau thuế đạt 137 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, ACV báo lãi 6.148 tỷ đồng trong nửa đầu năm nhờ sự phục hồi của thị trường hàng không, đặc biệt là bay quốc tế. Lợi nhuận của ACV tăng 44%, một phần nhờ giảm dự phòng các khoản phải thu so với cùng kỳ năm ngoái.

Triển vọng của thị trường hàng không trong nước được kỳ vọng vào việc tăng công suất tại các sân bay, vốn là nút thắt cho tăng trưởng trong nhiều năm qua. Các dự án trọng điểm như Cảng hàng không Quốc tế Long Thành (giai đoạn 1 là 25 triệu hành khách) và nhà ga T3 Tân Sơn Nhất (20 triệu hành khách) dự kiến hoàn thành vào năm 2025-2026, sẽ tạo cơ hội mới cho các doanh nghiệp dịch vụ và các hãng hàng không.

Riêng ACV là doanh nghiệp đầu tư và vận hành các dự án này nên đây là một lợi ích về dài hạn, nhưng chi phí vốn lớn trong ngắn hạn dự kiến ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của công ty trong vài năm đầu.

An Huy