Tin tức hàng không

Đội tàu bay Đông Nam Á có thể tăng 4 lần sau 20 năm

Thắng Nguyễn 27/08/2024 06:14

Trong 20 năm tới, Đông Nam Á là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế và du lịch nhanh nhất toàn cầu kéo theo cơ hội cho ngành hàng không bứt phá.

Dự báo Triển vọng thị trường thương mại (CMO) của Boeing năm nay cho rằng đội bay thương mại khu vực Đông Nam Á sẽ đạt hơn 4.960 chiếc vào năm 2043, tăng hơn 4 lần so với năm 2023, khiến khu vực này trở thành một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng lưu lượng hàng không và quy mô đội bay lớn nhất thế giới.

Bùng nổ quy mô đội tàu bay

Các hãng hàng không giá rẻ tại Đông Nam Á sẽ có thêm khoảng 2.800 chiếc máy bay thân hẹp trong vòng 20 năm tới.

Dự báo của Boeing cũng chỉ ra 83% số đơn hàng bàn giao cho khu vực Đông Nam Á, giúp các hãng hàng không tại đây mở rộng quy mô đội bay.

Số đơn hàng còn lại là để thay thế tàu bay đời cũ bằng những loại máy bay tiết kiệm nhiên liệu hơn.

Trong khi đó, số lượng tàu bay thân rộng vào năm 2043 dự kiến ​ tăng gấp ba lần so với năm 2023 với gần 935 chiếc, bao gồm máy bay như Boeing 787 Dreamliner, 777X.

Việc tăng trưởng đội bay sẽ kéo theo các nhu cầu về các dịch vụ hàng không bao gồm bảo dưỡng, sửa chữa, huấn luyện và thay thế phụ tùng, trị giá đến 310 tỷ USD.

Dự kiến sau 20 năm, Đông Nam Á chiếm 11% GDP của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Lưu lượng hành khách đến Đông Nam Á cũng được dự báo tăng 3,6 lần trong 2 thập kỷ tới.

Ngoài ra khu vực này có tới 25.000 hòn đảo, rất nhiều trong số chúng là những điểm đến du lịch nổi tiếng thế giới. Thị trường du lịch Đông Nam Á đến năm 2043 sẽ tăng khoảng 9%, là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu.

Tất cả các yếu tố trên cho phép các hãng hàng không khu vực mở rộng thị phần 17-25%.

Phục hồi sau Covid-19

Trước khi bị ảnh hưởng bởi Covid-19, lưu lượng hành khách khu vực Đông Nam Á đạt 510 triệu vào năm 2019, chiếm 11% lưu lượng toàn cầu. Từ khi đại dịch chấm dứt, thị trường hàng không Đông Nam Á tăng trưởng ở mức nhanh so với trung bình toàn cầu.

Việc khôi phục năng lực hàng không ở Đông Nam Á đã tăng đáng kể trong quý II/2022 khi khu vực này bắt đầu phục hồi sau Covid-19 và mở cửa trở lại biên giới. Vào tháng 6/2022, năng lực vận tải nội địa ở các nước khu vực Đông Nam Á đạt khoảng 90% mức trước dịch.

airport-mashable-sea.jpg
Lưu lượng hành khách khu vực Đông Nam Á đã có sự phục hồi đáng kể so với trước đại dịch. Ảnh: Focus Malaysia.

Khi hầu hết quốc gia trong khu vực dỡ bỏ các hạn chế đi lại, các hãng hàng không bắt đầu gia tăng năng lực vận tải quốc tế. Tại một số thị trường Đông Nam Á, khách bay nội địa giữa năm 2022 đã cao hơn mức trước Covid-19.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo doanh thu hành khách tính theo kilomet của khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng 17% khi hết năm nay, là tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trên toàn thế giới.

Cuộc đua mở rộng đội bay

Để đáp ứng sự tăng trưởng nhanh chóng này, các hãng hàng không lớn trong khu vực đã có nhiều động thái tăng cường năng lực vận chuyển.

Thai Airways đã ký hợp đồng với Boeing và các hãng khác để mua tổng cộng 45 máy bay. Kế hoạch là tăng đội bay từ 70 máy bay vào cuối năm 2023 lên 96 chiếc vào năm 2033.

Vietjet Air và Airbus mới đây đã công bố đơn đặt hàng 20 tàu bay thân rộng A330-900 (A330neo) trị giá 7,4 tỷ USD.

5-4-(1).jpg
Vietjet Air là một trong những hãng hàng không đặt hàng nhiều máy bay nhất trong khu vực. Ảnh: Khánh Huyền.

Các hãng hàng không khác cũng đang đầu tư mạnh vào việc mở rộng năng lực. Chẳng hạn, Philippine Airlines đang tăng gấp 3 lần vốn đầu tư lên 450 triệu USD nhằm nâng cấp và bảo dưỡng đội bay. Hãng dự định đặt hàng 22 máy bay mới cho các tuyến bay đến Bắc Mỹ và các khu vực khác.

Garuda Indonesia cũng sẽ thêm 8 máy bay mới trong năm nay, nâng đội bay hoạt động lên 80 chiếc vào cuối năm. Cebu Air của Philippines sẽ mua 102 máy bay A321neo và lựa chọn mua thêm 50 máy bay cùng loại. Họ dự kiến hoàn thành giao dịch vào quý III năm nay.

Nâng cấp chất lượng dịch vụ

Không chỉ đầu tư mở rộng đội tàu bay, các hãng hàng không trong khu vực cũng dành nhiều nguồn lực nâng cấp chất lượng dịch vụ.

Năm nay, Singapore Airlines vị trí thứ hai trong danh sách "Hãng hàng không tốt nhất thế giới" do Skytrax bình chọn. Hãng bay còn nhận được giải thưởng "Phi hành đoàn hàng không tốt nhất thế giới năm 2024". Bảng xếp hạng của Skytrax giải thưởng được coi là giải Oscar của ngành hàng không.

premium-economy_serving_champagne-custom.jpg
Singapore Airlines là hãng hàng không tốt nhất trong khu vực và đứng thứ 2 trên toàn thế giới về chất lượng dịch vụ. Ảnh: Singapore Airlines.

Garuda Indonesia, Malaysia Airlines và Bangkok Airways cũng lọt vào "Top 20 Phi hành đoàn Hàng không Tốt nhất Thế giới năm 2024". Garuda Indonesia xếp thứ 3, Malaysia Airlines xếp thứ 10 và Bangkok Airways xếp thứ 19.

Ngoài ra, AirAsia được vinh danh "Hãng hàng không giá rẻ tốt nhất thế giới năm 2024", danh hiệu mà hãng đã giữ vững từ năm 2010. Tiếp theo là Scoot, một công ty con của Singapore Airlines, ở vị trí thứ hai.

Bangkok Airways cũng nhận được giải thưởng "Hãng hàng không khu vực tốt nhất thế giới năm 2024" lần thứ tám liên tiếp.

Garuda Indonesia, hãng hàng không quốc gia của Indonesia, trở thành hãng hàng không có Wi-Fi tốt nhất thế giới. Hai hãng hãng hàng không khác trong khu vực lọt top 10 là Singapore Airlines và Thai Airways.

Thắng Nguyễn