Tàu khách

Lý do khách bay thích Airbus A350 hơn Boeing 787

Hoàng Anh 26/08/2024 07:49

A350 được cho là có công nghệ ưu việt, giúp hành khách thoải mái và có trải nghiệm thú vị hơn Boeing 787.

darkskies2-1_11zon.jpg

Khi các hãng hàng không đang cho nghỉ hưu một loạt máy bay 4 động cơ như Boeing 747 hay Airbus A380, tương lai của chặng bay đường dài thuộc về Airbus A350 và Boeing 787 Dreamliner, dự kiến có thêm cả 777X.

Chúng chở được nhiều khách, cực kỳ tiết kiệm nhiên liệu nhờ sử dụng công nghệ vật liệu polymer gia cố bằng sợi carbon (CFRP), độ bền tương đương kim loại nhưng nhẹ hơn đến 30%, giúp giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ.

Chi phí vận hành A350 và 787 thấp hơn nhiều so với những “quái vật 4 động cơ”, tạo điều kiện cho các hãng hàng không tối ưu hoá doanh thu.

Bộ đôi siêu máy bay A380 và B747 chở được nhiều khách nhất nhưng chỉ tương thích với sân bay Code F nên tính cơ động kém hơn. Chúng thường phải bay đến một sân bay trung chuyển, thả hành khách sang máy bay khác nhỏ hơn để bay đến điểm đích. Đó là lý do chúng dần thất thế và phải nhường cuộc chơi cho A350 và 787 Dreamliner.

Những điểm A350 vượt trội

Cả 2 mẫu máy bay Airbus A350 và Boeing 787 Dreamliner đều thú vị. Chúng bỏ rèm che nắng cửa sổ, thay bằng công nghệ điều chỉnh độ sáng tối nhờ nút bấm. Vật liệu CFRP giúp khoang cabin rộng rãi hơn nhờ vách máy bay mỏng hơn.

Bầu không khí trong cả 2 mẫu máy bay đều thoải mái hơn nhờ độ ẩm và áp suất vượt trội đa phần máy bay dân dụng khác. A350 có áp suất cabin tương đương độ cao 1.600 m, trong khi 787 có áp suất tương đương 1.800 m.

Airbus tuyên bố A350 yên tĩnh hơn 787 khoảng 5 decibel, nhưng cây viết Ben Schlappig của One mile at a time không nhận thấy sự khác biệt lớn ở đó.

Mặc dù 2 “siêu sao thân rộng” có rất ít sự khác biệt, Ben Schlappig dành cảm tình nhiều hơn cho A350. Mẫu máy bay thân rộng chủ lực của Airbus có tuỳ chọn cho phép các hãng hàng không lắp đặt camera đuôi, trình chiếu cảnh tượng mây trời hùng vĩ trên độ cao hơn 10.000 m.

Finnair-A350-Tail-Camera (1)
Góc camera từ đuôi máy bay A350. Ảnh: One mile at a time.

Do đó, nhiều hãng lựa chọn triển khai tính năng này để nâng cao trải nghiệm của hành khách. Đây cũng là hình thức giải trí yêu thích của Ben Schlappig trên chuyến bay.

Cây viết của One mile at a time cũng yêu thích “mặt nạ gấu trúc” trên A350. Kính buồng lái A350 được bao quanh bởi một lớp mặt nạ màu đen.

Theo đại diện Airbus, lớp mặt nạ giúp bảo dưỡng mặt kính dễ dàng hơn và góp phần điều hòa tình trạng nhiệt ở khu vực cửa sổ luôn nhạy cảm với nhiệt độ.

qatar-airways-a350-1000-chicago.jpg
Lớp mặt nạ gấu trúc bao quanh cửa sổ A350. Ảnh: One mile at a time.

Mặc dù 787 có cửa sổ lớn nhất ngành máy bay dân dụng, Ben không thích công nghệ làm tối của nó. 787 là tiên phong về công nghệ này. Nhưng trên thực tế, chức năng làm tối của 787 không làm tốt nhiệm vụ chặn ánh sáng, đặc biệt nếu hành khách ngồi đối diện mặt trời.

Ben cũng không thích việc phi hành đoàn 787 thường tự ý điều chỉnh độ sáng cửa sổ, ngăn hành khách điều chỉnh theo ý muốn.

4e80bdcae77c4748be362c23767f2254-787-window-tint-4a.jpeg
Cửa sổ 787 không thể tối hoàn toàn. Ảnh: Executive traveller.

A350 có cả 2 phiên bản: rèm cửa sổ tiêu chuẩn và rèm điều chỉnh điện tử. Trên những chiếc A350 mới nhất được gọi là "tiêu chuẩn sản xuất mới" có rèm điều chỉnh điện tử. Ben thấy chất lượng của chúng cao hơn so với 787 và chặn ánh sáng tốt hơn.

Air-France-Business-Class-A350-86 (1)
Cửa sổ A350 có thể điều chỉnh tối hoàn toàn. Ảnh: One mile at a time.

Cabin của A350 rộng hơn một chút so với cabin của 787, đặc biệt là ở phiên bản "tiêu chuẩn sản xuất mới". Mặc dù sự khác biệt về khoảng cách chỗ ngồi không đáng kể, Ben quả quyết hành khách có thể cảm nhận rõ ở hạng phổ thông, nơi mà từng centimet đều có giá trị.

Phiên bản A350-1000 là chiếc máy bay đáng nể. Với 369 chỗ ngồi, nó có sức chứa cao hơn bất kỳ phiên bản nào của 787 và cũng là máy bay dân dụng có phạm vi bay xa nhất, với tầm bay lên đến 16.500 km.

Qantas đang sử dụng A350-1000 (lắp thêm bình nhiên liệu) cho các chuyến bay dài 20 tiếng kết nối Sydney và Melbourne (Australia) với New York (Mỹ) và London (Anh).

Điểm mạnh của B787

Dải sản phẩm của Boeing 787 lớn hơn, với 3 biến thể 787-8, 787-9 và 787-10. Trong khi đó, Airbus chỉ có hai biến thể là A350-900 và A350-1000.

787-8 là loại máy bay duy nhất có sức chứa khá thấp nhưng tầm bay cực xa (13.500 km) và Airbus không có đối thủ cạnh tranh trực tiếp.

Một lợi thế tiềm năng của 787 là sử dụng hệ thống không xả khí, trong khi A350 dùng hệ thống xả khí. Trong hệ thống xả khí, không khí xả từ máy nén của động cơ hoặc APU (bộ nguồn phụ) được dẫn đến các bộ điều hòa không khí, được lọc và sau đó làm mát bằng quy trình giãn nở.

darkskies2-1_11zon.jpg
A350 và B787 thống trị chặng bay đường dài. Ảnh: ShutterStock.

Luồng không khí được cấp thêm độ ẩm trước khi đưa vào khoang máy bay cho hành khách hít thở. Điều đó đồng nghĩa hành khách nhiều khả năng phải hít khói (chẳng hạn như trong quá trình khử băng) trên A350.

Có một số điểm khác biệt nhưng tựu trung cả Airbus A350 và Boeing 787 đều là những chiếc máy bay phản lực thân rộng 2 động cơ mang tính cách mạng, đại diện cho tương lai của chặng bay đường dài.

Hoàng Anh