Sự kiện

Khủng hoảng của Boeing gây bất ổn cho hàng không thế giới

Đức Huy 29/03/2024 16:01

Việc Boeing rơi vào cơn bĩ cực trong thời điểm nhu cầu đi lại đang hồi phục khiến các hãng hàng không, hành khách, nhà đầu tư phải chịu nhiều tác động.

2316172a1b3fb461ed2e.jpg
Ông Dave Calhoun, CEO Boeing. Ảnh: NBC.

Theo thông tin từ nhà sản xuất máy bay lớn nhất nước Mỹ, ông Dave Calhoun sẽ rời vị trí CEO Boeing vào cuối năm 2024 sau những ngày tháng quay cuồng với cuộc khủng hoảng an toàn của dòng 737 Max.

Trước lo ngại trên, giới chức Mỹ, FAA (Cục Hàng không Liên bang Mỹ) đã ra các chỉ thị khẩn yêu cầu Boeing dừng mở rộng sản xuất, đình chỉ khai thác dòng tàu bay này.

Sự khủng hoảng trong kiểm định chất lượng của hãng có khả năng gây bất ổn cho toàn bộ ngành hàng không thương mại.

Boeing gặp khó, ai chịu ảnh hưởng?

Trong khi Cục Hàng không Liên bang Mỹ đã hạn chế sản xuất, lượng đơn đặt hàng tồn đọng của Boeing ngày càng lớn. Hoạt động sản xuất của hãng rơi vào trì trệ. Hoàn cảnh khó khăn của Boeing không chỉ đe dọa đến tình trạng tài chính của hãng. Số tiền 4,5 tỷ USD hãng đã chi trong quý đầu năm nay có thể gây ra nhiều rủi ro đối với các nhà đầu tư.

Là một trong hai nhà sản xuất tàu bay lớn nhất thế giới, việc gián đoạn sản xuất của Boeing khiến lượng tàu bay trên thế giới giảm sút đáng kể trong nhiều năm tới. Các hãng hàng không ở Mỹ và châu Âu đang phải điều chỉnh lịch trình bổ sung đội tàu bay của mình do Boeing không thể giao hàng đúng thời hạn. Điều đó cản trở sự phục hồi trong bối cảnh nhu cầu đi lại và năng lực của ngành đang tiếp tục tăng trưởng mạnh sau đại dịch.

Giám đốc tài chính của Boeing, ông Brian West, cho biết: "Chúng tôi đang hạn chế sản xuất dòng tàu bay 737 sau hàng loạt sự cố đầu năm 2024. Điều này có thể tác động tiêu cực đến các các hãng hàng không trong thời gian dài sắp tới”.

Về phía khách hàng, ông Michael O'Leary, CEO của Ryanair, đang thảo luận với những người điều hành Boeing để tìm ra giải pháp phù hợp. Nhà sản xuất máy bay lớn nhất nước Mỹ cũng đang chuẩn bị cho một cuộc họp với các khách hàng để đưa ra thông báo chi tiết.

abe3eb2ced3942671b28.jpg
Ryan Air là một trong những khách hàng lớn nhất của Boeing. Ảnh: Ryan Air.

Kéo theo đó, giá vé máy bay cao hơn bởi công suất tải yếu hơn so với nhu cầu. Khả năng Boeing có thể cung cấp thế hệ tiếp theo của máy bay phản lực tiết kiệm nhiên liệu hơn xa vời dần. Vô hình trung, các hãng phải đối mặt với áp lực “chi phí trong tương lai”.

Đối mặt với vấn đề này, các chuyên gia nhận định không có giải pháp nào đủ nhanh chóng bởi toàn ngành đã phụ thuộc quá mức vào hai nhà sản xuất lớn. Airbus, chiếm 62% thị phần trong phân khúc thân hẹp của thị trường, đang phải vật lộn để theo kịp nhu cầu mặc dù đã tăng cường sản xuất.

Năm 2023, Airbus đã giao 735 máy bay, tăng 10,8% so với năm 2022 và hơn 41% so với Boeing. Airbus có lượng tồn đọng kỷ lục là 8.598 máy bay và tổng số đơn đặt hàng cao nhất (2.319 đơn) trong lịch sử hàng không. Boeing cũng đang phải giao thêm 6.216 máy bay, trong thời gian tới, lượng tồn đọng này sẽ tiếp tục tăng.

Mặc dù Airbus có kế hoạch giao khoảng 800 máy bay cho khách hàng trong năm nay, hãng không có khả năng hưởng lợi từ sự sụt giảm sản lượng của Boeing gây ra. Các hãng hàng không và hành khách sẽ là người chịu ảnh hưởng gián tiếp từ sự việc này.

Khó có cơ hội xuất hiện “Boeing thứ hai”

Ngoài Airbus và Boeing, có rất ít triển vọng cho các hãng hàng không khác. Embraer có thể mở rộng sang sản xuất máy bay lớn hơn nhưng đó sẽ là một bước tiến lớn và đầy rủi ro đối với công ty Brazil. Trong thập kỷ trước, Bombardier của Canada cố gắng thâm nhập vào phân khúc thị trường do Airbus và Boeing thống trị, đó là một thảm họa kết thúc bằng việc Bombardier rời khỏi thị trường hàng không thương mại.

COMAC của Trung Quốc, với quân bài tàu bay C919, có tiềm năng là đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là ở thị trường quê nhà. Tuy nhiên, hãng chưa thể xuất khẩu tàu bay ra thị trường quốc tế.

Do đó, việc Boeing có thể tự phục hồi trong thời điểm này là vô cùng cần thiết. Trong khi đó, các vấn đề về kiểm soát chất lượng của hãng càng trở nên phức tạp hơn sau đại dịch. Airbus vẫn giữ quyền kiểm soát phần lớn lực lượng lao động của mình còn Boeing lại từ bỏ phần lớn lao động và gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lại những công nhân có kinh nghiệm.

Giống như nhiều nhà sản xuất máy bay, trong những thập kỷ gần đây, Boeing đã thuê ngoài phần lớn hoạt động sản xuất để tập trung vào lắp ráp. Airbus cũng dựa vào các nhà cung cấp bên thứ ba - bao gồm Sprint Aerosystems, công ty sản xuất thân máy bay được tách ra khỏi Boeing vào năm 2005.

Boeing đang đàm phán để mua lại Sprint nhằm giành lại quyền kiểm soát trực tiếp đối với chất lượng sản xuất, nguyên nhân chính gây ra một số vấn đề gần đây của hãng, bao gồm sự cố ở Alaska Airlines, lỗ khoan sai trên máy bay 737 Max, bu-lông bị lỏng…

Boeing phải giải quyết các vấn đề về kiểm soát chất lượng để đảm bảo sự tồn tại của chính mình. Khủng hoảng Boeing đang phải đối mặt sẽ hạn chế sự phát triển của ngành hàng không, giá vé leo thang, để lại hậu quả cho toàn bộ nền kinh tế. Hiện, các CEO của nhiều hãng hàng không kiên quyết rằng Boeing cần ưu tiên cải thiện việc kiểm soát chất lượng của mình hơn bất kỳ nỗ lực nào nhằm tăng tốc độ sản xuất. Họ muốn CEO tiếp theo phải có nền tảng kỹ thuật vững chắc vì lý do hành khách phải được bay trên chiếc tàu có độ an toàn cao.

Đức Huy