Air China dẫn đầu đội bay COMAC ARJ21
Air China trở thành hãng hàng không có đội bay ARJ21 lớn nhất, vượt qua Chengdu Airlines và China Southern Airlines.
Giữa tháng 8, COMAC đã giao chiếc máy bay ARJ21 thứ 29 cho Air China. Trong khi đó Chengdu Airlines là hãng hãng không đầu tiên nhận máy bay hiện có 28 chiếc.
Theo dữ liệu của Flightradar24, máy bay ARJ21 mới nhất đã được chi nhánh Tây Nam của Air China đưa vào khai thác sau khi được giao.
Ngày 20/8, máy bay đã khai thác tuyến bay từ Thành Đô đến Thạch Gia Trang, thủ phủ của tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc), với tổng thời gian bay là 4 giờ 28 phút.
COMAC đã giao 142 máy bay ARJ21 cho các hãng hàng không, chiếc đầu tiên vào ngày 29/11/2015 cho Chengdu Airlines.
Theo số liệu thống kê từ Simple Flying, 142 máy bay này được phân phối cho 12 khách hàng, bao gồm 11 khách hàng ở Trung Quốc và 1 khách hàng bên ngoài Trung Quốc, trong đó có COMAC Express, công ty con của COMAC.
Trong số 142 máy bay được giao, COMAC đã thu hồi 9 máy bay từ những lần giao hàng sớm cho Chengdu Airlines để chuyển đổi cho các mục đích sử dụng khác.
Như vậy Chengdu Airlines vẫn là hãng hàng không tiếp nhận máy bay ARJ21 nhiều nhất với tổng cộng 37 chiếc.
Theo thông tin công khai từ COMAC, 3 hãng hàng không lớn của Trung Quốc là Air China, China Eastern Airlines và China Southern Airlines đều đặt hàng 35 máy bay ARJ21 từ COMAC vào năm 2019.
Hơn 100 đơn đặt hàng này là sự hỗ trợ quan trọng cho dự án ARJ21. Những chiếc đầu tiên của đã được giao vào ngày 28/6/2020 và COMAC sẽ hoàn thành việc giao hàng vào năm 2025.
Chengdu Airlines đặt hàng 30 máy bay cho ARJ21 vào năm 2015, đây là đơn đặt hàng ra mắt cho ARJ21. Hiện tại, chỉ còn 2 máy bay để hoàn thành đơn đặt hàng này.
Tuy nhiên, khi các hãng hàng không Trung Quốc hoàn thành đơn đặt hàng của họ vào năm tới và không đặt thêm đơn đặt hàng nào thêm, ARJ21 sẽ phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất nghiêm trọng.
Với năng lực sản xuất hiện tại khoảng 30-50 chiếc mỗi năm, ước tính đến cuối năm 2025, khoảng 20-30 máy bay ARJ21 sẽ phải đối mặt với tình trạng nằm chờ ở sân đỗ cho đến khi có hợp đồng mới.
Theo các phân tích, Chengdu Airlines vẫn sẽ là khách hàng tiềm năng của ARJ21 khi tiếp tục hoàn thiện hoạt động của mình tại khu vực Tân Cương và các quốc gia lân cận.
Ba hãng hàng không lớn cũng có thể tiếp tục hỗ trợ cho chiến lược hàng không của Trung Quốc bằng việc đặt hàng thêm những chiếc ARJ21 mới.
ARJ21 (còn được gọi là Phượng hoàng bay) là tàu bay phản lực động 2 cơ tầm ngắn đến trung được sản xuất bởi hãng máy bay quốc doanh Trung Quốc COMAC.
Đây là sản phẩm đầu tiên của Trung Quốc sau 14 năm phát triển ngành chế tạo máy bay thương mại. Chuyến bay thương mại đầu tiên của ARJ21 có tối đa 90 chỗ, di chuyển từ Thành Đô đến Thượng Hải mất khoảng 2 tiếng.
Trung Quốc tuyên bố ARJ21 có thiết kế hoàn toàn nội địa. Nhưng các bộ phận của tàu bay phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài như động cơ của GE, hệ thống điện tử của Honeywell (Mỹ), cánh được thiết kế bởi Antonov (Ukraine)…