Indonesia dời thủ đô đến khu rừng cách xa hơn 1.000 km
Indonesia đang di dời thủ đô từ Jakarta đến Nusantara nhằm giảm sự quá tải trên thành phố đông dân.
Thành phố Jakarta - nằm trên đảo Java - là thủ đô của Indonesia kể từ khi quốc gia này tuyên bố độc lập khỏi Hà Lan vào ngày 17/8/1945. Hà Lan đã công nhận độc lập của Indonesia 4 năm sau đó.
Kể từ đó, Jakarta phát triển thành một thành phố lớn với 10,5 triệu dân và khu đô thị mở rộng trở thành nơi sinh sống của khoảng 30 triệu người.
Tuy nhiên, thành phố này ngày càng phát triển, tình trạng giao thông trở nên quá tải và thuộc dạng tệ nhất thế giới. Hơn nữa, thành phố này đang chìm xuống với tốc độ ngày càng nhanh, dự đoán có thể trở thành thành phố chìm nhanh nhất thế giới.
Các chuyên gia cảnh báo rằng đến năm 2030, người dân nhiều khu vực ở Jakarta có thể phải đối mặt với tình trạng ngập lụt thường xuyên. Đến năm 2050, khoảng 25% diện tích thành phố có thể bị nhấn chìm.
Thực tế, kế hoạch dời thủ đô khỏi Jakarta đã được bàn luận trong nhiều năm qua. Nhưng phải đến những năm gần đây, dự án này mới được công bố và biết đến rộng rãi.
Vào ngày 17/8, Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) đã chủ trì lễ Quốc khách tại thủ đô tương lai Nusantara. Ban đầu, buổi lễ được lên kế hoạch để khánh thành thủ đô mới, song dự án này đang bị chậm tiến độ và chưa rõ thời gian bàn giao.
Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 7/2022 và dự kiến kéo dài qua 5 giai đoạn, kết thúc vào năm 2045. Theo kế hoạch của ban quản lý, trong vòng 2 thập kỷ tới, Nusantara sẽ trở thành một siêu đô thị mới với dự kiến khoảng 1,9 triệu người sinh sống.
Để chuẩn bị cho tương lai đó, khoảng 47 toà chung cư đang được cho xây dựng, 12 toà trong số đó đã sẵn sàng và khánh thành vào tháng trước. Bên cạnh đó, Chính phủ Indonesia cũng dự định chuyển 20.000 công chức từ Jakarta đến Nusantara. Nhóm đầu tiên gồm 12.000 nhân viên đến từ 38 bộ sẽ thực hiện việc chuyển dời vào cuối tháng 12 năm nay.
Ngoài Indonesia, một vài quốc gia cũng đã xây dựng thủ đô mới trong thế kỷ qua. Vào năm 1960, Brazil đã khánh thành thủ đô Brasília - thành phố có kiến trúc hiện đại - được xây dựng trên một cao nguyên hoang dã.
Gần đây hơn, Ai Cập bắt đầu xây dựng thủ đô mới để thay thế Cairo. Đối mặt với các vấn đề về mật độ đô thị, ô nhiễm và ùn tắc giao thông, quốc gia này sẽ xây dựng thủ đô mới - hiện được gọi là Thủ đô Hành chính mới - về phía đông Cairo.