Kinh doanh

Đường bay Việt - Trung sôi động trở lại

Thu Trang 19/08/2024 05:27

Các hãng bay Trung Quốc tích cực mở mới, khai thác trở lại đường bay đã tạm ngưng trước đây tới Việt Nam khiến thị trường du lịch thêm sôi động.

CZ tăng tần suất chuyến trên chặng Hà Nội - Quảng Châu và Quảng Châu - Hà Nội lên 4 chuyến/ngày bắt đầu từ 1/7. Ảnh: Aivivu.
Ảnh: Aivivu.

Sau đại dịch Covid-19, nhiều nguyên nhân khiến khách Trung chưa đi du lịch ồ ạt như trước. Điển hình như nền kinh tế Trung Quốc và thế giới ảm đạm sau dịch khiến Chính phủ Trung Quốc tập trung kích cầu du lịch nội địa, dành nhiều khuyến mại và hỗ trợ nhằm phục hồi nền kinh tế nước nhà.

Thế nhưng, thị trường này vẫn duy trì mức tăng trưởng và giữ vị trí quan trọng với du lịch Việt Nam bởi vị trí địa lý thuận lợi, văn hóa tương đồng, chính sách thông thoáng. Thực tế, trong 6 tháng đầu năm, Trung Quốc xếp vị trí thứ 2 thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, đạt 1,8 triệu lượt, chiếm 21,4% tổng lượng khách quốc tế.

Thị trường sôi động

Nhiều hãng bay Trung Quốc đang tăng tần suất, thậm chí tái khởi động lại đường bay đã tạm ngưng trước đây để khai thác nhu cầu du lịch của du khách hai nước.

Điển hình, China Southern Airlines (CZ) tăng tần suất chuyến trên chặng Hà Nội - Quảng Châu và Quảng Châu - Hà Nội lên 4 chuyến/ngày từ 1/7. Các chuyến này vận hành bằng tàu bay Boeing 737-800. Theo đại diện CZ, tuyến Hà Nội - Quảng Châu ghi nhận tỷ lệ lấp đầy 75%, đạt trên 8.100 lượt khách sau một tháng mở đường bay.

Hãng này cũng tăng tần suất chặng Quảng Châu - Cam Ranh lên 10 chuyến/tuần trong thời gian 29/6-26/10. Trước đó từ ngày 21/6, hãng hàng không lớn nhất Trung Quốc tăng số chuyến TP.HCM - Thẩm Quyến lên 14 chuyến/tuần.

tianlei-wu-wyxmb27zqmm-unsplash.jpg
CZ tăng tần suất chuyến trên chặng Hà Nội - Quảng Châu và Quảng Châu - Hà Nội lên 4 chuyến/ngày bắt đầu từ 1/7. Ảnh: Tianlei Wu/Unsplash.

Đến nay, CZ đã khôi phục 7 đường bay từ Việt Nam đến Trung Quốc với tổng cộng 190 chuyến/tuần. Trong tháng tháng 7, tỷ lệ lấp đầy các đường bay của CZ đạt 79%, đạt hơn 42.600 lượt khách.

Tính tổng 7 tháng đầu năm, CZ phục vụ hơn 251.000 lượt khách bay Việt Nam - Trung Quốc, doanh thu đạt 28 triệu USD.

Tương tự, hãng bay Hong Kong Airlines (HX) khai thác đường bay thẳng Hong Kong - Đà Nẵng với tần suất 7 chuyến/tuần từ 19/7 cũng ghi nhận tỷ lệ lấp đầy trên 90% sau một tháng hoạt động. Đây cũng là hãng bay full service đầu tiên mở đường bay thẳng Hong Kong - Đà Nẵng.

Một hãng bay khác của Trung Quốc là West Air (PN) rầm rộ kích cầu khách du lịch bay chặng Hà Nội - Trùng Khánh, mở đường bay này vào 16/5 với 3 chuyến/tuần. Hay như vào ngày 6/7, hãng bay Spring Airlines đã trở lại Việt Nam, khai thác chặng Thượng Hải - TP.HCM. Chặng bay này khai thác thương mại thường lệ, vận hành 4 chuyến/tuần bằng tàu bay A320 hoặc A321neo.

Không chỉ hàng không quốc tế, các hãng bay Việt cũng tích cực bay đến Trung Quốc. Vietnam Airlines, Vietjet Air đang tích cực mở rộng đường bay giữa 2 nước.

Sau đường bay Thượng Hải, Thành Đô, trong tháng 7, Vietjet chính thức bay TP.HCM - Tây An. Tương tự, Vietnam Airlines đang khai thác 5 đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc, với 33 chuyến bay khứ hồi/tuần.

Kích cầu du lịch

Chia sẻ với Opensky, đại diện China Southern Airlines cho biết hiện nay xu hướng đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam trên đà tăng tốc mạnh mẽ. Du lịch giữa 2 nước luôn có sức hút đặc biệt nhờ vào tình hình chính trị - xã hội ổn định, cảnh quan thiên nhiên đa dạng, văn hoá lịch sử lâu đời, các sản phẩm tour linh hoạt, giá thành hợp lý và thủ tục xin visa đơn giản.

"Chúng tôi đánh giá có rất nhiều tiềm năng phát triển đối với cả khách thương mại và du lịch nên quyết định tăng cường tần suất chuyến bay tại Việt Nam", đại diện CZ nhận định.

Đồng quan điểm khi đánh giá về ngành du lịch Việt Nam, ông Dương Hải Quân, đại diện PN, cho biết Việt Nam sở hữu nhiều cảnh quan, điểm du lịch hấp dẫn và giàu truyền thống văn hóa.

Việt Nam sở hữu nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng. Ảnh: aries_2303, pearploys_.

Trước đây, để đi đến Trùng Khánh, khách Việt thường phải bay đến Quảng Đông rồi ngồi tàu đến đây để tham quan. Nhưng với đường bay thẳng mà West Air khai thác, du khách sẽ được rút ngắn thời gian di chuyển, có thêm nhiều trải nghiệm để khám phá cảnh đẹp. Nắm bắt cơ hội này, các doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh sản phẩm tour hành trình Trùng Khánh - Thành Đô - Lạc Sơn…

"Tôi nhận thấy ngày càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đến đầu tư tại Việt Nam. Rất nhiều khách hàng của chúng tôi đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác, du lịch, tìm hiểu thị trường… Tôi tin rằng đường bay Hà Nội - Trùng Khánh sẽ giúp du khách hai nước thuận tiện hơn khi đi du lịch, hợp tác", ông Hải Quân nhận định.

Ngoài ra, theo ông Trần Anh Dũng - Trưởng đại diện HX - ngoài quan tâm đến số lượng khách, ngành du lịch Việt Nam nên chú trọng vào mức độ chi tiêu, hướng tới những dòng khách chất lượng. Để đón đầu dòng khách này, ngành du lịch cần chuẩn bị dịch vụ tốt, tăng cường truyền thông quảng bá, đẩy mạnh sản phẩm du lịch mới…

Thu Trang