Kinh doanh

Xu hướng đáng chú ý trong việc tiêu thụ nhiên liệu máy bay toàn cầu

Thu Trang 16/08/2024 19:15

Các nhà phân tích chỉ ra nguyên nhân của việc giảm đáng kể mức tiêu thụ nhiên liệu máy bay phản lực trên toàn cầu.

Theo dữ liệu của Goldman Sachs, nhu cầu nhiên liệu máy bay toàn cầu tính đến tháng 7 năm nay đạt trung bình khoảng 7,49 triệu thùng/ngày, tăng tới nửa triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2023.

000_1hz02a_2020_08_13_21_19_46.jpg
Nhiên liệu phản lực sẽ bị hạn chế tăng trưởng, do nền kinh tế suy thoái. Ảnh: GMA Network.

Tuy nhiên, tăng trưởng từ tháng 8 đến tháng 10 dự kiến chỉ ở mức khoảng 400.000 thùng/ngày. Điều này cho thấy nhiều khả năng thị trường không đạt được mức tăng kỳ vọng 600.000 thùng/ngày trong cả năm nay.

Có 3 nguyên nhân được chỉ ra dẫn đến xu hướng này.

Một là sự sụt giảm trong mức chi tiêu của người dân. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết sự phục hồi mức tiêu thụ nhiên liệu máy bay toàn cầu sẽ chững lại, do nền kinh tế suy thoái ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không.

Tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ chỉ đạt trung bình 0,3% trong ba tháng tính đến tháng 6, mức tăng chậm nhất trong hơn một năm qua. Các hãng hàng không và công ty lữ hành lớn của Mỹ bày tỏ lo ngại điều này ảnh hưởng đến hoạt động du lịch giải trí.

Theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), nhu cầu nhiên liệu máy bay ở Mỹ đã giảm mạnh sau đại dịch. Cụ thể, từ 1,95 triệu thùng/ngày vào giai đoạn 27/7-2/8 xuống chỉ còn 1,6 triệu thùng/ngày vào 6-12/8.

gettyimages-1444432268.jpeg
Các hãng hàng không sử dụng động cơ máy bay tiết kiệm nhiên liệu hơn. Ảnh: Simple Flying.

Yếu tố thứ hai kìm hãm mức tiêu thụ nhiên liệu dài hạn hơn là các đường bay trọng điểm giảm mạnh.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến lưu lượng hàng không giữa hai nước năm nay chỉ bằng 1/4 so với 5 năm trước, các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết.

Bên cạnh đó, lượng khách du lịch quốc tế từ Nga đã giảm 40% so với 2019 vì nhiều biên giới đóng cửa với hành khách nước này kể từ xung đột với Ukraine.

Theo các nhà phân tích, nếu hai tuyến bay này phát triển như các tuyến bay toàn cầu khác, nhu cầu nhiên liệu máy bay sẽ cao hơn khoảng 80.000 thùng/ngày.

Bên cạnh đó, hiện nay các hãng hàng không đang áp dụng biện pháp tiết giảm tiêu thụ nhiên liệu.

Nhà phân tích Wei Ran Gan của hãng tư vấn năng lượng hàng đầu thế giới Rystad Energy (Na Uy) cho biết các hãng hàng không ngày nay ưu tiên sử dụng tàu bay tiết kiệm nhiên liệu.

Còn các nhà phân tích của Bank of America cho biết sau đại dịch, các hãng hàng không ưu tiên khai thác các chuyến bay nội địa chặng ngắn hơn so với các điểm đến quốc tế.

Theo các tính toán, nhiên liệu phản lực chiếm khoảng 7% nhu cầu dầu toàn cầu và từng được kỳ vọng là trụ cột tăng trưởng trong năm nay khi ngành du lịch tiếp tục phục hồi sau đại dịch.

Thu Trang