Quân sự

Bộ Ngoại giao Mỹ đồng ý bán lô máy bay F-15 trị giá gần 19 tỷ USD cho Israel

Thắng Nguyễn 15/08/2024 15:05

Tổng số vũ khí Chính phủ Mỹ đồng ý bán cho Israel lên tới 20 tỷ USD.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 13/8 đã đồng ý việc bán vũ khí tiềm năng cho Israel với tổng trị giá khoảng 20 tỷ USD.

F-15 được cho là gói vũ khí lớn nhất đối với Israel. 50 chiếc máy bay mới sẽ đi kèm bộ dụng cụ sửa đổi nâng cấp giữa vòng đời giúp Israel tạo ra chương trình F-15I+.

Israel cũng sẽ mua 120 động cơ F110-GE-129, 75 radar mảng quét điện tử chủ động APG-82(V)1 và các thiết bị khác phục vụ cho phi đội F-15 mới. Tổng giá trị lô hàng ước tính là 18,82 tỷ USD.

Tháng 6, Israel cũng đã mua 25 chiếc F-35 do Mỹ sản xuất trong một hợp đồng trị giá 3 tỷ USD.

gettyimages-1273744415 (1)
Máy bay chiến đấu F-15E Strike Eagle của Israel thực hiện thao diễn tại căn cứ Hatzerim trên sa mạc Negev. Ảnh: Getty Image.

Ngoài ra Mỹ còn bán các phương tiện chiến thuật tầm trung, tên lửa không đối không tầm trung, đạn cối nổ mạnh và đạn xe tăng, CNN dẫn bản tin từ Quốc hội Mỹ cho biết.

Cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ (DSCA) cho biết các loại vũ khí này sẽ hỗ trợ Israel trong việc đối phó với các kẻ thù hiện tại và tương lai ngăn chặn các mối đe dọa trong khu vực.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã cảm ơn người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong một bài đăng trên mạng xã hội X vì đã thúc đẩy hỗ trợ Israel phát triển và duy trì lợi thế quân sự trong khu vực.

Phi đội máy bay chiến đấu của không quân Israel chủ yếu do Mỹ sản xuất gồm hơn 170 chiếc F-16, 39 chiếc F-35, 58 chiếc F-15 và đang đợi nhận thêm 36 chiếc F-35 nữa.

F-15 là máy bay phản lực chiến đấu hai động cơ do Tập đoàn McDonnell Douglas của Mỹ sản xuất. Máy bay được biến chế cho không quân Mỹ trong khoảng thời gian 1974-1994.

Biến thể ném bom tên gọi Strike Eagle đã chứng minh được năng lực thực chiến của mình khi thực hiện phần lớn các vụ ném bom chính xác vào Iraq trong chiến tranh Vùng Vịnh 1990-1991.

Tuy nhiên, việc bán vũ khí phải được Quốc hội Mỹ chấp thuận. Hợp đồng có thể bị ngăn chặn trong vòng 30 ngày nếu các nhà lập pháp Mỹ phản đối.

Mặc dù vũ khí sẽ không được giao ngay lập tức mà phải đợi sau nhiều năm nữa, việc mua bán này vẫn có thể gây ra làn sóng phản đối kịch liệt từ những người chỉ trích chính sách của chính quyền Tổng thống Biden đối với cuộc chiến ở Gaza.

Công chúng cho rằng Chính phủ Mỹ đã thất bại trong việc gây áp lực với Israel để chấm dứt cuộc chiến khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng ở Palestine.

Thông báo về việc bán hàng được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Trung Đông. Khu vực này đang đối mặt với khả năng Iran trả đũa Israel sau vụ sát hại lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran vào tháng trước.

Đây cũng là thời điểm nhạy cảm khi các cuộc đàm phán ngừng bắn chuẩn bị được ​​nối lại vào cuối tuần này. Và chỉ vài ngày trước, cuộc tấn công của Israel vào một nhà thờ Hồi giáo và trường học ở Gaza khiến ít nhất 93 người thiệt mạng.

Uớc tính gần 40.000 người Palestine đã thiệt mạng trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas. Liên Hợp Quốc cho biết gần 2 triệu người đã phải di dời.

Thắng Nguyễn