Nhiều cơ hội liên kết, đầu tư ngành hàng không Việt Nam
TS Trần Văn Tùng - nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - cho biết hàng không Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng và dư địa cho các nhà đầu tư.
Tại Chương trình đầu tư hàng không Việt Nam Training - MRO - Logistic diễn ra sáng 15/8 tại TP.HCM, TS Trần Văn Tùng đánh giá ngành hàng không Việt Nam là một trong những mũi nhọn, góp phần tạo ra sức hút, hấp dẫn đối với những nhà đầu tư, nhà quản lý, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Trong đó, các vấn đề được quan tâm hàng đầu trong ngành hàng không là đào tạo nhân lực ngành (Training); bảo trì, bảo dưỡng, vận hành (MRO) và chuỗi các dịch vụ nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan... (Logistics).
Đầu tư hàng không Training - MRO - Logistics đóng vai trò quan trọng với các đối tác hoạt động trong lĩnh vực hàng không, đơn vị chuyên môn; cơ quan quản lý nhà nước thúc đẩy sự hợp tác, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp và đóng góp lớn cho sự phát triển chung của ngành hàng không Việt Nam và phát triển kinh tế toàn cầu.
TS Trần Thị Thái Bình, Trưởng bộ môn Kinh tế hàng không, Học viện Hàng không Việt Nam, nhận định các hãng hàng không cần tăng hợp tác thông qua đưa chuyên gia nước ngoài vào giảng dạy, áp dụng các phương pháp thực hành quốc tế. Nhờ đó, các chuyên gia nội địa tương lai có thể tiếp cận với kỹ thuật và công nghệ tiên tiến.
Đánh giá về tiềm năng ngành hàng không Việt Nam, ông Tùng cho biết với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng.
Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam có khoảng 30 cảng hàng không, trong đó 14 cảng hàng không quốc tế và 16 cảng hàng không nội địa. Bên cạnh đó, một loạt các dự án đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới như sân bay Long Thành, Tân Sơn Nhất... có nhiều dư địa cho các nhà đầu tư từ hạ tầng hàng không đến các ngành phụ trợ.
TS Trần Văn Tùng mong muốn việc phát triển ngành hàng không đi cùng với du lịch nhằm phát huy thế mạnh và sự kết hợp giữa kinh tế dựa trên văn hóa truyền thống và phương tiện vận chuyển hiện đại, thông minh.
"Trong thời gian tới chúng tôi mong các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước hỗ trợ đầu tư vào ngành hàng không Việt Nam để giúp Việt Nam giải quyết các vấn đề vướng mắc trong ngành hàng không. Đây cũng là thị trường đầy tiềm năng và dư địa cho các nhà đầu tư", ông Tùng cho biết.
Chương trình đầu tư hàng không Việt Nam Training - MRO - Logistics có sự tham dự của cơ quan quản lý nhà nước về hàng không, đại diện tổ chức quốc tế, chuyên gia hàng không, trường đào tạo hàng không trong và ngoài nước.
Đây là diễn đàn, tham luận, trao đổi kết nối về các giải pháp thực trạng và triển vọng của ngành hàng không Việt Nam; nền tảng kết nối và hợp tác đầu tư giữa các nhà lãnh đạo, chủ doanh nghiệp, tổ chức, đối tác tập đoàn doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào ngành hàng không Việt Nam, đồng thời góp phần xúc tiến thương mại kết nối hợp tác kinh doanh đào tạo, sửa chữa… mở ra cơ hội cho ngành hàng không Việt Nam đang trên đà phát triển.