Pha 'ghi bàn' hiếm hoi của Boeing trước Airbus
Dự kiến Boeing kết thúc năm nay chỉ với 32 máy bay 737 MAX được sản xuất mỗi tháng. Tổng đơn đặt hàng 72 máy bay mới trong tháng 7 là pha "ghi bàn" hiếm hoi trước đối thủ Airbus.
Boeing đang nỗ lực khắc phục các vấn đề sản xuất để hoàn thành các đơn đặt hàng. Khủng hoảng về an toàn buộc Boeing phải giảm sản lượng tàu bay 737 MAX - sản phẩm bán chạy nhất của gã khổng lồ Mỹ. Trong 6 tháng đầu năm, lượng máy bay của Boeing giao tới khách hàng ít hơn so với cùng kỳ 2023.
Lỡ mục tiêu sản xuất 737 MAX
Theo các nhà phân tích của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investor Service (MIS) và Standard & Pooor’s Global Ratings (S&P), Boeing có thể không đạt được mục tiêu về sản lượng giao hàng 737 MAX năm nay do phải đối mặt với những thách thức khi tăng cường sản xuất dòng máy bay này.
Trước mục tiêu sản xuất 38 máy bay 737 MAX mỗi tháng, MIS và S&P cho rằng Boeing khó có thể đạt được cho đến năm sau do những rủi ro như cuộc đàm phán lao động tại nhà máy lắp ráp thân rộng của hãng tại Everett (Seattle, bang Washington, Mỹ).
Nhà phân tích hàng đầu của Boeing tại MIS, Jonathan Root dự đoán nhà sản xuất máy bay của Mỹ kết thúc năm nay với 32 máy bay 737 MAX sản xuất mỗi tháng, giảm 6 chiếc so với mục tiêu đề ra.
Sự cố bung tấm bịt cửa giữa không trung trên chuyến bay 737 MAX 9 của Alaska Airlines hồi 5/1 khiến Boeing sa lầy trong khủng hoảng với nhiều vấn đề về an toàn và chất lượng dẫn đến tiến độ sản xuất máy bay bị chậm lại.
Điều này ảnh hưởng xấu tới dòng tiền của Boeing. Ước tính công ty mất khoảng 8,3 tỷ USD trong nửa đầu năm và tiền nhàn rỗi sẽ âm, gây gánh nặng cho bảng cân đối kế toán.
Giám đốc hàng không vũ trụ tại S&P - Ben Tsocanos - cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rủi ro về mục tiêu sản xuất 38 chiếc 737 MAX mỗi tháng của Boeing khi công ty đang phải đối mặt với các cuộc đàm phán lao động và việc chậm trễ giao hàng”.
Trong các tuyên bố gần đây của giám đốc tài chính Boeing, sản lượng sẽ tăng trong nửa cuối năm để đáp ứng mục tiêu 38 máy bay sản xuất mỗi tháng. Tuy nhiên các nhà phân tích của công ty tài chính William Blair cho biết giám đốc điều hành mới của Boeing Kelly Ortberg chưa công công khai bất kỳ kế hoạch sản xuất nào nhưng có thể hạ thấp mục tiêu sản xuất để ưu tiên chất lượng.
Trước đó, Boeing đồng ý mua lại Spirit AeroSystems với giá 4,7 tỷ USD bằng cổ phiếu. Nhà sản xuất máy bay Mỹ hy vọng thương vụ này làm dịu cuộc khủng hoảng an toàn bay đang diễn biến xấu đi và hỗ trợ tăng sản lượng.
Spirit chỉ giao 27 thân máy bay cho Boeing, mặc dù công ty sản xuất 31 chiếc mỗi tháng.
Sự không chắc chắn xung quanh việc giao máy bay của Boeing khiến các hãng hàng không thận trọng hơn khi lên kế hoạch cho lịch trình của mình. Hãng hàng không giá rẻ Allegiant Air (Mỹ) cho biết kế hoạch giao hàng của Boeing sẽ chậm hơn vào 2 năm tới.
Theo kế hoạch, hãng nhận 10 chiếc 737 MAX vào năm 2023, 24 chiếc năm nay và 16 chiếc năm 2026 theo đơn đặt hàng năm 2022. Hiện hãng bay của Mỹ vẫn chờ chiếc máy bay đầu tiên trong số 50 máy bay đã đặt hàng, dự kiến nhận vào tháng 9.
"Ghi bàn" nhưng vẫn thua xa đối thủ Airbus
Boeing cho biết đã nhận được tổng đơn đặt hàng cho 72 máy bay mới trong tháng 7, so với con số 59 máy bay của Airbus. Phần lớn số đơn hàng này đến từ các công ty cho thuê máy bay, trong đó có dòng máy bay 737 MAX của Boeing và nhiều đơn hàng liên quan đến Triển lãm Hàng không Farnborough ngày 22-26/7.
Mặc dù "ghi bàn" hiếm hoi trước Airbus, Boeing vẫn thua xa đối thủ về tổng số đơn đặt hàng năm nay trong bối cảnh những lo ngại về vấn đề an toàn tiếp tục ảnh hưởng đến danh tiếng của công ty.
Số đơn hàng tháng 7 đưa tổng số đơn hàng trong năm của Boeing lên 228 máy bay thương mại. Trừ đi các đơn hàng bị hủy, Boeing chỉ có 186 đơn hàng ròng trong giai đoạn tháng 1-7.
Con số này thấp hơn nhiều so với 579 đơn hàng mà công ty này nhận được trong cùng kỳ năm 2023 và cũng đứng sau các mức 386 tổng đơn hàng và 367 đơn hàng ròng mà Airbus ghi nhận trong năm nay tính đến hết tháng 7.
Mới đây, Boeing giao 43 máy bay cho khách hàng trong tháng 7, bằng với số lượng tháng 7/2023 và giảm nhẹ so với 44 máy bay bàn giao trong tháng 6. Tuy nhiên, số máy bay được giao trong năm nay giảm 29% so với cùng kỳ năm 2023, chỉ đạt 218 máy bay thương mại. Trong khi đó, Airbus giao 400 máy bay trong giai đoạn tháng 1-7.
Việc bàn giao máy bay đóng vai trò rất quan trọng đối với nỗ lực lần đầu tiên có lãi trở lại từ năm 2019 của Boeing, vì nhìn chung phải đến khi giao xong máy bay thì công ty mới được thanh toán.
Boeing lỗ 33 tỷ USD kể từ năm 2019 - con số cho thấy công ty tụt dốc xa so với thời kỳ còn được xem là hiện thân cho chất lượng và sản lượng của Mỹ.