Quốc tế

Hàng không Trung Quốc hồi phục nhờ làn sóng du lịch

Vân Vân 12/08/2024 15:10

Nhu cầu du lịch nước ngoài của người dân Trung Quốc tăng cao, tạo điều kiện cho ngành hàng không quốc gia phục hồi.

Theo các chuyên gia ngành hàng không Trung Quốc, nhu cầu du lịch của người dân nước này đến Nhật Bản hè năm nay tăng mạnh. Việc tăng cường chuyến bay giữa hai nước nhằm đáp ứng yêu cầu trên.

Làn sóng du lịch Nhật Bản đến từ việc sinh viên Trung Quốc nghỉ hè, đồng yen xuống giá giúp các chi phí trong chuyến đi như khách sạn, ăn uống, vé tham quan ở mức phải chăng hơn.

Ngoài Trung Quốc, trong 6 tháng đầu năm, Nhật Bản cũng ghi nhận lượng khách kỷ lục, đạt 17,78 triệu, cao hơn mức trước khi xảy ra đại dịch.

Trong đó, top 3 thị trường gửi khách lớn nhất đến Nhật gồm Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ.

Hàng không ồ ạt tăng chuyến

Nhu cầu đi lại nước ngoài mạnh mẽ đã thúc đẩy nhiều hãng hàng không Trung Quốc mở thêm các chuyến bay thẳng mới và tăng tần suất khai thác các chuyến bay hiện tại đến các thành phố của Nhật Bản.

np_file_33483.jpeg
Trung Quốc là một trong ba thị trường gửi khách lớn nhất đến Nhật Bản. Ảnh: The Japan Times.

Mao Yi, Giám đốc truyền thông của Spring Airlines, hãng hàng không tư nhân giá rẻ của Trung Quốc, cho biết hãng đã khai trương thêm các đường bay mới, kết nối Thượng Hải với Fukuoka và Okinawa vào trước hè.

Hiện, hãng đang khai thác các đường bay thẳng giữa Thượng Hải - Takamatsu và Saga. Thời gian gần đây, công suất của 2 đường bay này đều vượt hơn 90% so với thời gian trước.

Để đáp ứng nhu cầu của du khách, hãng đã thực hiện tăng chuyến bay. Cụ thể, chặng Thượng Hải - Osaka đang có 5 chuyến mỗi ngày thay vì 2 chuyến như trước đây.

"Tuy nhiên, các tuyến bay quốc tế Trung Quốc - Nhật Bản vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để sớm nối lại nhiều chuyến bay quốc tế hơn và cung cấp cho hành khách nhiều sự lựa chọn hơn", Mao cho biết.

Ngoài các chuyến bay thẳng đến các thành phố lớn của Nhật Bản, gần đây, China Eastern Airlines cũng tăng cường khai thác các đường bay thẳng từ Thượng Hải đến các thành phố nhỏ hơn như Shizuoka, Okayama và Komatsu.

Hay như Juneyao Airlines, một hãng hàng không tư nhân khác của Trung Quốc, thực hiện khai thác các chuyến bay thẳng nối Thượng Hải với Sapporo và Hokkaido.

Với số lượng chuyến bay như trên, Lin Zhijie, chuyên gia phân tích về ngành hàng không dân dụng, đánh giá vẫn "không thể đáp ứng nhu cầu đi lại giữa hai nước".

Theo Lin, các thành phố Nhật Bản sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là ngay cả những thành phố du lịch nhỏ vẫn được nước này đầu tư sân bay, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối các đường bay mới.

Tuy nhiên, việc số lượng chuyến bay tăng cao khiến Nhật Bản phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu hàng không.

Theo đó, sân bay quốc tế Narita của Tokyo đã phải hoãn kế hoạch đón thêm 6 hãng hàng không châu Á và đường bay mới vì không đáp ứng đủ nhiên liệu.

c6f3e9ef-33c7-48e9-9c80-05e9f65f7651_79e1f38d.jpeg
6 tháng đầu năm, hàng không Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng tích cực. Ảnh: SCMP.

Một số sân bay nhỏ hơn như sân bay Tokachi Obihiro ở Hokkaido và sân bay Hiroshima cũng trải qua tình trạng tương tự. Theo đó, các chuyến bay do các hãng hàng không châu Á khai thác đã phải tự nhập nhiên liệu cho các chuyến khứ hồi.

Ngoài ra, khả năng phục vụ dịch vụ mặt đất tại các sân bay của Nhật Bản cũng chưa đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu của hành khách ở thời điểm hiện tại.

Ngành hàng không dần trở về mức tăng trưởng tự nhiên

Thị trường du lịch hàng không của Trung Quốc đã chứng kiến ​​sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.

Trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã vận chuyển 350 triệu hành khách bằng đường hàng không trong nước, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cao hơn 9% so với thời điểm trước đại dịch vào năm 2019, theo Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC).

CAAC nhận định mức tăng trưởng này cho thấy thị trường hàng không của Trung Quốc đã hoàn toàn thoát khỏi cái bóng của đại dịch và đang dần quay trở lại mức tăng trưởng tự nhiên.

Trong khi đó, số lượng hành khách quốc tế qua đường hàng không trong 6 tháng đầu năm cũng đã phục hồi hơn 79% với mức năm 2019.

Đặc biệt, nhu cầu đi lại giữa Trung Quốc với một số thị trường, gồm châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore vẫn rất cao, CAAC thông tin.

"Mùa hè năm nay, các đường bay du lịch phổ biến vẫn tập trung tại những điểm đến truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á", ông Xu Qing, đại diện CAAC, chia sẻ.

Theo ông Xu, bên cạnh những lựa chọn quen thuộc, Pháp cũng là điểm đến được người dân Trung Quốc quan tâm trong thời gian này nhờ vào sự kiện Olympic 2024.

Số lượng chuyến bay từ Trung Quốc đến Pháp đã tăng đáng kể. Bên cạnh đó, các hãng hàng không cũng tăng thêm nhiều chuyến bay đến các quốc gia như Đan Mạch, Hungary và Hy Lạp.

CAAC cho biết sẽ hỗ trợ các hãng hàng trong nước và nước ngoài để tăng năng lực trên các tuyến bay quốc tế, thêm số lượng chuyến bay dựa trên điều kiện thị trường và đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của hành khách.

Thị trường hàng không du lịch tại Trung Quốc cũng đã bước vào mùa cao điểm hè. Theo đó, các sân bay nội địa dự kiến xử lý 1,08 triệu lượt cất và hạ cánh, với số chuyến bay trung bình hàng ngày là 17.361, tăng 13,87% so với năm 2019.

Tuy nhiên, bên cạnh mức tăng trưởng tích cực, hàng không Trung Quốc vẫn phải chịu tác động bởi xung đột thế giới. Theo đó, một số hãng hàng không quốc tế đã phải huỷ chuyến bay qua không phận Nga.

Vân Vân