Tin tức

Cổ phiếu Boeing lao dốc sau loạt dự báo tiêu cực

Hoàng Anh 24/05/2024 10:34

Dự báo đốt nhiều tiền mặt và tình hình bàn giao máy bay không cải thiện khiến cổ phiếu Boeing tiếp tục sụt giảm mạnh.

Trong những tuần gần đây, Boeing không thể giao máy bay cho Trung Quốc, khiến hãng này mất đi nguồn tiền mặt quan trọng. Tại hội nghị Wolfe Research hôm 23/5, ông Brian West, Giám đốc tài chính (CFO) Boeing, cho biết hãng sẽ đốt nhiều tiền mặt trong năm nay.

Dòng tiền mặt cả năm hiện được dự đoán là âm, đảo ngược dự báo trước đó về khả năng tạo ra dòng tiền mặt dương. Boeing cũng sẽ không thể cải thiện số lượng máy bay bàn giao trong quý II.

Những tin tức không sáng sủa khiến cổ phiếu Boeing giảm 7,6% trong phiên giao dịch ngày 23/5 tại NYSE, đồng thời gây áp lực giảm mạnh nhất lên Dow Jones trong phiên. Với Boeing, đây là mức giảm sâu nhất trong 4 tháng.

Từ đầu năm, cổ phiếu Boeing đã giảm 34%, thành tích tệ thứ nhì trong S&P 500 (chỉ số chứng khoán dựa trên vốn hóa của 500 công ty đại chúng lớn nhất nước Mỹ).

anh-chup-man-hinh-2024-05-24-luc-09.30.07.png
Cổ phiếu Boeing giảm 7,6% trong phiên giao dịch hôm qua. Ảnh chụp màn hình: Google.

CFO Brian West thông báo hãng sẽ “đốt" tiền mặt bằng hoặc nhiều hơn quý I. Trong 3 tháng đầu năm, Boeing tiêu gần 4 tỷ USD tiền mặt. Việc này khiến cổ phiếu Boeing bị xếp vào hạng “rác". Dẫu vậy, Brian West cho biết dòng tiền sẽ chuyển biến tích cực trong nửa cuối năm, khi sản lượng 737 MAX tăng lên và việc cải tiến nhà máy được duy trì.

Quý I năm nay, Boeing mới giao được 83 chiếc máy bay, mức thấp nhất từ 2021. Tính đến hết tháng 4, Boeing giao 22 chiếc cho Trung Quốc, nhưng vài tuần gần đây không giao chiếc nào. Việc dừng giao hàng xuất phát từ yêu cầu của Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc. Cơ quan này yêu cầu cung cấp thêm thông tin liên quan đến bộ pin sử dụng trong máy ghi âm buồng lái.

Thị trường Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu để xả bớt kho dự trữ 737 Max đã sản xuất. Mẫu máy bay tai tiếng nhận lệnh cấm bay trên toàn cầu từ tháng 3/2019 đến cuối 2020, sau đó phải lưu kho vì dịch Covid-19.

Boeing mới nối lại việc giao 737 Max cho Trung Quốc từ đầu năm nay, tức gần 5 năm sau khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm mẫu này.

Biểu đồ số lượng máy bay thương mại xuất xưởng của Boeing và Airbus tính từ cuối 2018 đến hết quý I năm nay. Nguồn: Statista.
Ba tháng đầu năm 2024, Boeing chỉ giao 83 máy bay, thấp nhất kể từ đầu 2021. Nguồn: Statista.

Tuần tới, Boeing ​​​​sẽ trình bày một kế hoạch toàn diện với Cục Hàng không Liên bang (FAA) để giải quyết tình trạng cấm mở rộng sản xuất. Vào cuối tháng 2, FAA đã cho Boeing 90 ngày để phát triển kế hoạch toàn diện nhằm giải quyết các vấn đề kiểm soát chất lượng và cấm hãng này mở rộng sản xuất 737 MAX.

Boeing vẫn kỳ vọng giành được chứng nhận cho mẫu máy bay thân rộng 777X vào năm sau. Một số khách hàng lo ngại mẫu máy bay này - vốn đã muộn 5 năm - có thể bị trì hoãn thêm do Boeing đang vật lộn với nhiều vấn đề.

Tình trạng thiếu phụ tùng cũng làm chậm quá trình giao hàng 787 Dreamliners. American Airlines tháng trước cho biết họ sẽ giảm một số chuyến bay quốc tế vì sự chậm trễ của Boeing. Các hãng bay khác, bao gồm United Airlines và Southwest Airlines, cho biết họ phải thu hẹp quy mô tăng trưởng và kế hoạch tuyển dụng vì kế hoạch giao hàng của Boeing bị trì hoãn.

Hoàng Anh