WindRunner - máy bay lớn nhất thế giới sắp trình làng
Với chiều dài 108 m, WindRunner dài hơn 32 m so với chiếc máy bay chở khách dài nhất thế giới Boeing 747-8.
Trong thời đại mà quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo ngày càng trở nên cấp bách, Radia (Mỹ) - công ty chuyên về lĩnh vực năng lượng sạch - có kế hoạch vận chuyển các turbine gió lớn nhất thế giới đến những địa điểm xa xôi, khó tiếp cận bằng chiếc máy bay lớn nhất của họ.
Dự án độc đáo có tên là WindRunner, sẽ trở thành máy bay lớn nhất và nặng nhất từng được chế tạo khi được chứng nhận đầy đủ. Với kích thước khổng lồ và được thiết kế để chở tải trọng lớn nhất thế giới, WindRunner được thiết lập để phá vỡ các kỷ lục hàng không hiện có về quy mô và sẽ thiết lập một chuẩn mực mới trong vận chuyển hàng hóa trên không.
Radia cho đến nay đã huy động được con số ấn tượng là gần 100 triệu USD tiền tài trợ từ các nhà đầu tư bên ngoài bao gồm LS Power, Good Growth Capital, Capital Factory, Caruso Ventures và ConocoPhillips.
Thiết kế khổng lồ
WindRunner là một máy bay vận tải hàng hóa ngoại cỡ lớn với kích thước được thiết kế riêng để vận chuyển các cánh turbine gió. Máy bay cao 24 m và có sải cánh 80 m. Với chiều dài đáng kinh ngạc là 108 m, nó dài hơn Boeing 747-8, máy bay thương mại dài nhất thế giới, tới 32 m.
Với kích thước khổng lồ, WindRunner của Radia sẽ vượt qua các máy bay chở hàng thương mại lớn nhất hiện nay trên thế giới, bao gồm Boeing 747-400F, máy bay vận tải bốn động cơ Antonov An-124 do Ukraine chế tạo và máy bay chở hàng Airbus Beluga XL.
WindRunner có sức chứa 8.200 m3, lớn gấp nhiều lần so với Airbus Beluga XL (2.209 m3), Antonov An-124 (1.160 m3), và Boeing 747-400 (610 m3). Máy bay có thể chở hàng hóa dài tới 105 m, cao và rộng 7,3 m. Tải trọng tối đa vào khoảng 72.575 kg.
Cách thức hoạt động
Những cánh turbine gió khổng lồ trên cạn ngày nay dài 70 m, gây khó khăn cho các phương thức vận chuyển hiện nay. Các cánh turbine gió thường được vận chuyển đến các trang trại gió bằng sự kết hợp giữa đường bộ và đường sắt hoặc đường biển. Bằng cách sử dụng WindRunner làm phương tiện vận tải, các cánh turbine giờ đây có thể triển khai các địa điểm đa dạng một cách dễ dàng hơn.
Máy bay sẽ có thể thực hiện nhiệm vụ bay với khoảng cách lên đến 2.000 km và bay ở độ cao tối đa (12.500 m với tốc độ bay khoảng 716 km/h (Mach 0.6). Mặc dù có kích thước lớn, máy bay sẽ sử dụng đường băng chỉ dài khoảng 1.800 m, ngắn hơn nhiều so với bất kỳ máy bay chở hàng quá khổ thương mại nào khác đang hoạt động.
Máy bay dự kiến đi vào hoạt động vào 2030 và sẽ được vận hành bởi chỉ hai phi công cùng một đội hỗ trợ mặt đất.
Sản xuất hàng loạt
Radia tập trung vào việc sử dụng công nghệ đã được thử nghiệm và kiểm tra trong ngành hàng không gồm các vật liệu, linh kiện đã được sản xuất hàng loạt, rủi ro thấp, và quy trình, kỹ thuật đã được Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) chấp thuận. Việc sản xuất hàng loạt WindRunner cũng sẽ dựa vào cơ sở hạ tầng tương tự như máy bay cỡ lớn hiện nay.
Theo Rachel Kelley, Phó chủ tịch Phát triển máy bay và Kỹ sư trưởng của Radia tự tin quá trình cấp chứng nhận cho WindRunner có nhiều khả năng diễn ra theo đúng thời gian đã định. Bà Kelley tiết lộ Radia đang hợp tác với FAA trên nhiều cấp độ để đảm bảo rằng cơ quan quản lý biết được mọi diễn biến chính trong quá trình phát triển WindRunner. Hiện địa điểm lắp ráp cuối cùng vẫn chưa được công ty tiết lộ.
Mới đây, Radia đã thông báo đã hợp tác với các đối tác chính trong ngành như Aernnova, Leonardo và AFuzion để đưa WindRunner. Cụ thể, Aernnova sẽ hợp tác với Radia để phát triển cánh và giá đỡ động cơ của máy bay WindRunner, trong khi Leonardo sẽ phát triển thân máy bay và AFuzion sẽ cung cấp tư vấn về an toàn và chứng nhận.
“WindRunner là cơ hội để ngành hàng không vũ trụ có tác động quyết định đến biến đổi khí hậu, đa dạng hóa ngành năng lượng và nắm bắt cơ hội thị trường to lớn. Chúng tôi vô cùng vui mừng và phấn khởi khi Aernnova, Leonardo và AFuzion, ba công ty đi đầu trong thiết kế, phát triển và kỹ thuật hàng không vũ trụ, đã chọn hợp tác với chúng tôi trong dự án cực kỳ quan trọng này”, Mark Lundstrom, Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của Radia cho biết.
Theo ông Lundstrom, dự án WindRunner có tầm quan trọng đối với khả năng tồn tại và kinh tế của năng lượng tái tạo cũng như khả năng của xã hội trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng trong khi vẫn đảm bảo được các mục tiêu về khí hậu.