An toàn

Chuyên gia hàng không nhận định vụ rơi máy bay ATR ở Brazil

Vân Khanh 10/08/2024 14:00

Chiếc máy bay ATR của hãng Voepass đã không phát đi cảnh báo khẩn cấp nào trước khi rơi tự do.

Nhận định về nguyên nhân xảy ra vụ rơi máy bay khiến 61 người tử vong tại Brazil, Ross Aimer, cơ trưởng với 40 năm kinh nghiệm lái máy bay phản lực chở khách ở Mỹ, cho rằng máy bay có thể gặp phải tình trạng thất tốc.

Tình trạng này bắt đầu khi cánh phi cơ không thể duy trì lực nâng do máy bay di chuyển quá chậm, tăng độ cao quá nhanh, ngoặt gấp hoặc có băng tích tụ trên bề mặt cánh.

Máy bay có lỗi kỹ thuật, gặp nhiễu động mạnh, phi công mắc lỗi hoặc cánh máy máy bay va đập với vật thể lạ (như chim) là một số nguyên nhân dẫn đến thất tốc.

plane-62-people-aboard-crashed-924028997.jpeg
Hiện trường vụ rơi máy bay ATR 72. Ảnh: The Sun.

Theo báo cáo của hãng Voepass, chiếc ATR 72 xấu số ở độ cao hành trình khoảng hơn 5.000 m cho đến 13h21 thì giảm khoảng 60 m trong vòng 10 giây, rồi tăng 120 m trong 8 giây. 8 giây sau, phi cơ tiếp tục giảm độ cao khoảng 600 m rồi rơi tự do 5.180 m chỉ trong một phút.

Ở độ cao đó, khó có khả năng xảy ra va chạm với vật thể lạ. Đáng chú ý, video do người dân địa phương ghi lại cho thấy máy bay xoay vòng khi lao xuống gần như theo chiều thẳng đứng.

Từ đó, Aimer nhận định có thể máy bay đã rơi vào "vòng xoáy tử thần", sự cố xảy ra bất ngờ và khiến phi cơ mất điều khiển. Nếu rơi vào vòng xoáy tử thần, rất khó thoát khỏi thảm họa hàng không.

Còn chuyên gia an toàn hàng không Mỹ Anthony Brickhouse nói rằng các nhà điều tra sẽ cần xem xét thêm những yếu tố như thời tiết, tình trạng vận hành của động cơ và các cánh lái trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.

"Dựa trên những hình ảnh sơ bộ, đó chắc chắn là tình trạng mất điều khiển", ông nhận định.

Marcel Moura, Giám đốc phụ trách hoạt động của hãng Voepass, báo cáo dự báo thời tiết cho thấy có thể xuất hiện băng giá ở độ cao hành trình của máy bay, nhưng vẫn trong ngưỡng cho phép.

Hệ thống khử băng của phi cơ được xác định vẫn hoạt động bình thường trước khi cất cánh. Tuy nhiên, máy bay rất nhạy cảm với tình trạng đóng băng trên các bề mặt.

Trước đó, vào tháng 10/1994, một chiếc ATR 72-200 của American Eagle cũng đã gặp sự cố, khiến 68 người trên chuyến bay thiệt mạng. Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) đã xác định nguyên nhân vụ việc do băng tích tụ trong động cơ máy bay, trong thời gian tàu bay ở trạng thái bay chờ.

may-bay-12-1723255919685991600062.jpg
Hình ảnh chiếc máy bay bị mất kiểm soát, lao nhanh xuống đất. Ảnh: CNN.

Sau sự cố này, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã ban hành các quy trình vận hành riêng cho ATR và một số dòng tàu bay tương tự, yêu cầu phi công không được sử dụng chế độ lái tự động trong trường hợp đóng băng động cơ.

Trung tâm Phòng chống và Điều tra Tai nạn hàng không Brazil (CENIPA) cho biết tổ lái ATR 72 của hãng hàng không Voepass đã không có bất kỳ thông báo nào về tình hình khẩn cấp cũng như không báo cáo với đài kiểm soát không lưu về tình hình thời tiết bất lợi.

Tuy nhiên, John Hansman, giảng viên ngành hàng không và vũ trụ của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ở Mỹ, nhận định sự cố không phải do thời tiết xấu.

"Không loại trừ khả năng tổ lái đã xử lý sai khi một động cơ gặp trục trặc. Lực đẩy từ động cơ còn lại sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng và khiến phi cơ xoay tròn", ông cho hay.

Chuyên gia hàng không người Brazil Lito Sousa cũng đồng tình với điều này. Theo ông, chỉ riêng điều kiện thời tiết không đủ để lý giải vì sao máy bay lại xoay tròn và rơi tự do như vậy.

John Cox, cơ trưởng về hưu kiêm Giám đốc điều hành công ty tư vấn an toàn hàng không Safety Operating Systems ở Mỹ, cho rằng một sự cố bất ngờ lớn đã xảy ra và phải cần thêm dữ liệu từ hộp đen để kết luận.

Hiện, Cảnh sát Liên bang Brazil cũng vào cuộc điều tra và cử các chuyên gia về tai nạn máy bay, nhận dạng nạn nhân đến hiện trường.

Về phía nhà sản xuất máy bay ATR, hãng đã lên tiếng xác nhận vụ tai nạn liên quan đến mẫu ATR 72-500. Các chuyên gia của hãng sẽ tham gia hỗ trợ điều tra.

Máy bay ATR 72 thường được sử dụng trên các chuyến bay ngắn, được chế tạo bởi liên doanh giữa Airbus tại Pháp và Leonardo S.p.A của Italy. Kể từ năm 1990, các vụ tai nạn liên quan đến các mẫu máy bay ATR 72 khác nhau đã khiến 470 người thiệt mạng.

Vân Khanh