Trung Quốc phóng vệ tinh cạnh tranh với Starlink của SpaceX
Trung Quốc muốn trở thành đối thủ cạnh tranh với Starlink của SpaceX bằng dự án 14.000 vệ tinh Internet băng thông rộng.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, 18 vệ tinh đã được đưa lên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp (LEO) vào ngày 7/8. Đây là những vệ tinh đầu tiên của mạng lưới Qianfan hay Spacesail do Bắc Kinh hậu thuẫn.
Đối thủ mới của Starlink
Truyền thông Trung Quốc gọi dự án này là lời đáp trả cho Starlink của SpaceX của tỷ phú Elon Musk.
Hiện Starlink là mạng lưới Internet vệ tinh băng thông rộng lớn nhất thế giới với hơn 6.000 vệ tinh trên quỹ đạo. Với tham vọng mở rộng lên tới 42.000 vệ tinh, nó sẽ vẫn sẽ thống trị thị trường trong những năm tới.
Trong khi hầu hết mọi người trên thế giới truy cập Internet thông qua cáp quang, kết nối vệ tinh nổi lên như một phương thức quan trọng cho các khu vực nông thôn, thiếu hạ tầng và chịu thiên tai. Nó cũng được coi là chìa khóa để mở rộng các công nghệ như ôtô tự hành và các thiết bị hỗ trợ Internet khác.
Qianfan hay G60 Starlink là một trong 3 mạng lưới vệ tinh lớn của Trung Quốc với tổng cộng 40.000 vệ tinh sẽ được vào quỹ đạo Trái Đất tầm thấp.
Trung Quốc đang muốn chứng minh vị thế của mình là một cường quốc thống trị công nghệ vũ trụ bằng việc tăng cường các vệ tinh thương mại.
Quốc gia này đã đạt được những bước tiến lớn trong chương trình không gian quốc gia đầy tham vọng của mình. Mục đích chương trình này là đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2030, đồng thời phóng các vệ tinh liên kết với quân đội để định vị, liên lạc và giám sát.
Các chuyên gia cho biết việc thiết lập các vệ tinh băng thông rộng tại LEO cho phép các công ty của Trung Quốc cung cấp dịch vụ Internet trong nước và trên toàn thế giới đồng thời củng cố ảnh hưởng ngoại giao của Bắc Kinh, kiểm soát luồng dữ liệu và an ninh quốc gia.
Việc triển khai Qianfan được thực hiện bởi Shanghai Spacecom Satellite Technology (SSST), công ty do chính quyền Thượng Hải hậu thuẫn. Đây là một thử nghiệm về khả năng sản xuất và phóng vệ tinh ở quy mô lớn và trong thời gian ngắn nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Dự kiến có hơn 600 vệ tinh được phóng lên vào cuối năm 2025 và tăng lên hơn 14.000 vệ tinh vào năm 2030, CCTV cho biết.
Số lượng vệ tinh trên đủ để phủ sóng cho hầu hết các trung tâm dân số trên Trái Đất, Zhu Xiaochen, phó giám đốc dự án, nói với CCTV.
Ưu thế thông tin
Nhiều cơ quan chính phủ và công ty trên khắp thế giới ngày càng đề cao vai trò của vệ tinh trong mọi lĩnh vực từ thông tin liên lạc đến hoạt động quân sự. Sự cần thiết của Internet vệ tinh đã được chứng minh tại chiến trường Ukraine, nơi không thể thiết lập các trạm phát sóng mặt đất.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã nhiều lần nêu lên mối lo ngại về an ninh quốc gia đối với hệ thống vệ tinh do SpaceX điều hành. Một học giả quân sự nước này tuyên bố hồi đầu năm rằng Starlink có khả năng hỗ trợ lực lượng mặt đất của Mỹ trong các cuộc xung đột khu vực.
Ngoài mục đích thương mại, việc phóng vệ tinh cũng cho thấy Trung Quốc đã nhận ra ưu thế thông tin, kiểm soát luồng dữ liệu của hệ thống vệ tinh băng thông rộng, Tomas Hrozensky, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chính sách Không gian Châu Âu (European Space Policy Institute - ESPI) ở Vienna (Áo), cho biết.
Vai trò của các công ty Trung Quốc trong viễn thông toàn cầu là một chủ đề gây tranh cãi trong những năm gần đây. Chính phủ Mỹ đưa ra cảnh báo về những rủi ro an ninh đối với các quốc gia sử dụng cơ sở hạ tầng và thiết bị trên mặt đất của Trung Quốc.
Kari Bingen, nhân sự cấp cao tại trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies - CSIS) ở Washington D.C. (Mỹ) cho biết Trung Quốc sẽ mở rộng mô hình viễn thông dựa trên việc giám sát và kiểm duyệt luồng thông tin, bắt đầu từ việc triển khai Qianfan lên không gian.
Ưu tiên quốc gia
Việc phóng vệ tinh Qianfan diễn ra khi các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc ra tín hiệu rằng phát triển lĩnh vực không gian thương mại là một ưu tiên kinh tế.
Đợt phóng vệ tinh vào quỹ đạo ngày 7/8 vừa qua mở đường cho hai mạng lưới vệ tinh liên lạc khác của Trung Quốc. Dự án Guowang của Tập đoàn Mạng lưới Vệ tinh Trung Quốc đặt mục tiêu có gần 13.000 vệ tinh và dự án Honghu-3 của công ty vũ trụ tư nhân Landspace lên kế hoạch có 10.000 vệ tinh.
Dự án Qianfan đã được công bố vào năm 2021 như một phần của chương trình đổi mới công nghệ do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn. SSST, công ty điều hành của dự án, đã huy động được 933 triệu USD vào đầu năm nay, Reuters đưa tin hồi tháng 2.
Qianfan được phát triển dựa trên nền tảng sản xuất vệ tinh thông minh, theo lời Cao Caixia, kiến trúc sư của dự án.
Sẽ có những rào cản khi SSST và các công ty Trung Quốc mở rộng nhanh chóng số lượng vệ tinh. Những công ty này vẫn còn khoảng cách khá xa về năng lực phóng vệ tinh so với tàu Starship của SpaceX, CNN nhận định.
Bingen của CSIS cho biết Trung Quốc sẽ gặp phải những thách thức về kỹ thuật và vận hành. Ông cũng chỉ ra nhu cầu thiết lập và mở rộng dây chuyền sản xuất vệ tinh và tên lửa đẩy với tần suất cao hơn.