Kinh doanh

Công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn báo lãi 140 tỷ đồng nửa đầu năm

An Huy 07/08/2024 13:38

Công ty Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) công bố lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 1.334 tỷ đồng doanh thu và 140 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu và lợi nhuận của công ty tăng lần lượt 14% và 7%.

9-scaled.jpg
Phòng chờ Jasmine Halal của SASCO đạt giải Best Lounge P Phòng chờ tốt nhất khu vực châu Á của Tạp chí PAX International bình chọn năm 2023. Ảnh: SASCO.

SASCO là một trong những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không lớn tại sân bay Tân Sơn Nhất. Công ty sở hữu và vận hành hệ thống cửa hàng miễn thuế, nhà hàng và phòng chờ thương gia tại sân bay đồng thời dịch vụ nghỉ dưỡng với một resort tại Phú Quốc.

Tổng công ty cảng hàng không (ACV) sở hữu 49% cổ phần SASCO nhưng IPP Group - tập đoàn bán lẻ của ông vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn - mới là bên kiểm soát hoạt động. IPP Group và và 2 công ty liên quan (ACFC và DAFC) sở hữu khoảng 45% cổ phần SASCO. Đồng thời, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cùng vợ là bà Lê Hồng Thủy Tiên là đang là Chủ tịch và Phó chủ tịch HĐQT của công ty.

Năm ngoái, SASCO đạt hơn 2.700 tỷ đồng doanh thu và 333 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Năm nay, công ty dự kiến doanh thu và lợi nhuận tiếp tục tăng nhẹ so với 2023 nhờ sự phục hồi của thị trường hàng không.

Tuy vậy, ban lãnh đạo SASCO đánh giá ngành hàng không vẫn còn đương đầu với những thách thức về giá xăng dầu, tỷ giá, mức độ mở cửa của các thị trường quốc tế trọng điểm. Công ty đang tìm cách nắm bắt cơ hội phát triển tại nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Trong lĩnh vực hàng không, khoản đầu tư lớn nhất của IPP Group là dự án nhà ga quốc tế sân bay Cam Ranh. Đây là dự án nhà ga do IPP Group hợp tác với Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Nội Bài (NASCO), Vietjet Air và một số công ty đầu tư, trị giá 3.735 tỷ đồng, đi vào hoạt động từ giữa năm 2018.

Chưa đầy 2 năm sau, do tác động của dịch Covid 19, các chuyến bay bị tạm dừng dẫn đến việc dự án bị thua lỗ lớn. Theo ghi nhận của NASCO - sở hữu 15% cổ phần dự án - khoản đầu tư 90 tỷ đồng đã phải dự phòng toàn bộ.

Khoản dự phòng lớn khiến NASCO thua lỗ 138 tỷ đồng trong năm 2021. Trong 2 năm gần đây, NASCO đã có lãi trở lại nhưng vẫn chưa bù đắp hết khoản lỗ lũy kế.

Gần đây, Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu (ACFC) - thành viên của IPP Group - đã mua 900.376 cổ phiếu, tương đương 10% cổ phần của NASCO. Hiện tại, NASCO còn 2 cổ đông lớn khác là Vietnam Airlines (sở hữu 51%) và Taseco Group (sở hữu 6%).

NASCO được thành lập từ năm 1993, chuyên cung cấp các dịch vụ tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài như phòng chờ, cửa hàng miễn thuế, đồ lưu niệm, ăn uống, chuyển phát và đưa đón hành khách…Công ty có kế hoạch mở rộng hoạt động tại các nhà ga sân bay khác như Tân Sơn Nhất. Năm ngoái, NASCO đạt gần 500 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế gần 13 tỷ đồng.

Tham vọng với ngành hàng không của IPP Group còn thể hiện với việc nộp hồ sơ xin cấp phép IPP Air Cargo, hãng hàng không vận tải hàng hóa đầu tiên tại Việt Nam, quy mô 100 triệu USD.

Ý tưởng của ông Johnathan Hạnh Nguyễn là xây các trung tâm logistics tại các sân bay lớn để đưa hàng từ ngước ngoài về và dùng các máy bay của IPP Air Cargo vận chuyển đến các sân bay nội địa.

IPP Air Cargo được cho là đã thuê các tàu bay B737- 800BCF, trong đó, có một tàu bay đã hoàn tất việc chuyển đổi khoang chở hàng, sơn tàu bay theo logo đã đăng ký để sẵn sàng khai thác.

Tuy nhiên cuối năm 2022, sau khi đánh giá lại tình hình kinh tế thế giới đang có diễn biến xấu, suy thoái toàn cầu ngày một hiện hữu, biến động giá nhiên liệu khiến ngành vận chuyển hàng hóa toàn cầu sẽ gặp khó khăn, IPP Air Cargo đã bất ngờ xin rút hồ sơ và cho biết sẽ cân nhắc trở lại vào thời điểm thích hợp.

An Huy