Tại Mỹ, một sân bay dân sự đôi khi không chỉ phục vụ hoạt động bay dân sự. Trong thực tế, một số sân bay hoạt động theo thỏa thuận căn cứ chung với quân đội Mỹ. Ảnh: Simple Flying. Đứng đầu trong danh sách sân bay hỗn hợp quân sự và dân dụng lớn nhất của Mỹ là Sân bay quốc tế Charlotte Douglas (CLT) . Đây là sân bay chính cho các hoạt động dân dụng và quân sự trong khu vực đô thị Charlotte, được thành lập năm 1935 và nằm cách trung tâm thành phố Charlotte 10 km về phía tây. CLT có diện tích lên tới 2.249 ha và là sân bay chính của hãng hàng không American Airlines, một trong những hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ. Trong Thế chiến 2, CLT từng là căn cứ quân sự cho phi đội Không quân số 3. Ảnh: Simple Flying. Sân bay này cũng là nơi đặt căn cứ không quân quốc gia Bắc Carolina với phi đoàn không vận 145. Phi đoàn này là lực lượng bán quân sự trên không của khu vực Bắc Carolina, có sự hợp tác chặt chẽ với lực lượng vệ binh quốc gia lục quân của tiểu bang. Ảnh: Simple Flying. Sân bay quốc tế Nashville (BNA) đứng ở vị trí số 2. Ban đầu, cảng hàng không này được gọi là sân bay Berry Field, được thành lập vào năm 1937. Nằm ở phía đông nam thủ phủ Nashville, BNA có diện tích khoảng 1.843 ha. Đây là sân bay tấp nập nhất ở Tennessee với nhiều chuyến bay hơn mọi sân bay khác của tiểu bang gộp lại. Theo số liệu thống kê năm 2023, tổng số chuyến bay dân dụng đến và đi tại sân bay BNA là 280.564 chuyến, đạt 22,9 triệu lượt khách dân dụng. Ảnh: Nashville International Airport. Căn cứ liên hợp Berry Field, trước đây gọi là căn cứ không quân quốc gia Berry Field tiến hành các chiến dịch tại sân bay BNA. Theo đó, cơ quan quân sự Tennessee trực tiếp quản lý các hoạt động bay cùng với Cục Vệ binh quốc gia Mỹ. Trong Thế chiến 2, nơi đây từng là căn cứ quân sự cho Bộ Tư lệnh Không vận số 4. Sau chiến tranh, quân đội Mỹ đã trả lại một phần sân bay cho thành phố Nashville. Ảnh: Simple Flying. Xếp ở vị trí thứ 3 là sân bay quốc tế Portland (PDX) được thành lập vào năm 1936, có diện tích 1.214 ha và nằm cách thành phố Portland 10 km về phía đông bắc. Đây là sân bay bận rộn nhất bang Oregon, PDX phục vụ 90% lượng hành khách đi máy bay và hơn 95% lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không của bang. PDX cũng là một trong số các trung tâm vận hành của Alaska Airlines, hãng hàng không lớn thứ 5 Bắc Mỹ. Ảnh: Simple Flying. Lực lượng vệ binh quốc gia Oregon điều hành một căn cứ ở phía tây nam sân bay. Đây cũng là nơi đóng quân của phi đoàn chiến đấu cơ 142, đơn vị vận hành tiêm kích F-15 Eagle và đã tham gia vào nhiều nhiệm vụ khác trên toàn cầu, gồm ngăn chặn ma túy và phòng không. Ngoài ra, căn cứ không quân này còn là trụ sở của phi đội tổng hợp Columbia 73. Ảnh: CNN. Sân bay quốc tế Charleston (CHS) đứng ở vị trí thứ 4. Đây là một sân bay dân dụng - quân sự được thành lập vào năm 1928. Nằm cách trung tâm thành phố Charleston 19 km về phía tây bắc, đây là sân bay bận rộn nhất ở Nam Carolina. Cơ quan hàng không quận Charleston vận hành sân bay theo thỏa thuận với căn cứ chung Charleston. Ảnh: Post and Courier. Căn cứ chung ở đây nằm dưới quyền quản lý của phi đội Không quân 628 thuộc Bộ Tư lệnh Không vận. CHS cũng là nơi lắp ráp máy bay Boeing 787 Dreamliner và là cơ sở vận hành chính của hãng hàng không giá rẻ Breeze Airways. Ảnh: Simple Flying. Xếp ở vị trí cuối trong 5 sân bay hỗn hợp quân sự và dân dụng lớn nhất của Mỹ là sân bay quốc tế Richmond (RIC) . Được thành lập năm 1975, RIC là sân bay “bận rộn” nhất ở miền Trung bang Virginia và tấp nập thứ 3 trong tiểu bang sau Ronald Reagan (DCA) và Washington Dulles (IAD). Ảnh: Simple Flying. Sân bay này cũng đóng vai trò là cơ sở hỗ trợ hàng không cho Trung đoàn Không quân 224 của Lực lượng vệ binh quốc gia Virginia. Cơ sở này sử dụng 25 trực thăng gồm 18 chiếc UH-60, 3 chiếc HH-60 và 4 chiếc UH-72, cùng một máy bay tiện ích C-12 Huron cho việc vận chuyển. Trước đó, sân bay từng phục vụ phi đoàn tiêm kích 192 (192 FW), vận hành các chiến đấu cơ F-16 cho đến tháng 10/2007. Ảnh: Richmond International Airport. Ngoài sân bay quốc tế Portland (PDX) ở Oregon, 4 sân bay còn lại đều nằm ở khu vực Đông Nam nước Mỹ do nơi đây dễ dàng tiếp cận các điểm đến trong nước và quốc tế, cho phép triển khai quân đội và trang thiết bị nhanh chóng. Đồng thời, khí hậu ôn hòa và địa hình đa dạng ở đây cũng thuận lợi cho các hoạt động huấn luyện quân sự. Ảnh: Charlottes. Ngoài ra, miền Đông Nam còn có không phận ít tắc nghẽn hơn những khu vực khác, cho phép diễn tập trên phạm vi rộng mà không ảnh hưởng đến lưu lượng hàng không dân dụng. Đặc biệt, nhiều căn cứ quân sự đã có sẵn từ thời Thế chiến 2 và chiến tranh lạnh đã giúp giảm nhu cầu xây mới. Vì vậy, miền Đông Nam từ lâu luôn là trung tâm chiến lược cho các hoạt động hàng không quân sự của Mỹ. Ảnh: Wheelchair Travel.
Nguyệt Quỳnh