Tài chính

Vietjet vay thêm 4.000 tỷ đồng mở rộng đội bay, chi phí lãi vay tăng cao

An Huy 02/08/2024 06:02

Vietjet Air vừa công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm ấn tượng. Tuy nhiên, việc tăng vay nợ đẩy tỷ lệ Nợ/Vốn (D/E) của Vietjet lên 2 lần, làm tăng chi phí lãi vay của hãng.

Báo cáo cho thấy trong 6 tháng đầu năm, hoạt động khai thác của hãng đã cao hơn 2019, giai đoạn trước dịch Covid-19. Riêng doanh thu vận tải hàng không đạt 32.893 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ.

Lũy kế từ đầu năm, Vietjet đạt doanh thu hợp nhất hơn 34.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.174 tỷ đồng. Nhu cầu đi lại tăng cao dịp Tết Nguyên đán và cận hè kết hợp với tình trạng giá vé máy bay trong nước neo ở mức cao đã thúc đẩy doanh thu nội địa của Vietjet Air.

opensky_z62_7877.jpg
Tàu bay của Vietjet hạ cánh tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: Thắng Nguyễn.

Cụ thể, Vietjet đã vận chuyển 13,1 triệu khách, khai thác 70.154 chuyến bay trong 6 tháng đầu năm, tăng lần lượt 11% và 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng khách quốc tế là 5,5 triệu lượt, tăng 37% so với cùng kỳ nhờ việc tăng tốc bay quốc tế (111 đường bay so với con số 85 cùng kỳ năm ngoái).

Trước đó, theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, Vietjet chiếm 44% thị phần nội địa và 24,5% thị phần vận chuyển khách quốc tế.

Ngoài ra doanh thu phụ trợ và hàng hóa của hãng tăng trưởng 27%, đạt hơn 11.400 tỷ đồng, đóng góp 37% vào tổng doanh thu của Vietjet trong 6 tháng đầu năm.

Việc thúc đẩy tăng trưởng doanh thu hàng hóa và phụ trợ, vốn có tỷ suất lợi nhuận cao, đã đóng góp vào tăng trưởng lợi nhuận chung của hãng. Trong khi việc tối ưu hóa đội tàu và khai thác mạng bay quốc tế giúp thúc đẩy doanh thu.

Đặc biệt, giá nhiên liệu bay có xu hướng đi xuống từ giữa năm 2022 đang hỗ trợ các hãng bay tăng tỷ suất lợi nhuận. Sau khi đạt đỉnh 180 USD/thùng vào tháng 6/2022, giá nhiên liệu Jet A1 hiện dao động quanh mức 100 USD/thùng.

Để phục vụ cho việc mở rộng đội bay, trong 6 tháng đầu năm, Vietjet đã tăng vay nợ ròng thêm khoảng 4.000 tỷ đồng, bao gồm các khoản vay ngắn hạn được cung cấp bởi MSB, VIB, VietinBank và 1.300 tỷ đồng trái phiếu kỳ 60 tháng.

Việc tăng vay nợ đẩy tỷ lệ Nợ/Vốn (D/E) của Vietjet lên 2 lần và tăng chi phí lãi vay của hãng. Tỷ lệ đòn bẩy D/E cao làm tăng chi phí lãi vay và ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong nửa đầu năm nay, chi phí lãi vay của Vietjet tăng lên 1.206 tỷ đồng, cao hơn 56% so với 769 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Phần lớn số tiền vay thêm được hãng bổ sung vào các khoản đặt cọc mua tàu bay phải nhận trong vòng 12 tháng tiếp theo. Đến cuối tháng 3, Vietjet có 89 tàu bay và các đơn hàng mua 406 tàu bay mới các loại từ Boeing và Airbus.

Một số tàu bay A321neo của Vietjet phải dừng khai thác từ đầu năm để khắc phục lỗi động cơ Pratt & Whitney (PW) nhưng trong năm nay, hãng không có kế hoạch nhận thêm tàu bay mới. Việc tăng các khoản đặt cọc theo lộ trình của các hợp đồng thuê/mua để hãng nhận tàu mới vào đầu năm 2025.

Mới đây, tại triển lãm hàng không quốc tế Farnborough diễn ra tại Anh, Vietjet và Airbus ký hợp đồng đặt mua 20 máy bay thân rộng thế hệ mới A330neo (A330-900) với tổng trị giá 7,4 tỷ USD.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Vietjet, cho biết tàu bay A330neo bổ sung chiến lược phát triển đội bay và mạng bay toàn cầu của hãng, đồng thời nằm trong chiến lược phát triển bền vững của Vietjet với các mục tiêu ESG, giảm phát thải ròng về 0 (Net-Zero) vào năm 2050.

Việc tăng nợ vay nhằm mở rộng đội tàu bay, tăng công suất chuyến bay trong bối cảnh thế giới dần hồi phục sẽ là cơ hội cho Vietjet cải thiện kết quả kinh doanh, nhưng cũng là con dao hai lưỡi nếu hoạt động kinh doanh không đạt kết quả tốt.

Bên cạnh khoảng 11.000 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn, Vietjet sẽ phải đáo hạn 5.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm nay. Còn lại 15.300 tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn chủ yếu trong năm 2026 và 2028.

An Huy