10 tháp kiểm soát không lưu cao nhất thế giới
Tháp kiểm soát không lưu (ATC) là thành phần thiết yếu của ngành hàng không, góp phần định tuyến an toàn và tin cậy cho các chuyến bay.
Tháp ATC đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động an toàn và hiệu quả của giao thông hàng không trong một khu vực cụ thể.
Các tòa tháp ATC thường được sử dụng làm điểm nhấn về kiến trúc, mang lại bản sắc cho các sân bay nơi chúng tọa lạc.
Một số tòa tháp ATC mang tính biểu tượng bao gồm tháp hình elip lấy cảm hứng từ hoa tulip của sân bay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), tháp hình xoắn ốc của sân bay Edinburgh (Scotland, Vương quốc Anh) và tháp ATC 'nghiêng' của sân bay quốc tế Vienna (Áo).
10. Sân bay quốc tế Cairo, Ai Cập
Sân bay quốc tế Cairo là sân bay lớn nhất và bận rộn nhất ở Ai Cập. Là trung tâm chính của hãng hàng không Egyptair và Nile Air, sân bay quốc tế Cairo đã đón 26 triệu hành khách vào năm 2023, với tổng số 198.000 chuyến bay.
Sân bay có tháp ATC cao 110 m, cao nhất châu Phi. Cabin của tháp điều khiển có diện tích khoảng 85 m2 và khu vực dịch vụ kỹ thuật có diện tích 3.000 m2.
Được đưa vào vận hành vào năm 2010, tòa tháp trị giá 40 triệu USD được xây dựng để phục vụ đường cất hạ cánh thứ ba song song với hai đường băng trước đó.
9. Sân bay quốc tế Bạch Vân Quảng Châu, Trung Quốc
Sân bay quốc tế Bạch Vân Quảng Châu được mở cửa vào năm 2004. Sân bay này là trung tâm chính của China Southern Airlines, phục vụ hơn 63 triệu hành khách và 38.778 lượt máy bay vào năm 2023.
Với độ cao 110 m, tháp ATC tại Bạch Vân Quảng Châu là tòa tháp không lưu cao thứ hai tại Trung Quốc. Tòa tháp này bao quát toàn bộ diện tích 15 km2 của sân bay phía nam nước này.
Tòa tháp được xây dựng với số vốn đầu tư 8,8 triệu USD và hoàn thành vào năm 2003, trước khi sân bay mở cửa vào tháng 8/2004.
8. Sân bay quốc tế Charlotte Douglas, Mỹ
Sân bay quốc tế Charlotte Douglas phục vụ mục đích thương mại và quân sự tại khu vực đô thị Charlotte ở Bắc Carolina, Mỹ. Được mở cửa vào năm 1935, sân bay đóng vai trò là sân bay trung tâm của hãng hàng không American Airlines. Cảng hàng không này đã phục vụ hơn 53,4 triệu hành khách vào năm 2023, với 505.589 lượt máy bay di chuyển.
Tháp ATC cao 112,8 m nằm ở phía nam nhà ga sân bay Charlotte Douglas. Vận hành từ 2022, tháp được trang bị nhiều hệ thống và công nghệ điều hành hàng không tiên tiến nhất hiện nay.
7. Sân bay quốc tế Vũ Hán Thiên Hà, Trung Quốc
Mở cửa vào năm 1995, sân bay quốc tế Vũ Hán Thiên Hà phục vụ thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Là sân bay bận rộn nhất ở miền Trung nước này, Vũ Hán Thiên Hà đã đón hơn 11,6 triệu hành khách vào năm 2022, với tổng cộng 115.062 lượt máy bay.
Tháp ATC mới cao 114,95 m được khánh thành cùng lúc với đường cất hạ cánh thứ 2 và nhà ga số 3 vào năm 2016. Tòa tháp 22 tầng tại Vũ Hán là tháp ATC cao nhất Trung Quốc, được thiết kế giống như một chiếc mũ miện phượng hoàng truyền thống.
6. Sân bay Haneda, Nhật Bản
Sân bay Haneda là một trong hai sân bay quốc tế phục vụ khu vực Tokyo. Được mở cửa lần đầu tiên vào năm 1931, sân bay này là trung tâm chính của hai hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản - Japan Airlines và All Nippon Airways. Hơn 64,2 triệu hành khách đã đi qua Haneda vào năm 2022.
Tháp ATC mới được mở cửa vào tháng 1/2010, cao 115,7 m cùng thời điểm sân bay xây dựng đường cất hạ cánh thứ tư dài 2.500 m. Tháp mới nằm ở vịnh Tokyo, cách tháp cũ 4 km.
Công trình trị giá 80 triệu USD này xây dựng theo công nghệ chống rung mới nhất để chống động đất và tránh bị lắc do gió mạnh.
5. Sân bay quốc tế Hartsfield-Jackson Atlanta, Mỹ
Sân bay quốc tế Hartsfield-Jackson Atlanta là sân bay bận rộn nhất thế giới, cũng là nơi có tòa tháp ATC cao nhất Bắc Mỹ. Sân bay này đón khoảng 104,7 triệu hành khách vào năm 2023, với 775.818 lượt máy bay.
Tháp ATC mới có chiều cao 121,31 m được đưa vào sử dụng năm 2006. Tòa tháp cung cấp tầm nhìn rõ ràng ra 5 đường cất hạ cánh song song và toàn bộ sân bay. Tòa tháp được xây dựng với khoản đầu tư 44,2 triệu USD và có bãi đỗ xe đi kèm cùng các cơ sở hội họp.
4. Tháp Đông sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia
Sân bay quốc tế Kuala Lumpur mở cửa từ năm 1998, phục vụ khu vực đô thị xung quanh thủ đô của Malaysia. Đây là sân bay lớn nhất và bận rộn nhất cả nước, với 319.026 lượt máy bay và hơn 47,2 triệu lượt hành khách vào năm 2023.
Tháp ATC phía đông sân bay cao 130 m có hình dạng giống như ngọn đuốc Olympic, cho phép sân bay xử lý 120 chuyến bay mỗi giờ. Toàn bộ hai đường cất hạ cánh song song dài hơn 4.000 m, có thể nhìn thấy từ phòng quan sát của tháp ATC.
3. Sân bay Suvarnabhumi, Thái Lan
Mở cửa vào năm 2006, sân bay Suvarnabhumi là sân bay quốc tế chính phục vụ thủ đô Thái Lan. Đây là một trong những sân bay quốc tế lớn nhất Đông Nam Á và là một trung tâm vận tải hàng không lớn của khu vực.
Sân bay đã ghi nhận khoảng 51,7 triệu hành khách và 307.505 lượt máy bay , cũng như vận chuyển hơn 1,1 triệu tấn hàng hóa vào năm 2023.
Tháp ATC của sân bay có chiều cao 132,2 m và cho phép quan sát toàn bộ diện tích 32,4 km2 của sân bay. Quá trình xây dựng tòa tháp hoàn thành vào năm 2005 với khoản đầu tư 18 triệu USD.
2. Tháp Tây sân bay Quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia
Sân bay quốc tế Kuala Lumpur Là sân bay duy nhất có mặt hai lần trong danh sách này. Tháp Tây của sân bay cao hơn một chút so với tháp Đông, với chiều cao là 133,8 m.
Hoàn thành vào năm 2013 với chi phí 11,6 triệu USD, tháp Tây có 33 tầng và một mái nhà nơi đặt radar kiểm soát mặt đất.
Tháp Tây giám sát hoạt động không lưu cho nhà ga số 2 và đường cất hạ cánh số 3 của sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Tháp này cũng đóng vai trò là tháp dự phòng trong trường hợp khẩn cấp tại tháp Đông.
1. Sân bay quốc tế King Abdulaziz, Saudi Arabia
Mở cửa vào năm 1981, sân bay quốc tế King Abdulaziz là sân bay bận rộn nhất Saudi Arabia. Đây là trung tâm chính của hãng hàng không quốc gia Saudia và là cửa ngõ của đất nước Trung Đông này. Sân bay đã đón hơn 42,7 triệu du khách vào năm 2023, với 250.000 lượt máy bay.
Tòa tháp ATC mới cao 136 m được hoàn thành vào năm 2017 cùng với một nhà ga hành khách mới tại sân bay quốc tế King Abdulaziz. Đây là một phần của dự án tái phát triển dài hạn trị giá 7,2 tỷ USD, khởi động từ năm 2001.