Cách phi công nhận biết các loại mây
Nếu không làm trong ngành khí tượng, ít người biết được sự khác biệt giữa các đám mây. Nhưng với phi công đây là một kiến thức quan trọng để điều khiển các chuyến bay.
Luke Howard, một doanh nhân và nhà khoa học người Anh, đã phát triển hệ thống đặt tên cho mây vào năm 1802. Hệ thống này phân loại mây theo độ cao so với mặt đất và liệu chúng thường phẳng, gồ ghề hay chồng chất.
Hệ thống đặt tên mây của Howard đã chỉ ra mây không phải là tập hợp ngẫu nhiên các giọt nước, mà là một phần của một hệ thống khí hậu phức tạp.
Việc hiểu tên mây và liên kết chúng với những gì nhìn thấy trên bầu trời sẽ giúp hành khách hình dung tốt hơn về chuyến bay khi nhìn ra cửa sổ tàu bay.
Phân loại mây
Mây“stratus (tầng) có xu hướng hình thành khi một khối không khí lớn bốc lên với tốc độ gần giống nhau để bao phủ một phần lớn bầu trời hoặc toàn bộ bầu trời. Mây stratus thường phẳng và mỏng.
Mây cumulus (tích) hình thành khi hơi nước bốc lên trong khi khối khí mang hơi nước khác đang chìm xuống. Đáy của mây cumulus thường phẳng, đỉnh có thể nhô lên như lâu đài trên bầu trời. Giữa các đám mây thường có khoảng trống.
Những đám mây ở độ cao hơn 6.000 m được gọi là cirrus hoặc có tên bắt đầu bằng cirro. Vì chúng rất cao nên chủ yếu được tạo thành từ các tinh thể băng.
Mây cirrus có những dải tuyết rơi từ chúng (thường được gọi là đuôi ngựa) sau đó nhanh chóng bốc hơi. Một số lớp mây cao kết cấu chắc chắn được gọi là mây cirrostratus, trong khi những đám mây có cục là mây cirrocumulus.
Mặc dù những đám mây này không ảnh hưởng trực tiếp đến hầu hết các phi công, chúng có thể là rìa trước của những đám mây được tạo ra bởi một cơn bão đang đến gần.
Các đám mây ở độ cao khoảng 2.000-6.000 m so với mực nước biển được xếp ở tầng mây giữa có tên bắt đầu bằng chữ alto, chẳng hạn như altostratus và altocumulus.
Các đám mây tầng thấp ở dưới 2.000 m không có tiền tố chỉ độ cao của chúng. Nếu chúng tụ hợp là mây cumulus. Nếu chúng phân tán là mây stratus, chẳng hạn như nimbostratus trong đó nimbo có nghĩa là mưa hoặc tuyết rơi.
Nếu đưa tay lên bầu trời, ngón út che một cục, thì đó là mây cirrocumulus; ngón tay cái che một cục đó là mây altocumulus; khi cần nắm tay để che một cục đó là mây stratocumulus.
Thấy gì từ các đám mây
Nắm được cách hình thành của các đám mây giúp phi công hiểu cách chúng có thể ảnh hưởng đến chuyến bay.
Mây được tạo thành từ những giọt nước nhỏ hoặc các tinh thể băng nhỏ rơi xuống liên tục. Để một đám mây tập hợp với nhau và giữ độ cao trên bầu trời, không khí phải bốc lên bằng tốc độ giọt nước hoặc tinh thể băng rơi xuống, tùy thuộc vào kích thước và trọng lượng của chúng.
Trong một cơn giông mạnh, không khí có thể bốc lên với tốc độ 160 km/h. Trong một đám mây stratus thông thường, không khí bốc lên chỉ vài chục cm/h. Tốc độ rơi giọt mưa nhỏ khoảng 7 km/h, giọt mưa lớn khoảng 32 km/h, mưa đá khoảng 160 km/h.
Màu mây
Các giọt nước và tinh thể băng tạo nên mây đủ lớn để phân tán tất cả các bước sóng ánh sáng mặt trời. Đó là lý do tại sao đỉnh mây và các mặt của chúng hướng về phía mặt trời có màu trắng. Trừ trường hợp bình minh hoặc hoàng hôn, khi ánh sáng đi qua bầu khí quyển quá xa khiến tất cả các màu khác đều bị phân tán, chỉ còn lại màu đỏ và cam.
Nếu một đám mây đủ mỏng, đáy của nó cũng có thể có màu trắng. Chỉ có một lượng nhỏ ánh sáng đi qua được những đám mây dày vì vậy đáy của chúng có màu tối.