CEO Lương Hoài Nam: Xăng dầu hàng không đang bị thả nổi
Xăng dầu hàng không cũng cần có cơ chế quản lý giá, bình ổn giá như xăng dầu dân dụng.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả, ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Bamboo Airways, nhận xét cách tiếp cận giữa xăng dầu dân dụng bình thường và xăng dầu hàng không ở nước ta chưa có sự hợp lý.
Theo đó, CEO Bamboo Airways chỉ ra tất cả các loại xăng dầu sản xuất đều được bình ổn giá, đầu ra được thả nổi theo cơ chế thị trường, theo cung cầu, theo cạnh tranh.
Còn xăng dầu hàng không lại được thả nổi, là đối tượng bình ổn giá theo cơ chế giá trần. Cụ thể, những quy định về quản lý giá, bình ổn giá chỉ đang áp dụng cho các loại xăng dầu phi hàng không như 95, 92, dầu diesel.
Nhóm này có hàng chục doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối, hệ thống bán lẻ rất đồ sộ và phức tạp, tính hành chính nhiều, tính thị trường ít.
Trong khi đó, xăng dầu hàng không chỉ có 2 nhà cung cấp thì Nhà nước thả nổi hoàn toàn, không quản lý giá. Bộ Tài chính chỉ quản lý một phần nhỏ về phí.
Ông Nam cho rằng đây là một nghịch lý, cần sửa đổi về quản lý giá xăng dầu theo quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công thương để có sự hợp lý trong tiếp cận xăng dầu dân dụng và xăng dầu hàng không.
Đối với hàng không, chi phí xăng dầu đang là cao nhất. Đặc biệt với đường bay nội địa, chi phí này cao hơn so với các chi phí còn lại. Đây là khó khăn đối với các doanh nghiệp hàng không và cũng là nghịch lý thứ 2 trong việc quản lý giá.
Cụ thể, Nhà nước đang thả nổi chi phí, giá nhiên liệu đầu vào, không theo phụ thu nhiên liệu và áp thuế nhập khẩu 7%. Trong khi đó, bay quốc tế thì không áp giá trần, không phải trả thuế nhập khẩu.
Ngoài ra, còn cần có công cụ để bình ổn giá xăng dầu. Theo vị CEO thì công cụ này phải là công cụ thị trường, chỉ khi hết công cụ thị trường mới áp dụng công cụ hành chính.
Tuy nhiên, ở Việt Nam điều này còn khá bất cập khi công cụ thị trường về xăng dầu chủ yếu là công cụ phái sinh. Nhưng hiện nay, hệ thống quản lý, cách hiểu về phái sinh của xăng dầu nước ta còn chưa đúng.
"Chúng ta hiểu chưa đúng về phái sinh, hạch toán về phái sinh cũng chưa rõ, tạo ra nhiều rủi ro đối với các doanh nghiệp", ông Nam nói.
Phái sinh là công cụ rất lớn, muốn sử dụng công cụ này để bình ổn giá thì phải hiểu và hạch toán cho đúng, đồng thời đối xử với các doanh nghiệp áp dụng công cụ này cho đúng thì mới khả thi.
Trong kinh doanh tài chính, phái sinh mà doanh nghiệp dùng có thể lỗ hoặc lãi. Cách sử dụng phái sinh là hạch toán gộp trong chi phí xăng dầu của doanh nghiệp, phái sinh là để bình ổn chi phí xăng dầu.
Điều này có nghĩa là hạch toán gộp trong chi phí xăng dầu của doanh nghiệp, không thể tính riêng như một kinh doanh bình thường.
“Bất kỳ doanh nghiệp nào sau khi thực hiện xong giao dịch phái sinh thì luôn mong giá xăng dầu giảm và chấp nhận chịu lỗ từ giao dịch phái sinh này để có lãi từ 70% xăng dầu thả nổi", ông Nam dẫn chứng.
Tuy nhiên, theo cách hiểu về phái sinh hiện nay dễ khiến các doanh nghiệp bị quy trách nhiệm do phái sinh bị lỗ, dù giao dịch phái sinh lỗ là diễn biến có lợi cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc Bamboo Airways cũng bày tỏ mong muốn đưa những nội hàm về quản lý giá xăng dầu hàng không trong nghị định mới thay thế cho Nghị định 83 hiện nay.
Điều này bảo đảm sự nhất quán trong cách quản lý và tiếp cận đối với các loại xăng dầu, trong đó có xăng dầu hàng không.
Việc đưa đủ nội hàm, quy định và cách hiểu cho các sản phẩm phái sinh về xăng dầu cũng giúp các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đến các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu có nền tảng pháp lý rõ ràng, đặc biệt an toàn để sử dụng các nghiệp vụ phái sinh cho việc bình ổn chi phí hoạt động của mình.
Từ đó, tránh được những rủi ro không đáng có với doanh nghiệp và các nhà quản lý, điều hành doanh nghiệp.