'Thay da đổi thịt' cho cửa hàng miễn thuế sân bay
Đặt lên bàn cân so sánh với các quốc gia khác trong khu vực, cửa hàng miễn thuế tại sân bay Việt Nam còn khá tụt hậu.
Chia sẻ với OpenSky, tiến sĩ Hyejin Park, giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam, nhận định TP.HCM vẫn chưa được định vị là điểm đến mua sắm hàng đầu, ngay cả ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, thành phố hoàn toàn có tiềm năng để đạt được vị thế này.
Đáng chú ý, bà Hyejin cho rằng hiện nay, trải nghiệm mua sắm miễn thuế tại TP.HCM, nhất là tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, đang tụt hậu so với các điểm đến khác ở Đông Nam Á như Thái Lan và Singapore.
"Gà đẻ trứng vàng" bị bỏ quên
Theo các chuyên gia, cửa hàng miễn thuế có thể tạo ra doanh thu đáng kể cho các sân bay và ngành du lịch nói chung. Đơn cử như sân bay Changi (Singapore), phần lớn doanh thu của họ không đến từ hoạt động đón hành khách mà từ các hoạt động thương mại.
Tại sân bay, những cửa hàng này đóng vai trò như một điểm thu hút bổ sung, khuyến khích khách du lịch dành nhiều thời gian và tiền bạc hơn tại điểm đến.
Từ đó, dịch vụ này làm tăng sự hài lòng của du khách và khả năng số lần ghé thăm lặp lại sẽ cao hơn, thúc đẩy doanh số bán hàng cho địa phương.
Bên cạnh đó, cửa hàng miễn thuế cung cấp sản phẩm không bị đánh thuế phí địa phương, giúp du khách tiết kiệm đáng kể cho việc mua sắm, làm hoạt động này trở nên hấp dẫn hơn.
Điều này diễn ra tương tự với các cửa hàng miễn thuế tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Việc thành lập và mở rộng các cửa hàng miễn thuế tại đây đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao trải nghiệm du lịch tổng thể ở thành phố.
Cửa hàng miễn thuế ở sân bay có thể đóng vai trò như một điểm thu hút, khuyến khích du khách chi nhiều tiền và thời gian hơn tại điểm đến.
TS Hyejin Park, giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn, ĐH RMIT Việt Nam
Ngoài ra, các sân bay với đa dạng sản phẩm miễn thuế có lợi thế cạnh tranh hơn so với những sân bay khác.
Nhiều cửa hàng miễn thuế chọn cung cấp các sản phẩm độc quyền nhằm thu hút nhóm khách du lịch đang tìm kiếm những món đồ độc đáo hoặc sang trọng, từ đó thúc đẩy nhu cầu chi tiêu, mua sắm.
Theo nghiên cứu trong nhiều thập kỷ, mua sắm là một trong những khoản chi tiêu chính của du khách, thường chiếm phần lớn trong ngân sách du lịch.
Khoản chi này cũng hỗ trợ nền kinh tế địa phương và tạo ra doanh thu đáng kể cho các nhà bán lẻ và nhà cung cấp dịch vụ. Tất cả các bên liên quan trong ngành du lịch nên hiểu việc mua sắm có tác động đáng kể đến ngành.
Chính vì vậy, TS Hyejin đánh giá trải nghiệm mua sắm tại các cửa hàng miễn thuế có thể nâng cao sức hấp dẫn của sân bay, giúp tăng lưu lượng hành khách và các lợi ích kinh tế liên quan.
Tuy nhiên, các cửa hàng miễn thuế tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Cụ thể, các cửa hàng ở đây có diện tích tương đối nhỏ so với các cửa hàng ở các sân bay lớn khác ở Đông Nam Á. Trong khi đó, lưu lượng hành khách cao thường dẫn đến cảnh mua sắm đông đúc. Hai yếu tố này có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách.
Nhiều vấn đề cần giải quyết
Cho đến nay, việc kinh doanh dịch vụ mua sắm miễn thuế tại các cảng hàng không ở Việt Nam chưa được quan tâm và phát triển đầy đủ.
Tuy nhiên, với sự đầu tư, hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp tư nhân, TS Matt Kim, giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam, tin rằng các cơ sở mua sắm miễn thuế tại sân bay Việt Nam hoàn toàn có thể được mở rộng và hiện đại hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.
Nhận xét về hoạt động kinh doanh miễn thuế tại các sân bay Việt Nam hiện nay, ông Matt cho rằng giá cả và sự đa dạng của sản phẩm tại các cửa hàng miễn thuế tại sân bay Việt Nam đều đang không thu hút được khách du lịch.
Theo đó, khi du khách khám phá các cửa hàng miễn thuế, họ sẽ nghiên cứu giá của những mặt hàng họ quan tâm và so sánh chúng với các cửa hàng miễn thuế ở các quốc gia khác. Giá cả đắt đỏ không đủ hấp dẫn khách du lịch.
Du khách cũng mong muốn tìm được những mặt hàng hoàn toàn mới trong các cửa hàng miễn thuế thay vì các sản phẩm lỗi thời. Yếu tố này cũng quyết định đến việc họ có rút hầu bao không.
Ngoài ra, chất lượng tổng thể của cửa hàng mua sắm miễn thuế cũng cần phải cải thiện. Ngay cả khi mua những món đồ nhỏ, rẻ tiền, du khách vẫn muốn tận hưởng một không gian mua sắm dễ chịu, rộng rãi.
Các cơ sở mua sắm miễn thuế tại sân bay Việt Nam hoàn toàn có thể được mở rộng và hiện đại hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.
TS Matt Kim, Giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn, ĐH RMIT Việt Nam
Như ở Singapore, quốc gia này định vị là điểm mua sắm, bán lẻ toàn cầu. Trong đó, mua sắm miễn thuế được tập trung phát triển nhằm tăng trải nghiệm cho khách du lịch. Riêng tại sân bay Changi, có hơn 550 cửa hàng ăn uống, bán lẻ, cửa hàng miễn thuế tại 4 nhà ga và khu phức hợp Jewel.
Trong năm nay, sân bay này tiếp tục cung cấp các trải nghiệm mua sắm mới, nhằm tăng nhu cầu của du khách. Có thể kể đến là dịch vụ người mua hộ iShop Changi. Khách có thể chọn sản phẩm cần mua qua ứng dụng trực tuyến, sau đó nhân viên mua hộ sẽ lấy hàng và giao tận tay trước khi khách lên máy bay.
Theo TS Matt, du khách có thể dễ dàng so sánh và lựa chọn nơi tiêu tiền. Chính vì vậy, muốn thành công trong kinh doanh mua sắm miễn thuế, cả dịch vụ và môi trường đều phải vượt trội hơn so với các sân bay ở các quốc gia khác.
Với trường hợp các cửa hàng miễn thuế trong sân bay Việt Nam, vị tiến sĩ cho rằng vấn đề đầu tiên cần cải thiện là cơ sở hạ tầng. Khi cải tạo cơ sở hạ tầng sẽ có thêm không gian mua sắm mới, kích thích nhu cầu của du khách.
Ngoài ra, chất lượng dịch vụ của các cơ sở này cũng là vấn đề cần được quan tâm. Giải quyết được cả về quy mô và chất lượng sẽ giúp nâng cao đáng kể trải nghiệm mua sắm của khách du lịch quốc tế.
Tuy nhiên, để giải quyết triệt để những hạn chế hiện tại của các cửa hàng miễn thuế tại sân bay sẽ cần đầu tư thời gian và tài chính đáng kể.
Do đó, việc thành lập các cửa hàng miễn thuế ở trung tâm thành phố có thể là giải pháp thay thế hiệu quả hơn để giải quyết và thu hút nhiều khách du lịch quốc tế hơn.
Các cửa hàng miễn thuế ở trung tâm thành phố đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích khách du lịch quốc tế tăng cường chi tiêu.
Những cửa hàng này vừa mang lại sự tiện lợi, vừa dễ tiếp cận, đồng thời cho phép du khách mua sắm mà không bị hạn chế về thời gian và áp lực thường gặp như với các cửa hàng miễn thuế ở sân bay.
Chiến lược này biến việc mua sắm tại cửa hàng miễn thuế thành
một hoạt động không thể bỏ qua trong thời gian lưu trú của du khách.