Chuyên gia cứu hộ hàng không kể chuyện nghề

Đình Kiên, Thu Trang 31/07/2024 07:06

9 năm, 23 quốc gia là hành trình đào tạo hơn 10.000 lính cứu hoả và cứu hộ hàng không (Aircraft Rescue & Fire Fighting ARFF) của Peter McMahon.

Nhân viên ARFF phải vượt qua các bài kiểm tra nghiêm ngặt về diễn tập.
Nhân viên ARFF phải vượt qua các bài kiểm tra nghiêm ngặt về diễn tập.

Ngay từ khi còn nhỏ, Peter McMahon (Australia) đã ấp ủ trở thành lính cứu hỏa và yêu thích tàu bay.

"Tôi có một bức ảnh cũ lúc 5 tuổi chụp hình với chiếc mũ đội trưởng đội cứu hỏa dịp Giáng sinh. Hồi bé, tôi thường được bố đưa đến gần sân bay để xem tàu bay hạ và cất cánh. Cho đến bây giờ, mỗi khi ngửi thấy mùi nhiên liệu máy bay, ký ức về những ngày thơ ấu lại ùa về", Peter chia sẻ với OpenSky.

z5669337818218_9c4ffaa51ccee7057655c50a17beda02.jpg
Peter bắt đầu công việc đào tạo lính cứu hoả và cứu hộ hàng không (ARFF) từ năm 2015.

Hiện tại, Peter giữ chức vụ Giám đốc Điều hành Aviation Rescue Services tại Australia, Giám đốc ARFF Working Group tại Mỹ, Giám đốc Hiệp hội phòng cháy chữa cháy hàng không quốc tế (International Aviation Fire Protection Association - IAFPA) và phụ trách mảng đào tạo tại National Fire Protection Association (NFPA, Mỹ).

Ở Australia, cứu hỏa là một nghề được coi trọng và cạnh tranh gay gắt. Công việc này được đào tạo chuyên sâu và yêu cầu kỹ năng cao. Do đó, hành trình hiện thực hoá ước mơ của Peter trải qua nhiều thách thức.

đầu vào khắc nghiệt

So với lính cứu hỏa thông thường, nhân viên ARFF được đào tạo thêm chuyên môn về xử lý sự cố tàu bay và tham gia đào tạo thường xuyên hơn. Điều này nhằm đảm bảo rằng họ luôn sẵn sàng ứng phó với sự cố tồi tệ nhất: Tai nạn tàu bay.

Khi xảy ra tai nạn tàu bay, tiếng chuông sẽ vang lên ở trạm cứu hỏa. Chỉ trong 3 phút, lính cứu hỏa ngay lập tức ngừng công việc hiện tại, mặc đồ bảo hộ, lái xe đến hiện trường và bắt đầu phun bọt chữa cháy.

"Thời gian phản hồi 3 phút là quy định quốc tế, nhiều quốc gia hiện nay còn áp dụng tiêu chuẩn 2 phút”, Peter chia sẻ.

z5669337850740_e73c7797d2dbc7f00610df4f97f2a794.jpg
Peter huấn luyện chữa cháy và cứu nạn hàng không ở Vũ Hán (Trung Quốc).

Từng tham gia xử lý hơn 1.000 sự cố y tế, 1.000 sự cố hỏa hoạn, xử lý hàng loạt trường hợp cứu nạn khác như cháy tòa nhà, cháy rừng, cháy động cơ máy bay, đe dọa đánh bom, sự cố hóa chất, tràn nhiên liệu… theo Peter, an toàn luôn là yếu tố ưu tiên hàng đầu.

"Tài sản, môi trường và hoạt động kinh doanh cũng quan trọng nhưng chỉ xếp sau tính mạng con người. Đầu tiên là mạng sống bản thân và các thành viên trong đội, sau đó là ưu tiên cho mạng sống của những người gặp nạn", anh cho hay.

Để có chứng chỉ hành nghề, Peter phải trải qua giai đoạn tuyển chọn và đào tạo nghiêm ngặt. Trong đó, chương trình đầu vào là khoá huấn luyện cơ bản nhưng lại là quãng thời gian thách thức nhất.

Thực tế, sự cố liên quan tàu bay rất hiếm xảy ra. Do đó, nhân viên ARFF có nhiệm vụ xử lý nhiều hoạt động không liên quan đến chữa cháy trực tiếp như sơ cứu, báo cháy, xử lý khói trong cabin… Với khóa đào tạo toàn thời gian 20 tuần, ngoài lý thuyết, học viên được hoạt động nhóm và diễn tập cường độ cao các trường hợp có thể xảy ra khi máy bay gặp nạn.

"Lính cứu hỏa tân binh có thể bị loại nếu không đạt yêu cầu. Quá trình đào tạo được tổ chức rất chặt chẽ, tuân theo chương trình giảng dạy nghiêm ngặt được công nhận trên toàn quốc", Peter kể.

Ngoài ra, nhân viên ARFF phải vượt qua các bài kiểm tra nghiêm ngặt về thể chất, tâm lý và y tế trước khi được chọn. Họ cũng phải vượt qua các bài kiểm tra thể lực và y tế định kỳ trong suốt thời gian làm việc. Lính cứu hỏa phải duy trì mức độ thể lực cao, tinh thần minh mẫn và có sức khỏe tổng quát tốt.

Về đánh giá thể chất, bao gồm kiểm tra tim mạch, sức bền cơ bắp, sự nhanh nhẹn, linh hoạt, khả năng giữ thăng bằng… họ còn được kiểm tra đánh giá tâm lý, bao gồm khả năng đối phó trong các tình huống căng thẳng cao, kiểm tra đánh giá y tế về các vấn đề sinh lý như thị lực, thính giác… Bên cạnh đó, nhân viên ARFF cũng trải qua một loạt các bài kiểm tra năng lực tư duy.

trau dồi mỗi ngày

Sau nhiều năm làm việc trong ngành, thực hiện các nhiệm vụ cứu trợ và cứu hỏa hàng không ở nhiều nơi trên thế giới, Peter nhận thấy nhu cầu đào tạo nhân lực ARFF ngày càng lớn, đặc biệt tại các quốc gia chưa phát triển. Các nước này có rủi ro về sự cố máy bay lớn, nhưng lại không đủ nguồn lực để thực hiện đào tạo chất lượng cao.

Với mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm, trải nghiệm quý báu của mình, vào năm 2015, anh quyết định chuyển hướng trở thành người đào tạo nhân sự ARFF toàn thời gian.

"Mỗi lần kết thúc chương trình đào tạo tại mỗi quốc gia, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì chứng kiến sự nâng cao về kiến thức và kỹ năng của các học viên", Peter bày tỏ.

z5669337801239_bb7111f8011e6df3c747d57a69efddb6.jpg
An toàn là yếu tố ưu tiên hàng đầu trong quá trình cứu trợ.

Chữa cháy vốn là công việc nguy hiểm. Nhiều lính cứu hỏa, bao gồm cả lính cứu hỏa ARFF, đã hy sinh khi làm nhiệm vụ trên khắp thế giới.

Do đó, việc đào tạo rất quan trọng. Nhân sự ARFF cần được trang bị đầy đủ các nguyên tắc để ứng biến trước mọi sự cố, hơn hết là tư duy tập trung vào an toàn.

Trong quá trình đào tạo, Peter luôn tạo những tình huống thực tế nhất có thể. Khi huấn luyện, mọi người có thể chủ động đánh giá rủi ro và dựng hiện trường một cách có kiểm soát. Tuy nhiên, các sự cố liên quan đến an toàn vẫn xảy ra và lính cứu hỏa có thể bị thương trong quá trình huấn luyện.

Hiện, Peter đã ký hợp đồng đào tạo lính cứu hỏa ARFF ở nhiều nước trên thế giới. Trong 9 năm qua, anh đào tạo hơn 10.000 lính cứu hỏa ở 23 quốc gia. Peter cũng quản lý dự án xây dựng một số trường huấn luyện cứu hỏa.

Không ngừng học tập và nghiên cứu là phương châm làm việc của Peter. Anh trau dồi kiến thức ngay cả trong những ngày nghỉ. Trước mỗi buổi đào tạo, Peter thường chuẩn bị kỹ nội dung vào đêm hôm trước. Vào ngày tập huấn, anh luôn đảm bảo rằng tâm trạng của mình tích cực nhất.

"Bất kể giảng dạy bao nhiêu lần hay ở đâu, tôi luôn đảm bảo rằng những người được tôi đào tạo vào ngày hôm đó sẽ nhận được những kiến thức tốt nhất từ ​​tôi", Peter chia sẻ.

Hiện nay, việc ứng dụng đào tạo dựa trên công nghệ mô phỏng như VR (thực tế ảo) hay AR (thực tế tăng cường) đang trở nên phổ biến và đóng góp vai trò quan trọng trong việc huấn luyện lính cứu hỏa. Tuy nhiên, Peter cho rằng quá trình đào tạo không nên dựa hoàn toàn vào công nghệ, mà cần sử dụng phương pháp kết hợp, bao gồm lý thuyết, hoạt động nhóm, thực hành và công nghệ nhập vai.

Mỗi quốc gia sẽ có các dịch vụ cứu trợ cứu hỏa khác nhau. Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố như thách thức về nguồn lực, các yếu tố kinh tế, bối cảnh lịch sử và văn hóa, sự khác biệt trong môi trường pháp lý, khả năng tiếp cận công nghệ và cơ sở hạ tầng, khả năng tiếp cận giáo dục và đào tạo chất lượng cao…

Đình Kiên, Thu Trang