Quân sự

'Lực sĩ' Hercules C-130 vẫn mạnh mẽ sau 70 năm hoạt động

Thắng Nguyễn 28/07/2024 07:35

Chương trình C-130 của Lockheed Martin chuẩn bị kỷ niệm 70 năm kể từ chuyến bay đầu tiên của nguyên mẫu đầu tiên.

Hercules C-130 ban đầu được thiết kế để đáp ứng các yêu cầu do Bộ tư lệnh Không quân Chiến thuật của Không quân Mỹ (USAF) đưa ra nhằm hỗ trợ các hoạt động trong chiến tranh Triều Tiên.

Hành trình 70 năm

Nguyên mẫu đầu tiên YC-130 cất cánh từ Burbank, California (Mỹ) đến căn cứ Không quân Edwards trong một tiếng đồng hồ vào ngày 23/8/1954. Kể từ đó, máy bay được sản xuất tại Marietta, Georgia (Mỹ).

Mẫu C-130A thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 7/4/1955 và được đưa vào sử dụng vào tháng 12/1956. Tổng cộng có 231 chiếc C-130A được giao. Từ tháng 11/1958, 230 chiếc phiên bản B được sản xuất khi hãng chế tạo Lockheed liên tục cải tiến khả năng của loại máy bay bốn động cơ này.

103697_yc130debutclockheedmartin_388918_crop.jpg
YC-130, nguyên mẫu đầu tiên của C-130. Ảnh: Lockheed Martin.

Gần 500 chiếc C-130E được xuất xưởng kể từ tháng 6/1961, trước khi công ty bàn giao 1.202 chiếc C-130H, biến thể thành công nhất của chương trình, từ tháng 3/1965.

Tổng cộng 2.154 máy bay đã được sản xuất theo những tiêu chuẩn cũ cho đến khi phiên bản C-130J ra đời. Dây chuyền lắp ráp vẫn được đặt tại Marietta. Lockheed Martin muốn biến C-130 trở thành máy bay quân sự được sản xuất liên tục và lâu dài nhất ngành vận tải quân sự.

C-130J được tung ra vào tháng 10/1995 và cất cánh lần đầu tiên ngày 5/4/1996. Máy bay trang bị động cơ turbine cánh quạt Rolls-Royce AE 2100D3 cung cấp công suất lớn hơn 30% so với Allison T56-A trước đó.

180912-f-fy748-715.jpg
Các máy bay C-130 đời cũ chỉ có 4 cánh quạt trong khi mẫu C-130J có tới 6 cánh quạt nhằm tối ưu lực đẩy. Ảnh: Lockheed Martin.

Theo thông số từ nhà sản xuất, C-130J có trần bay 8.000 m, mang theo khoảng 20,2 tấn hàng và tầm bay 4.425 km. C-130J được trang bị hệ thống điện tử hàng không kỹ thuật số, bao gồm cả màn hình hiển thị Head-Up (HUD) cho mỗi phi công. Để vận hành một chiếc C-130J cần kíp lái 3 người.

Khoang hàng hóa của C-130J dài khoảng 12,5 m, cao 2,74 m, rộng 3,05 m. C-130J có thể đủ chỗ cho 128 binh sĩ với trang bị vũ khí đầy đủ; 92 lính dù; 2-3 xe bọc thép Humvee hoặc một xe chiến đấu LAV 3, xe bọc thép M113.

usafsuperhercflyover.jpg.pc-adaptive.1280.medium.jpg
Không quân Mỹ đang sở hữ đội bay C-130 lớn nhất với gần 500 chiếc đang hoạt động. Ảnh: Lockheed Martin.

Ban đầu C-130J được gắn nhãn là Hercules II, nhưng sau đó được đặt tên là Super Hercules. Phiên bản mới được tung ra với chỉ một khách hàng được xác nhận là Không quân Hoàng gia Anh (RAF), với cam kết sản xuất 25 chiếc. RAF vận hành đội bay C-130J từ năm 1998 cho đến tận năm 2023.

Vào giữa tháng 6, Lockheed đã bàn giao máy bay thứ 2.700 của chương trình Hercules và là máy bay thứ 546 của biến thể C-130J. Trong suốt vòng đời của mình, Hercules đã được chuyển đổi thành hơn 70 biến thể, được sử dụng trong các vai trò từ tác chiến điện tử đến tìm kiếm và cứu nạn, hỗ trợ trên không, trực thăng chiến đấu, săn bão và thậm chí là tiếp tế ở Bắc Cực.

hc130j.jpg.pc-adaptive.1280.medium.jpg
Một chiếc máy bay cứu hộ của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ. Ảnh: Lockheed Martin.

Cho đến nay vẫn có 616 máy bay các phiên bản cũ còn hoạt động. Chiếc lâu đời nhất đã 67 năm tuổi, thuộc sở hữu của International Air Response (Mỹ). Một chiếc C-130B của không quân Thổ Nhĩ Kỳ 65 năm tuổi vẫn được sử dụng tích cực với một đơn vị điều hành quân sự.

Trong khi đó, khoảng 506 máy bay C-130J đang hoạt động, chiếm 45% tổng số đội bay đời mới. Các quốc gia sử dụng C-130 hàng đầu hiện nay là Mỹ, Arab Saudi, Canada, Indonesia, Iran và Ai Cập.

Định hướng cho tương lai

Hiện tại, Lockheed đang trên con đường giảm sản lượng hàng năm của C-130J từ 24 xuống còn 20 chiếc. Tuy nhiên, đại diện nhà sản xuất vẫn lạc quan về tương lai mẫu tàu bay này.

Larry Gallogly, Giám đốc Lockheed, cho biết nhu cầu còn rất lớn trên khắp châu Âu và châu Á về việc thay thế các đội bay vận tải hiện tại của họ bằng C-130J.

Sức mạnh của Super Hercules. Video: Lockheed Martin.

“Hoạt động sản xuất sẽ tiếp tục diễn ra vào cuối thập kỷ tới”, Gallogly cho biết. New Zealand, Philippines và một số nước vẫn đang đàm phán để mua C-130J.

Lockheed đang hy vọng Thụy Điển sẽ đưa ra quyết định vào cuối năm nay về việc thay thế đội bay C/KC-130H kỳ cựu của mình. Ngoài ra Phần Lan, cùng với Hy Lạp, cũng cũng đang cân nhắc việc thay thế đội vận tải hàng không chiến thuật của họ.

c-130_hercules_over_santa_cruz_island.jpg
C-130 vẫn là máy bay vận tải quân sự được không quân các nước ưa chuộng. Ảnh: Lockheed Martin.

Lockheed gần đây đã giao chiếc Hercules cuối cùng theo đơn đặt hàng sáu máy bay cho không quân Đức, nơi đã tiếp nhận ba máy bay theo tiêu chuẩn vận tải chiến thuật và máy bay tiếp dầu KC-130J.

Gallogly lưu ý rằng hiện 22 quốc gia đang sử dụng máy bay Hercules đời J, với đội bay toàn cầu đã tích lũy được gần 3 triệu giờ bay. Các đợt giao hàng đang được thực hiện theo tiêu chuẩn hoạt động block 8.1.

Với sự quan tâm của quân đội các nước, mẫu tàu bay này chắc chắn vẫn sẽ làm nhiệm vụ khi kỷ niệm 100 năm chuyến bay đầu tiên, Gallogly khẳng định.

Thắng Nguyễn