Rượu sake được 'nghe nhạc' ở Nhật
Loại nhạc phát ra từ chiếc loa bên dưới những bể rượu sake được cho là sẽ quyết định hương vị của chúng. Phương pháp mới lạ này giúp ngành sản xuất sake chống lại tác động của biến đổi khí hậu.
Tokyo Port Brewing là nhà máy sản xuất rượu sake duy nhất tại trung tâm Tokyo (Nhật Bản). Rượu sake tại nhà máy này "không chỉ sống mà còn đang lắng nghe" - ông Yoshimi Terasawa - Giám đốc nhà máy này, cho biết.
Theo đó, loại nhạc phát ra từ chiếc loa bên dưới những bể rượu sẽ quyết định hương vị của chúng. "Các vi sinh vật bên trong được kích hoạt bởi các rung động và mùi vị từ đó cũng thay đổi", ông Terasawa giải thích thêm.
Vi khuẩn trong bể rượu 670 lít sẽ cần hơn 2 tuần để chuyển hoá gạo và nước thành sake - loại đồ uống có cồn truyền thống của Nhật Bản.
Quá trình ủ rượu của nhà máy này bắt đầu trên ban công tầng 4, được thực hiện bởi ông Terasawa và một nhân viên hỗ trợ. Bước đầu, họ nấu chín cơm trong 70 phút. Sau đó, cơm được chuyển xuống các tầng dưới thông qua những ống dẫn ở trần và sàn nhà để lên men. Cuối cùng, chúng được đóng chai thành phẩm ở tầng trệt.
Nằm trong một tòa nhà 4 tầng nhỏ hẹp, nhà máy này vẫn sản xuất được 30.000 lít sake mỗi năm, tương đương khoảng 42.000 chai 720 ml.
Ông Terasawa, người có thâm niên 45 năm trong ngành, cho biết: "Sản xuất rượu sake ở quy mô nhỏ giúp việc duy trì các điều kiện môi trường dễ dàng và ổn định hơn".
Đây là một giải pháp hiệu quả giúp ngành sản xuất sake chống lại các tác động của biến đổi khí hậu nhờ vào việc sử dụng máy móc cải tiến và quy trình tiêu thụ ít năng lượng, cũng như sử dụng ít nhân công hơn so với các nhà máy rượu truyền thống ở vùng nông thôn.
Ngành sản xuất sake ở Nhật Bản đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm sự thay đổi thị hiếu người tiêu dùng và tình trạng già hóa dân số.
Số lượng nhà máy sake đã giảm xuống còn hơn 1.100 từ mức đỉnh điểm 3.229 nhà máy vào năm tài khóa 1975, với hơn một nửa trong số đó đang gặp khó khăn. Các nhà máy sake còn gặp nhiều thách thức bao gồm việc thiếu nhân lực, chi phí nguyên vật liệu tăng cao và gián đoạn nguồn cung gạo do hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Vì thế, mô hình nhà máy sản xuất rượu của Tokyo Port Brewing có thể là giải pháp cho những vấn đề này. Ông Terasawa tin rằng "Những nhà máy rượu nhỏ như thế này sẽ hữu ích trong tương lai".