Quân sự

Chiến đấu cơ thế hệ sáu Tempest nguy cơ trở thành 'thảm họa quốc phòng'

Thắng Nguyễn 27/07/2024 07:51

Lịch sử phát triển chiến đấu cơ chậm chạp của Anh khiến dự án Tempest vấp phải lo ngại về tính khả thi.

download (11)

Triển lãm Hàng không Quốc tế Farnborough 2024 (ngày 22-26/7), chứng kiến ba nước Anh, Italy và Nhật Bản công bố mẫu ý tưởng mới về máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu đa quốc gia của họ.

Thiết kế cập nhật có dạng hình tam giác thuần túy và sải cánh lớn hơn để tăng cường tính khí động học, The National Interest đưa tin.

Tempest (2)
Nguyên mẫu của chiến đấu cơ Tempest. Ảnh: The National Interest.

Dự án tham vọng

Máy bay chiến đấu mới tập trung vào yếu tố tốc độ, tầm bắn và tải trọng hơn vai trò không chiến truyền thống. Các kỹ sư từ BAE Systems, Leonardo và Mitsubishi Heavy Industries đang hợp tác phát triển chiếc máy bay này và dự kiến ​​đưa vào sử dụng vào giữa những năm 2030.

Chương trình nhằm mục đích tạo ra một máy bay chiến đấu tiên tiến, tương tác tốt với hệ thống vũ khí thông minh và radar thế hệ tiếp theo, có khả năng xử lý dữ liệu nhiều hơn 10.000 lần so với các hệ thống hiện tại.

image-1-tempest-fcas.jpg
Anh, Italy và Nhật Bản đang muốn tham gia cuộc chạy đua chiến đấu cơ thế hệ sáu cùng các cường quốc quân sự như Mỹ, Trung Quốc.

Mặc dù thiết kế của máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu đã thay đổi một số lần nhưng tiến trình vẫn không thay đổi. Các công ty cho biết máy bay vẫn đang trong lộ trình hoạt động vào khoảng năm 2035.

Tempest được khởi xướng để phát triển một loại máy bay thay thế cho Eurofighter Typhoon đang được vận hành bởi cả Không quân Hoàng gia Anh (RAF) và Không quân Italy, trong khi Nhật Bản muốn thay thế các máy bay chiến đấu F-2 cũ kỹ.

B58CDF67-B8DB-4CC3-9C407E1F98C91C92-F-35 enhanced Vigilance Activity_Original Image_m13817
Typhoon và F-35 đang là máy bay chiến đấu chủ lực của Không quân Anh và Italy. Ảnh: RAF.

Điều đáng chú ý là cả ba quốc gia trên đều sử dụng máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm Lockheed Martin F-35 Lightning II nhưng vẫn hướng tới một máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu.

Điềm báo từ tên gọi "bão tố"

Bình luận về dự án này trên The Telegraph, Lewis Page, cựu sĩ quan Hải quân Hoàng gia Anh, cho rằng tốt hơn hết là Chính phủ Anh nên hủy bỏ dự án này. Nếu dự án vẫn được tiếp tục, nó có nguy cơ trở thành một "thảm họa chi tiêu quốc phòng khổng lồ" và kéo dài khác giống như những phiên bản chiến đấu cơ trước mà nước này từng phát triển.

telemmglpict000000260128_17217372685250_trans_nvbqzqnjv4bqu4hj4aiigzy0tyjncl1chppwc13dmzcndjvaluv1jia.jpeg
Tornado được xem như một thất bại của nền công nghiệp quốc phòng Anh. Ảnh: The Telegraph.

Theo Lewis, “Tempest” (bão tố) chắc chắn là cái tên mang điềm xấu đối với những ai đã quen thuộc với lịch sử chế tạo máy bay chiến đấu của nước Anh. Vào những năm 1980, máy bay chiến đấu Tornado F2 (lốc xoáy) được chế tạo bởi công ty British Aerospace (BAe) hợp tác với Italy và Đức.

Đây là một trong những máy bay chiến đấu tồi tệ nhất từng được chế tạo. Nó thậm chí không có radar, phần chóp mũi sử dụng cả vật liệu xi măng. Chiếc Tornado F3 kế nhiệm có radar nhưng không hiệu quả khi chiến đấu. Dù được cải tiến nhiều lần, mẫu chiến đấu cơ này vẫn gặp phải hàng loạt vấn đề.

Đặc biệt, “lốc xoáy” không có khả năng đạt đến độ cao lớn ở chế độ bay thông thường. Muốn bay cao nó phải sử dụng chế độ đốt sau.

Máy bay tiếp nhiên liệu phải hạ độ cao mới có thể tiếp cận chiếc Tornado. Vì nếu bay ở tầm cao, chiến đấu cơ này sẽ đốt nhiêu liệu... nhanh hơn mức máy bay có thể nạp vào.

Sang những năm 1990, Eurofighter là máy bay được kỳ vọng thay thế Tornado. Tuy nhiên, cũng giống thế hệ trước, chương trình Eurofighter là "cơn đau đầu" với sự chậm trễ kéo dài và chi phí liên tục vượt mức. Có thời điểm nó được đổi tên thành “Eurofighter 2000”, khi thiên niên kỷ mới bắt đầu và vẫn chưa có chiếc máy bay nào được biên chế.

241944433_2705381483092447_8532698369723066169_n.jpg
Quân đội Anh đã phải quay cuồng trong nhiều năm với hàng tỷ bảng để có được "cuồng phong" Eurofighter. Ảnh: RAF.

Ngày nay, người ta gọi chiếc máy bay phản lực này là Typhoon (cuồng phong), và nhà thầu BAe từ lâu đã đổi tên thành BAE Systems. Hãng này phần lớn đã chuyển ra nước ngoài và không còn thuộc sở hữu hoàn toàn của Anh.

Những chiếc Typhoon đầu tiên đã đi vào hoạt động trong biên chế của RAF vào năm 2007. Về mặt công nghệ chiến đấu, đây là máy bay thế hệ thứ tư. Trong khi đó, Mỹ đã cho ra đời F-22 Raptor, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm từ 2005.

Chính thời gian phát triển kéo dài đã khiến Anh phải chi tiêu ngân sách nhiều hơn cho quốc phòng. Năm 2011, nước này đã chi tổng cộng 23 tỷ bảng (tương đương 35 tỷ bảng theo thời giá hiện nay) cho việc mua sắm và duy trì đội bay Typhoon.

Theo tính toán của Lewis, nếu tính cả chi phí phát triển, mỗi chiếc Typhoon có giá thành cao hơn một chiếc F-22 Raptor, dù nó đi sau cả một thế hệ về mặt công nghệ.

Dự án chiến đấu cơ thế hệ thứ sáu được đặt tên Tempest (bão tố). Thêm một cái tên mang lại dự cảm quân đội Anh sẽ phải đối mặt với cuộc chạy đua khó khăn và tốn kém.

Cú nhảy cóc của 3 cường quốc

Thách thức mà dự án Tempest phải đối mặt là vô cùng lớn. Các nhà sản xuất đưa ra dự kiến máy bay hoạt động sớm nhất vào giữa những năm 2030. Trong trường hợp giống như dự án Eurofighter, nhiều khả năng hơn một thập kỷ sau đó “bão tố” mới được tung hoành trên bầu trời.

Cả Anh, Italy hay Nhật Bản chưa từng chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm. Trong khi việc chuyển từ công nghệ máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư sang thế hệ thứ năm không hề đơn giản, đặc biệt là làm chủ công nghệ tàng hình.

Khi Mỹ sản xuất F-22, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm đầu tiên, công nghệ tàng hình của họ đã có ở máy bay chiến đấu F-117 Nighthawk và máy bay ném bom tàng hình B-2. Những khoản tiền khổng lồ đã được đổ vào việc phát triển những chiếc máy bay này và thế hệ sau của nó là F-35 Lightning II.

download (10)
Chưa từng chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình nhưng Anh, Italy và Nhật muốn phát triển dòng máy bay còn tân tiến hơn cả F-35 Lightning II. Ảnh: RAF.

Chỉ riêng F-35, ​​Mỹ tiêu tốn hơn 400 tỷ USD chi phí nghiên cứu, phát triển cùng với hàng tỷ USD nữa từ các đối tác quốc tế để ra đời một máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm không phải thế hệ thứ sáu. Trong khi đó, Chính phủ Anh mới chỉ cam kết đầu tư 2 tỷ bảng để phát triển và chi không quá 11 tỷ bảng cho đến khi Tempest kết thúc vòng đời. Số tiền từ Italy và Nhật Bản cũng không thể lớn hơn.

“Giống như Typhoon và Tornado trước đó, đây sẽ là một kế hoạch tạo việc làm được ngụy trang một cách kém cỏi dưới dạng mua sắm quốc phòng”, Lewis bình luận.

Thắng Nguyễn