Quốc tế

Bức tranh xám màu đằng sau những hợp đồng tỷ USD ở Farnborough

Hoàng Vũ 26/07/2024 15:37

Triển lãm quốc tế hàng không Farnborough diễn ra trong sự u ám bởi các vấn đề liên quan tới tiến độ sản xuất máy bay và chuỗi cung ứng.

trien-lam-hk(1).png
Không quân Hoàng gia Anh biểu diễn tại triển lãm hàng không quốc tế Farnborough. Ảnh: Bloomberg.

Với sự tham gia của nhiều gã khổng lồ, sự kiện hàng không lớn nhì thế giới khai mạc tại Anh đầu tuần này và kết thúc hôm 26/7 trong bối cảnh ngành hàng không vật lộn đáp ứng nhu cầu của khách hàng, còn nhiều nhà sản xuất đưa ra cảnh báo về sự sụt giảm sản lượng.

trien-lam-hk5-1-.jpg
Nhà sản xuất máy bay châu Âu Airbus đã bán được gấp đôi số máy bay phản lực so với Boeing tại triển lãm Farnborough tính đến ngày 25/7. Ảnh: Bloomberg.

Tuy nhiên, triển lãm vẫn chứng kiến đà tăng của nhu cầu máy bay thân rộng. Airbus và Boeing đã nhận được khoảng 40 đơn đặt hàng doanh nghiệp - chỉ bằng một phần nhỏ so với những năm gần đây. Trong đó, Airbus đã vượt lên dẫn đầu sau khi công bố bản ghi nhớ cho 90 tàu bay, bao gồm có 15 chiếc A330neo từ hãng hàng không flynas của Saudi Arabia và 20 chiếc A330neo được Vietjet Air đặt mua.

Không khí ảm đạm

Không có sự hân hoan nào như ở các sự kiện trước đây khi cả hai nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới đều nhận thấy còn nhiều vấn đề cấp bách khác, bao gồm việc các nhà máy không thể đáp ứng nhu cầu do sự gián đoạn cung ứng toàn cầu vốn nổi lên từ đại dịch Covid-19.

“Hầu như mọi người đều đã bắt nhịp. Nhưng chỉ cần thiếu một mảnh ghép thì bức tranh sẽ không hoàn chỉnh. Để sản xuất một chiếc máy bay, chúng tôi cần làm việc với 4.000 nhà cung cấp”, Christian Scherer, Tổng giám đốc thương mại toàn cầu của Airbus, nói với Reuters.

Trong khi đó, nhiều nhà cung cấp lại cho rằng trách nhiệm làm suy yếu chuỗi cung ứng thuộc về các nhà sản xuất như Airbus và Boeing vì các biện pháp cắt giảm chi phí, cùng mục tiêu sản xuất không ổn định cũng như quy trình phê duyệt nhà cung cấp mới không hiệu quả.

“Họ có nói với bạn rằng ai đã phá vỡ chuỗi cung ứng không?", một giám đốc điều hành cấp cao của một công ty sản xuất phụ tùng động cơ nhỏ cho biết.

Paul Marshall, Giám đốc bán hàng tại công ty gia công B-Tech (Anh) nói: “Các nhà sản xuất máy bay đôi khi có cách phê duyệt nhà cung cấp mới khá vụng về”.

Ngày cuối cùng của sự kiện tại triển lãm quốc tế hàng không Farnborough vào hôm 26/7 dự kiến​ dành cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng tuyển dụng nhân sự mới, sau khi nhiều nhân viên nghỉ việc hoặc nghỉ hưu sớm - những người vốn đáp ứng kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết giúp các nhà sản xuất gia tăng sản lượng.

Cạnh tranh toàn cầu

Trọng tâm trước mắt của các nhà sản xuất là năng lực sửa chữa cho các tàu bay hiện có để giảm thời gian chờ đợi của đối tác, nhằm đảm bảo đưa máy bay trở lại cho hãng hàng không hoạt động trong mùa hè cao điểm.

Hãng sản xuất động cơ GE Aerospace (GE.N) cho biết sẽ đầu tư hơn một tỷ USD trong vòng 5 năm vào các cơ sở bảo dưỡng của mình trên toàn thế giới.

Triển lãm HK2
Máy bay 737 MAX của hãng Boeing. Ảnh: Shutterstock.

Việc tập trung vào các mối quan tâm về nguồn cung ngắn hạn không ngăn cản tham vọng phát triển máy bay đường dài của các nhà sản xuất.

Các bên cần đánh giá trước động thái tiếp theo của họ trong một cuộc chiến mới chỉ bắt đầu về các dự án phát triển máy bay dài hạn mới.

Các nhà sản xuất động cơ và máy bay đang tích cực cạnh tranh để chuẩn bị ra mắt thế hệ máy bay thân hẹp, một lối đi tiếp theo vào thập kỷ tới, dự kiến thay thế các mẫu Airbus A320 và Boeing 737 chủ lực hiện tại.

Đáng chú ý, Rolls-Royce cho biết họ đang sản xuất phiên bản nhỏ hơn của động cơ Ultrafan, đánh dấu sự trở lại thị trường sản xuất sau hơn một thập kỷ vắng bóng.

Embraer - nhà sản xuất máy bay của Brazil - đang tìm kiếm một đối tác quốc tế để thách thức vị thế độc tôn của Airbus và Boeing, sau khi các cuộc đàm phán liên minh với Boeing đổ vỡ vào năm 2020.

“Chúng tôi đã rất rõ ràng về quan hệ đối tác. Embraer đang hướng đến các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Morocco và Saudi Arabia”, Arjan Meijer, Tổng giám đốc điều hành của Embraer Commercial Aviation, nói với Reuters. Các nguồn tin trong ngành cho biết Embraer cũng đang tiếp cận các đối tác Hàn Quốc.

Kỳ vọng Boeing thoát lầy

Gã khổng lồ Mỹ Boeing đã chứng kiến một triển lãm hàng không ảm đạm. Để tập trung vào việc khắc phục các vấn đề kiểm soát chất lượng, tập đoàn Boeing đã quyết định không đưa bất kỳ máy bay thương mại nào đến triển lãm Farnborough.

Đây là một “dấu lặng” đối với một công ty hiện sa lầy trong khủng hoảng, với hàng loạt thông tin tiêu cực và sự mất phương hướng do phải thay đổi bộ máy lãnh đạo sau hàng loạt sự cố mất an toàn bay đáng tiếc liên quan dòng tàu bay 737 MAX.

Các hãng hàng không và nhà cung cấp cho biết ngành công nghiệp rất cần Boeing để phục hồi và phát triển ổn định. Ngay cả đối thủ Airbus cũng phàn nàn về tác động tiêu cực từ những khó khăn của Boeing đối với toàn bộ ngành công nghiệp hàng không.

“Tôi hy vọng bất cứ điều gì họ đang làm đều là cách giải quyết đúng đắn cho vấn đề, nhưng phải nhất quán. Chúng tôi không muốn nghe 'thêm sự chậm trễ' nữa. Chúng tôi muốn họ trở thành Boeing của thời xưa mà chúng tôi tin tưởng”, Ghaith al-Ghaith, CEO của hãng hàng không flydubai có trụ sở tại Dubai (UAE) - một khách hàng lớn của Boeing - cho biết.

Triển lãm HK3
Một chiếc Boeing 787 Dreamliner thuộc biên chế của hãng hàng không Qatar Airways. Ảnh: Bloomberg.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành của Korean Air (Hàn Quốc) - ông Walter Cho - bày tỏ “hoàn toàn tin tưởng vào Boeing”. Vị này lạc quan Boeing sẽ giao hàng “đúng hạn” vào năm 2028.

Tại triển lãm Farnborough, Korean Air ký biên bản ghi nhớ với Boeing để đặt hàng 20 tàu bay 777-9 cùng 20 máy bay Dreamliner 787-10, tổng trị giá gần 16 tỷ USD.

Yukio Nakagawa, người đứng đầu bộ phận mua sắm của JAL, cho biết tại Farnborough: “Boeing và Japan Airlines (JAL) có mối quan hệ rất lâu dài và bền chặt, ngay cả trong những thời điểm khó khăn và đầy thách thức. Cùng với Boeing, chúng tôi vẫn tận tụy với cam kết của mình về an toàn và chất lượng”.

JAL đã đạt thoả thuận với Being về đơn đặt hàng 10 chiếc Dreamliner 787-9 trị giá gần 3 tỷ USD.

Cũng tại triển lãm Farnborough, Boeing đã đạt được đơn đặt hàng từ hãng hàng không Luxair có trụ sở tại Luxembourg cho hai chiếc 737 MAX-10. National Airlines của Mỹ đã đặt hàng chắc chắn cho 4 tàu bay chở hàng thân rộng 777-200 khi hãng này tìm cách khai thác thương mại điện tử toàn cầu.

Nỗi lo không kịp tiến độ

Theo một cuộc khảo sát của công ty tư vấn quản trị McKinsey và tạp chí Aviation Week được công bố tại triển lãm Farnborough, chưa đến một nửa số nhà cung cấp tin rằng các mục tiêu sản xuất của ngành hàng không toàn cầu sẽ đạt được đúng hạn.

Triển lãm HK6
Bên trong một nhà máy sản xuất máy bay của Airbus. Ảnh: Bloomberg.

Airbus và Boeing đang nỗ lực khắc phục các vấn đề sản xuất để hoàn thành các đơn đặt hàng. Khủng hoảng về an toàn buộc Boeing phải giảm sản lượng máy bay 737 MAX - sản phẩm bán chạy nhất của gã khổng lồ Mỹ. Trong nửa đầu năm nay, lượng máy bay của Being giao tới khách hàng ít hơn so với cùng kỳ 2023.

“Chúng tôi có lượng tồn đọng cực lớn. Boeing đang tạo ra một nền văn hóa trách nhiệm, thúc đẩy những bước mang tính chuyển đổi để có thể chế tạo máy bay an toàn và chất lượng”, bà Stephanie Pope, Giám đốc điều hành (COO) của Boeing, cho biết ngày 21/7.

Nhà sản xuất máy bay châu Âu Airbus cũng đã hạ dự báo về số lượng tàu bay sẽ sản xuất trong năm nay từ 800 xuống còn 770, do gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân lực, tìm nguồn động cơ cần thiết, ghế ngồi và các bộ phận cho cabin máy bay. Nhiều máy bay phản lực bán chạy nhất của hãng bị kẹt trên mặt đất do động cơ cần sửa chữa.

Hoàng Vũ