Văn hóa

Ý nghĩa của Water Salute - nghi thức chào đón máy bay bằng vòi rồng

Nguyệt Quỳnh 26/07/2024 06:27

Water Salute không chỉ là hình thức chào mừng hay tạm biệt các chuyến bay, mà còn là nghi thức trang trọng, đặc biệt trong ngành hàng không.

Nghi thức chào đón máy bay bằng vòi rồng được thực hiện bằng cách sử dụng hai xe cứu hỏa chạy đến hai bên của chiếc máy bay vừa hạ cánh hoặc sắp cất cánh.

Những cột nước được phun lên tạo nên hình vòng cung, tượng trưng cho sự chào đón và tôn trọng.

Chia sẻ với OpenSky, chuyên gia huấn luyện cứu nạn, chữa cháy hàng không (Aircraft Rescue & Fire Fighting - ARFF) Peter McMahon cho biết đây là nghi thức truyền thống thể hiện sự tôn trọng và tôn vinh các sự kiện đặc biệt trong ngành hàng không.

shutterstock_1354624472-1.jpeg
Nghi thức chào đón máy bay bằng vòi rồng thường dùng để chào các chuyến bay mang ý nghĩa đặc biệt. Ảnh: Shutterstock.

Hoạt động này thực hiện để đánh dấu các cột mốc quan trọng như một chiếc máy bay mới ra mắt, chuyến bay cuối cùng của một chiếc máy bay trước khi nó ngừng hoạt động hay vinh danh những thành tích đặc biệt trong ngành hàng không.

Bên cạnh đó, nghi thức được thực hiện khi chào đón các quan chức cấp cao hoặc những nhân vật nổi tiếng có tầm quan trọng khác trên chuyến bay. Ngoài ra, lễ chào mừng bằng vòi rồng còn đánh dấu các ngày kỷ niệm quan trọng liên quan đến hãng hàng không, sân bay hoặc máy bay cụ thể.

Chuẩn bị nghiêm ngặt

Thông tin với Daily Mail, chuyên gia điều hành máy bay từ sân bay Schiphol của Amsterdam (Hà Lan) ông Edward de Kruijf giải thích rằng nghi thức phun vòi rồng đón máy bay cần được lập kế hoạch rất công phu.

Theo đó, hai xe cứu hỏa phải đỗ đúng vị trí để tia nước có thể thẳng hàng với thời điểm máy bay đi qua. Đơn vị điều hành cần phải xem xét tới hướng gió, họ sẽ phối hợp cùng với cơ quan kiểm soát không lưu để nghiên cứu vấn đề này.

Sân bay Cam Ranh
Nghi thức chào đón bằng vòi rồng tại sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa). Ảnh: Khánh Huyền.

Ngoài ra, lực lượng cứu hỏa phải đảm bảo có đủ nước còn lại trong xe sau mỗi lần màn chào bằng vòi rồng diễn ra trong trường hợp cần dập lửa. Sau khi hoàn thành công đoạn chuẩn bị, phi công bắt buộc đưa ra thông báo về màn chào nước cho hành khách bởi việc nhìn thấy xe cứu hỏa và đèn nhấp nháy ngay sau khi hạ cánh có thể gây hoảng loạn.

Ông Edward tiết lộ màn chào bằng vòi rồng là một cảnh tượng khá hoành tráng đối với đội kiểm soát không lưu, những người có thể nhìn thấy cảnh tượng này từ trên cao.

Trong khi đó, hành khách cũng rất phấn khích vì không phải lúc nào cũng có thể tận thấy hoạt động này. Khi sự kiện này diễn ra theo đúng kế hoạch, sự kết hợp của tia nắng có thể tạo nên cầu vồng.

0830563.jpg
Tại các quốc gia trên thế giới, nghi thức phun vòi rồng như một phần không thể thiếu để tôn vinh và chào đón các sự kiện đặc biệt trong ngành hàng không. Ảnh: Airliners.

Về cơ bản, giống như hầu hết các lễ chào đón khác, lễ chào đón bằng vòi rồng là biểu tượng của sự tôn trọng.

Trong lễ đón đội tuyển U23 Việt Nam về nước sau khi tạo nên những kỳ tích tại giải bóng đá châu Á năm 2018, nghi thức này được thực hiện tại sân bay Nội Bài. Ngay khi chuyến bay VJ269 của hãng hàng không Vietjet Air chở đội tuyển U23 Việt Nam hạ cánh xuống đường băng, 2 xe cứu hỏa phun vòi rồng đặc biệt để chào mừng, thể hiện sự tôn trọng và chúc mừng thành công của đội nhà.

Bắt nguồn từ các thủy thủ

Theo Simple Flying, truyền thống chào máy bay bằng vòi rồng có thể bắt nguồn từ ngành hàng hải. Trong thế kỷ 19 và 20, khi những con tàu được hạ thủy trong chuyến hành trình đầu tiên, thuyền cứu hỏa cũng đánh dấu bước thành tựu bằng một vòng cung nước.

1599px-thumbnail.jpg
Ngành đường thủy cũng có hình thức tương tự, chỉ khác phương tiện được chào đón là tàu biển và phương tiện thực hiện phun nước là tàu chữa cháy. Ảnh: Wikimedia.

Sau này, nghi lễ từ ngành hàng hải được ngành hàng không áp dụng.

Truyền thống được cho là bắt nguồn từ Mỹ vào những năm 1950 với sự kiện đầu tiên tại sân bay quốc tế Los Angeles (LAX), khi nước từ những cột vòi rồng được sử dụng để chào đón chuyến bay của hãng Pan American Airways.

Vào khoảng thập niên 1990, sân bay quốc tế Salt Lake City (Mỹ) thực hiện phun vòi rồng để vinh danh các phi công của hãng hàng không Delta Air Lines trong chuyến bay cuối cùng trước khi nghỉ hưu. Đó là cách thể hiện sự tôn trọng và lòng biết ơn với thời gian dài phục vụ của các phi công kỳ cựu.

Nguyệt Quỳnh