Điều khiến Boeing tự tin về tàu bay chở khách lớn nhất thế giới 777X
Với nhiều tính năng, cải tiến vượt trội, các mẫu máy bay thuộc dòng 777X của Boeing được cho là lựa chọn tối ưu cho thị trường máy bay thay thế thời gian tới.
Nhà sản xuất máy bay Boeing của Mỹ đang trong quá trình thử nghiệm 777X - máy bay thân rộng hàng đầu sắp tới của hãng - để đưa vào hoạt động thương mại.
Được thiết kế để thay thế tàu bay hai lối đi cỡ lớn như Boeing 747 Airbus A380, Boeing 777X hiện là máy bay chở khách lớn nhất đang được sản xuất và đợt giao hàng đầu tiên dự kiến diễn ra vào năm tới.
Trang chủ Boeing xác nhận tính tới thời điểm hiện tại, Boeing đã nhận tổng cộng 540 đơn đặt hàng cho các phiên bản của 777X.
Thế hệ tàu bay chủ lực
Thay vì tạo ra một chiếc máy bay hoàn toàn mới để thay thế chiếc 747 mang tính biểu tượng của mình, Boeing đã quyết định tái sử dụng cái tên 777, dòng máy bay thân rộng bán chạy nhất mọi thời đại. 777X được công bố lần đầu tiên vào năm 2013 - phát triển dựa trên 777-300ER và kết hợp nhiều công nghệ hiện đại có trên 787 Dreamliner - hai mẫu máy bay tiên tiến nhất trong gia đình Boeing.
Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã bắt đầu giám sát các chuyến bay thử nghiệm của 777X trong tháng này để cấp chứng nhận chính thức, cho phép đưa vào sử dụng dịch vụ thương mại.
Trong những năm qua, tàu bay A350 của Airbus với thiết kế hoàn toàn mới đã hoạt động thành công, cạnh tranh trực tiếp thị phần của Boeing trong phân khúc máy bay phục vụ đường dài. Tuy nhiên, khi nhu cầu tăng lên và tình trạng thiếu hụt chuỗi cung ứng vẫn tiếp diễn, cả hai nhà sản xuất buộc phải thay đổi để duy trì tính cạnh tranh khi các hãng hàng không liên tục làm mới đội bay của họ.
“Những khả năng mà Boeing mang lại sẽ khiến nó trở thành chiếc máy bay chủ lực tiếp theo trong ngành hàng không thương mại”, Giám đốc tiếp thị của Boeing, ông Brad Till, cho biết.
777X sẽ có ba phiên bản, giống như Boeing 787 Dreamliner. Chiếc đầu tiên được đưa vào sử dụng là 777-9, lớn nhất trong ba biến thể, với nhiều hơn khoảng 35 chỗ so với mẫu 777-300ER với tầm bay tương tự. Tiếp theo là 777-8 và phiên bản chở hàng 777-8F, nhỏ hơn nhưng có tầm hoạt động xa hơn gần 3.000 km.
Phù hợp với mọi sân bay
777X là chiếc máy bay thương mại lớn nhất vẫn đang được sản xuất nhưng vẫn phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của hầu hết sân bay quốc tế trên thế giới.
Hầu hết sân bay quốc tế có khả năng tiếp nhận máy bay theo tiêu chuẩn code E, tức giới hạn sải cánh nhỏ hơn 65 m. Code F là cấp độ tiếp theo (sải cánh từ 65 m đến dưới 80 m) với ví dụ điển hình là Airbus A380 với sải cánh dài 79,8 m.
A380 gặp khó khăn do sải cánh quá dài nên cần vị trí đỗ đặc biệt. Ngay cả đường cất hạ cánh và đường lăn cũng phải gia cố, mở rộng để đáp ứng những tàu bay có sải cánh Code F như vậy.
Trong khi đó, nếu tăng lên code F, 777X có thể bị hạn chế nghiêm trọng về điểm đến. Để tránh đi vào vết xe đổ của Airbus A380, Boeing đã thiết kế đầu cánh gập làm giảm sải cánh từ 71,8 m xuống còn 64,8 m, kéo 777X từ code F về lại code E như 777.
Hiệu suất vượt trội
Với sải cánh dài hơn, diện tích cánh lớn hơn làm tăng tổng lực nâng trong khi giảm lực cản, từ đó cải thiện hiệu quả khí động học, giúp 777X tiêu tốn ít nhiên liệu hơn, cải thiện 5% hiệu suất so với các máy bay cạnh tranh cùng phân khúc đường dài.
777X sử dụng động cơ GE9X của General Electric - động cơ máy bay thương mại lớn nhất và mạnh nhất từng được chế tạo. Loại động cơ này cũng mang lại hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu với số lượng cánh quạt giảm và lượng khí thải, tiếng ồn thấp hơn.
Những cải tiến trên 777X không chỉ giúp Boeing đạt được các mục tiêu đầy tham vọng về khí hậu mà còn giúp các hãng hàng không tiết kiệm chi phí nhiên liệu lâu dài.
“Chiếc máy bay này sẽ có lượng khí thải carbon thấp nhất so với bất kỳ máy bay thân rộng nào. Với công nghệ động cơ mới, lượng khí thải NOx ra môi trường sẽ thấp hơn. 777X cũng tạo ra ít tiếng ồn hơn trong cabin hành khách và ở sân bay khi so với các tàu bay khác”, ông Till cho hay.
Nội thất rộng rãi
So với 777-300ER và Airbus A350 hiện tại, 777X có cabin rộng nhất. Theo ông Till, điều này được kế thừa từ những tiến bộ kỹ thuật kể từ khi chiếc 777 ra mắt lần đầu cách đây hơn 30 năm.
“Chúng tôi đã lấy các khung của thân máy bay 777 và làm cho chúng mỏng hơn một chút trên 777X để cabin rộng hơn 10 cm”, ông nói.
Những thay đổi về thân máy bay cũng mang đến cơ hội cải thiện trải nghiệm của hành khách, đáng chú ý là kết nối hành khách với quang cảnh bên ngoài. Các cửa sổ đã được tăng kích thước để lớn hơn đáng kể so với 777-300ER và lớn hơn 30% so với đối thủ Airbus A350.
Kiến trúc tổng thể cũng được thiết kế để có nhiều không gian hơn cho hành lý của hành khách. Khá nhiều công nghệ từ 787 đã được đưa vào mẫu 777X này. Cabin của 777X có trần cao hơn, độ ẩm lớn hơn và áp suất trong khoang được giữ ổn định ở mức 1.800 m, giúp hành khách cảm thấy dễ chịu.
Máy bay cũng đã được cải tiến với hệ thống chiếu sáng LED kết hợp màu sắc không giới hạn. Điều này cho phép bầu không khí trong cabin thay đổi theo từng giai đoạn từ bình minh đến hoàng hôn hoặc thậm chí hiển thị bầu trời đêm theo ý muốn của phi hành đoàn để đáp ứng trải nghiệm của hành khách.
Hỗ trợ tối đa cho phi hành đoàn
Đối với phi hành đoàn 777X, Boeing đã tìm cách hỗ trợ tối đa về liên lạc, dẫn đường và giám sát bằng nhiều loại công nghệ mới đã áp dụng hiệu quả trên 787. Ghế ngồi cho tổ bay được thiết kế lại và cải thiện độ ẩm so với thế hệ 777 trước đó.
Buồng lái 777X tương tự buồng lái 787 với màn hình hiển thị thông tin trên kính chắn gió và màn hình cảm ứng thay thế nhiều nút bấm, nút vặn điều khiển. Boeing hy vọng thu hút được các hãng hàng không đặt hàng loại máy bay mới bởi các phi công có khả năng lái cả 777X và 787 hiện có.