Nữ sinh Đại học Luật thi đỗ hãng bay 5 sao quốc tế
Khát khao thử thách bản thân mình và cơ hội đến từ hãng hàng không quốc tế cho Nguyễn Minh Hà tầm nhìn mới mẻ, tăng thêm nỗ lực với nghề.
Nguyễn Minh Hà (22 tuổi) sau khi tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội đã thi đỗ 2 hãng hàng không được chứng nhận 5 sao bởi APEX. Đó là Etihad Airways, hãng hàng không quốc gia của UAE và hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines.
Nhìn thành tích của Minh Hà, không ít bạn trẻ ngưỡng mộ và băn khoăn, muốn nghe câu chuyện theo đuổi nghề của nữ tiếp viên. Cũng không ít người bất ngờ khi biết rằng tiếp viên hàng không vốn không phải là công việc mơ ước của Hà.
Trong suốt thời gian còn đi học, Hà thử sức với rất nhiều công việc và ngành nghề khác nhau và coi mọi nghề nghiệp là cơ hội, trải nghiệm đáng quý.
"Nhiều lúc tôi tự nghĩ tại sao mình lại chấp nhận làm việc xa nhà thế này, mọi thứ có xứng đáng để đánh đổi không? Nhưng tôi luôn muốn thử thách bản thân và giới hạn của mình nên vẫn đang cố gắng theo đuổi nghề mình chọn", Minh Hà chia sẻ.
Một trong những yếu tố khiến Hà chọn thử sức thi vào hãng hàng không quốc tế là cha mẹ đều làm việc trong ngành hàng không tại Việt Nam. Từ sớm, Hà đã có những kiến thức cơ bản về ngành hàng không.
Tuy nhiên phụ huynh chưa bao giờ "đóng khung" cho con cái trở thành một tiếp viên. Thử thách bản thân với cơ hội chinh phục những hãng hàng không quốc tế là quyết định khá táo bạo của một sinh viên vừa mới ra trường.
"Thực tế là khi tôi đi thi, gia đình không hề biết. Tôi chỉ nói chuyện, thông báo với gia đình khi đã thật sự đỗ rồi", nữ tiếp viên hé lộ.
Kinh nghiệm thi tiếp viên hàng không của cô sinh viên Đại học Luật Hà Nội cũng đa dạng và thú vị. Tính đến thời điểm hiện tại, Minh Hà đã tham gia thi tuyển tiếp viên tại 4 hãng bay là Vietnam Airlines, Etihad Airways, Qatar Airways và Emirates.
mở rộng tầm nhìn, vươn tầm thế giới
Với một sinh viên sinh ra trong gia đình có nhiều thành viên làm việc trong ngành hàng không, việc định hình về đặc thù nghề nghiệp cơ bản đã rõ ràng. Tuy nhiên, chỉ khi thực sự có trải nghiệm thực tế với nghề, mỗi cá nhân mới hiểu thấu được công việc đem lại cho mình điều gì, những động lực tích cực hay còn một số bài học cần đúc rút để hoàn thiện bản thân.
Cuộc sống ở một đất nước xa lạ, phát triển với nhiều đồng nghiệp đến từ nhiều quốc gia khác nhau cho Hà góc nhìn hoàn toàn khác khi còn ở Việt Nam. Về cơ bản, cơ hội được làm việc tại môi trường quốc tế cho Minh Hà được mở rộng tầm nhìn một cách trọn vẹn, không chỉ về nghề tiếp viên hàng không mà còn trong mọi mặt của cuộc sống.
Ngay từ lúc đi thi tuyển đến thời điểm hiện tại, bản thân Hà đã gặp rất nhiều bạn mới từ khắp các châu lục trên thế giới. Họ nói những ngôn ngữ khác nhau, có những suy nghĩ và trải nghiệm với những ngành nghề khác nhau.
Đó cũng là lúc Hà thấy được thế giới rộng lớn thế nào và bản thân nhỏ bé ra sao.
Hơn nữa, theo nữ tiếp viên Etihad, nhịp sống ở nước ngoài rất khác, mọi người làm việc đúng phần việc được phân chia, không hơn không kém. Mỗi cá nhân luôn cố gắng làm tốt để xứng đáng với thu nhập họ được trả, nếu bị phát hiện lười biếng là lập tức có báo cáo phản hồi.
Cá nhân Hà cũng dần bị cuốn theo và tự học được cách có trách nhiệm với số tiền mình kiếm được hơn.
hào nhoáng và cô đơn
Quá trình đào tạo để trở thành một tiếp viên tại hãng hàng không quốc tế cũng khắc nghiệt với mọi thí sinh trúng tuyển. Đầu tiên, những người lựa chọn theo đuổi nghề này phải xác định bắt nhịp được với đặc thù của nghề, khiến cơ thể thay đổi liên tục về nhịp sinh học.
Khi đăng tải những video chia sẻ về kinh nghiệm thi tiếp viên, Hà nhận được nhiều câu hỏi từ các bạn trẻ có mong muốn trở thành tiếp viên hàng không.
Điểm chung của những thí sinh đam mê hàng không là đều nhìn nhận về những khía cạnh hào nhoáng của nghề mà chưa hiểu hết về đặc thù công việc và những sự thật khi theo đuổi nghề tiếp viên hàng không.
Với Minh Hà, khoảng thời gian khó khăn nhất là quãng thời gian bắt đầu được đào tạo. Ngoài nỗi nhớ nhà tại nơi đất khách, tất cả thí sinh khi ấy phải học nhiều kiến thức về ngành trong thời gian 6 tuần. Tiếp viên phải học mỗi ngày, thi liên tục. Nhiều khi mệt mỏi, Hà chỉ muốn bỏ tất cả để về nhà... được bố mẹ chăm.
Rồi đến khi hoàn hiện đào tạo và cầm trên tay chứng chỉ, được bay những chuyến đầu tiên, mọi thành quả của những tiếp viên hàng không mới bắt đầu đến ngày gặt hái, kèm theo đó là những khó khăn tiếp theo.
Khi được bay những chuyến bay đêm đầu tiên, cơ thể Hà chưa thích ứng được với đặc thù nghề. Khi được nghỉ, Hà thường về đến nhà trong tình trạng rối loạn, tỉnh dậy mà không biết mình đã đi ngủ như thế nào.
"Cơ thể tôi thường xuyên trong tình trạng jetlag (chứng mất đồng bộ, gây rối loạn giấc ngủ tạm thời do lệch múi giờ), ăn uống không điều độ. Cuộc sống đôi khi cũng rất cô đơn", Hà nói.
Ban ngày có khi Hà gặp cả trăm người, lúc về đến khách sạn lại quanh quẩn một mình.
Sự thật của công việc tiếp viên hàng không đôi khi khiến không ít người “vỡ mộng” và có cái nhìn khác về nghề. Việc thay đổi liên tục điều kiện địa lý, không gian hay môi trường áp suất từ mặt đất đến trên không ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe của phi hành đoàn.
Những "đôi cánh" không mỏi phục vụ hàng trăm hành khách mỗi chuyến bay khi trở về nhà không tránh được có lúc kiệt quệ về cả thể chất và tinh thần.
Tuy nhiên, đặc thù mỗi công việc lại đem đến nhiều ý nghĩa với người lao động. Với Minh Hà, mỗi chuyến bay và mỗi ngày đều trở nên tươi mới khi hạ cánh tại những điểm đến mới. Một điều hay của công việc này là khi hết ca làm việc (hết chuyến bay), mọi thứ như được khởi động lại hết. Ngày hôm sau, tiếp viên hàng không lại bay một chuyến bay khác, cùng tổ bay khác, hành khách khác, tới địa điểm mới.
"Mỗi khi hành khách rời khỏi chuyến bay và nói cảm ơn cùng một nụ cười tươi, khi ấy tôi biết mình đã hoàn thành tốt công việc của mình là đảm bảo an toàn và cho khách hàng một trải nghiệm tuyệt vời nhất. Khi ấy mọi cảm xúc tiêu cực sẽ tiêu tan hết sau chuyến bay đó", Minh Hà trải lòng.
Đặc quyền ưu tiên của những người hoạt động trong ngành hàng không là cơ hội du lịch đến nhiều nơi khắp thế giới. Nhiều người chọn công việc trong ngành hàng không để thỏa mãn đam mê xê dịch, khám phá những nền văn hóa mới.
Với Minh Hà, nữ tiếp viên thừa nhận bản thân thích du lịch nghỉ dưỡng. Từ nhỏ, cô thích nghỉ ngơi, tận hưởng hơn là khám phá. Do đó, kể từ khi trở thành tiếp viên của Etihad Airways, Hà đã được đi tới 25 quốc gia khác nhau nhưng thực tế chỉ ra ngoài khám phá được 8 đất nước.
Cũng bởi đặc thù nghề "cô đơn" khi hạ cánh, cùng môi trường ở nước ngoài nên nữ tiếp viên khó có thể lưu lại những bức ảnh đẹp khi đi du lịch.
"Mỗi lần tôi làm nhiệm vụ là cùng một nhóm khác nhau nên để tìm người hợp nói chuyện, ra ngoài đi chơi khám phá cùng cũng rất khó. Vì vậy tôi thường chọn du lịch một mình", Hà thừa nhận.
Theo nhận định của Minh Hà, một điều mà bản thân cô và nhiều đồng nghiệp học được khi trở thành tiếp viên hàng không là mọi người biết quý trọng sức khoẻ hơn rất nhiều. Công việc của nghề này gắn với việc hoạt động trên môi trường trên cao, thiếu áp suất nền có rất nhiều tác động xấu đến sức khoẻ.
Về định hướng tương lai, Minh Hà cho biết sẽ trở về quê hương hoặc ra nước ngoài làm việc dưới mặt đất khi cảm thấy đúng thời điểm. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nhắc đến việc "hạ cánh", nữ tiếp viên 22 tuổi biết rằng vẫn nên ưu tiên tận hưởng và trải nghiệm những lợi ích của công việc này nhiều nhất có thể.
Mặc những khắc nghiệt của nghề tiếp viên hàng không, hay những trải nghiệm không mấy may mắn của các thí sinh dự thi, Minh Hà cho rằng các bạn trẻ không nên nản chí, đừng từ bỏ dù sự cạnh tranh để có được công việc này rất khốc liệt. Mọi sự cố gắng đều sẽ đem lại kết quả xứng đáng.
Gửi thêm động lực cho các tiếp viên hàng không tương lai, Minh Hà chia sẻ: "Đừng vội bỏ cuộc hay nghĩ đến các cơ hội nghề nghiệp khác. Các bạn hãy cố gắng rèn luyện bản thân, thử sức với các công việc và ngành nghề khác để trau dồi thêm các kỹ năng, cải thiện khả năng ngôn ngữ, dành thời gian đọc thật nhiều sách để trở thành một phiên bản tuyệt vời hơn".