Quốc tế

Khách bay khắp nước Mỹ 'than trời' vì hậu quả sự cố CrowdStrike - Microsoft

Hoàng Vũ 24/07/2024 06:02

Hàng nghìn chuyến bay ở Mỹ đã bị hoãn hoặc hủy do ảnh hưởng bởi sự cố CrowdStrike 4 ngày trước, khiến nhiều hành khách bị mắc kẹt tại sân bay.

“Thảm họa kỹ thuật số” của CrowdStrike - Microsoft đã ảnh hưởng đến khoảng 8,5 triệu thiết bị cài hệ điều hành Windows trên toàn thế giới, gây ra tình trạng hỗn loạn tại các sân bay, ngừng hoạt động các dịch vụ khẩn cấp.

Nhiều hãng hàng không Mỹ như American Airlines, United Airlines, Delta Air Lines, Allegiant Air, Sun Country và Frontier Airlines đều báo cáo ảnh hưởng bởi sự cố hôm 19/7.

Delta Airlines
Delta Air Lines là hãng hàng không Mỹ chịu thiệt hại nặng nhất sau sự cố CrowdStrike ngày 19/7. Ảnh: Reuters.

Khủng hoảng diện rộng

Theo FlightAware, tính tới 23/7 (giờ Mỹ), đã có hơn 5.000 chuyến bay bị hủy cùng hơn 46.000 chuyến bị hoãn ở Mỹ. Tính riêng ngày 22/7, FlightAware cho biết hơn 1.000 chuyến bay đến, trong hoặc ngoài Mỹ đã bị hủy và hơn 9.000 chuyến khác bị gián đoạn.

Trong khi các hãng hàng không như American Airlines, United Airlines và Allegiant Air phục hồi tương đối nhanh sau sự cố, Delta Air Lines lại trải qua một cuộc khủng hoảng hoạt động kéo dài.

Hơn 4.400 chuyến bay của Delta bị hủy kể từ ngày 19/7, con số nhiều nhất so với bất kỳ hãng hàng không nào tại Mỹ. Các chuyến bay liên tục bị hoãn và hủy với đủ lý do. Chỉ riêng sáng 23/7, 200 chuyến bay của Delta đã bị hủy.

Delta Airlines3
Hàng dài hành khách chờ đợi để làm thủ tục tại sân bay quốc tế Milwaukee Mitchell (Wisconsin, Mỹ) hôm 19/7 sau sự cố CrowdStrike. Ảnh: Reuters.

Delta Air Lines hiện phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc đảm bảo lịch trình của tất cả hành khách sau sự cố. Hãng hàng không có trụ sở chính tại thành phố Atlanta (Mỹ) khẳng định sẽ cố gắng đáp ứng các yêu cầu hoàn lại tiền, cũng như đưa ra nhiều ưu đãi để đền bù cho khách hàng.

Hành khách chán nản

Sự cố đã khiến hàng nghìn hành khách của Delta trên khắp nước Mỹ bị mắc kẹt, một số phải thuê xe để di chuyển quãng đường hàng trăm km trong khi số khác mất nhiều ngày chờ đợi tại các sân bay cho các chuyến mới.

hàng lý ngổn ngang
Hành khách của Delta cố gắng tìm lại hành lý của mình sau khi các chuyến bay bị hủy và bị trì hoãn tại sân bay Quốc tế Hartsfield-Jackson (Atlanta, Mỹ) hôm 22/7. Ảnh: CNN.

Tiffany Denlinger - hành khách đã mắc kẹt tại sân bay quốc tế Hartsfield-Jackson Atlanta (tiểu bang Georgia) kể từ hôm 22/7, bị bao vây bởi đống hành lý cùng hàng dài du khách mệt mỏi - không rõ bao giờ cô mới về được nhà.

Sau kỳ nghỉ ở Athens (Hy Lạp) cô đã cố gắng quay trở lại Arizona trong hai ngày. Cho đến nay, tất cả những gì cô có là một chồng vé máy bay bị hủy. Theo Denlinger, sự cố này đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của cô.

Nhiều hành khách bị mắc kẹt khác đang cảm thấy căng thẳng vì nhiều ngày không được về hoặc tiếp cận các hỗ trợ về y tế. Melissa Vestal, một cư dân Bắc Carolina, nói với CNN rằng bà sắp hết thuốc kê đơn sau khi bị mắc kẹt tại sân bay quốc tế Paul trong 3 ngày qua.

Hãng hàng không Delta cho biết họ có kế hoạch chi trả chi phí khách sạn, bữa ăn hoặc vận chuyển mặt đất cho những khách hàng bị ảnh hưởng. Song chính sách của hãng không cam kết bồi thường cho hành khách về thu nhập bị mất do các chuyến bay bị hủy.

Bộ Giao thông Mỹ vào cuộc

Sau khi nhận được báo cáo phản ánh tình trạng gián đoạn liên tục và điều kiện dịch vụ khách hàng không thể chấp nhận được tại Delta Air Lines, Bộ trưởng Giao thông Mỹ Pete Buttigieg đã làm việc với lãnh đạo hãng bay vào ngày 21/7.

Buttigieg cho biết đã nhắc nhở hãng này về trách nhiệm đối với khách hàng cũng như việc Bộ trưởng Giao thông Mỹ có thể áp dụng các biện pháp để bảo vệ hành khách.

“Tôi đã nói rõ với Delta rằng chúng tôi hy vọng hãng hàng không sẽ hoàn tiền nhanh chóng cho những khách hàng chọn không đặt lại vé, đồng thời miễn phí đặt lại vé và hoàn trả kịp thời chi phí ăn uống và lưu trú qua đêm tại khách sạn cho những khách hàng bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ và hủy chuyến, cũng như các biện pháp thích hợp, hỗ trợ dịch vụ khách hàng cho tất cả hành khách của họ”, ông Buttigieg nói trong một tuyên bố.

Delta Airlines2
Các nhân viên của Delta trợ giúp hành khách chờ lấy hành lý tại sân bay quốc tế Hartsfield-Jackson ngày 22/7. Ảnh: Reuters.

Giám đốc điều hành (CEO) Delta Air Lines, ông Edward Herman Bastian cũng đã đưa ra lời xin lỗi khách hàng, đồng thời cho biết sự cố công nghệ CrowdStrike ảnh hưởng đến hệ thống mà Delta sử dụng cho các ứng dụng như công cụ theo dõi phi hành đoàn. Hiện Delta đang làm việc suốt ngày đêm để khôi phục đầy đủ chức năng.

Ông Bastian cho biết công ty đang làm việc suốt ngày đêm để đưa hoạt động trở lại bình thường, nhưng sẽ phải mất vài ngày nữa "trước khi điều tồi tệ nhất kết thúc".

"Hôm nay sẽ là một ngày tốt hơn hôm qua và hy vọng thứ ba và thứ tư sẽ lại tốt hơn nhiều", CEO Delta Air Lines nói hôm 22/7.

Các hãng hàng không trên thế giới khác phần lớn đã hoạt động trở lại vào cuối tuần, bao gồm cả một trong những nhà khai thác lớn nhất thế giới là Turkish Airlines. “Vấn đề kỹ thuật toàn cầu đã được giải quyết. Mọi hoạt động của chúng tôi đã trở lại bình thường”, hãng hàng không của Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra thông báo hôm 21/7.

Cùng ngày, các hãng hàng không như Jetstar Japan (Nhật Bản), Hong Kong Express (Trung Quốc) và Cebu Pacific (Philippines) cho biết hoạt động của họ đang dần được khôi phục sau thời gian gián đoạn do sự cố ngừng hoạt động trên toàn cầu.

Hoàng Vũ