Nỗi lo rối loạn chuỗi cung ứng bao trùm triển lãm Farnborough
Các nhà lãnh đạo hàng không hàng đầu đã tổ chức nhóm họp tại triển lãm hàng không quốc tế Farnborough ở Anh.
Triển lãm Farnborough được biết đến là nơi các nhà sản xuất máy bay ký kết những hợp đồng trị giá hàng tỷ USD. Nhưng 2 năm sau đại dịch, nhiều giám đốc điều hành các hãng hàng không đang cho thấy sự thất vọng vì phải chờ đợi lâu để có máy bay mới, với hàng loạt sự cố về chuỗi cung ứng, mất an toàn bay cũng như việc thiếu phụ tùng thay thế.
Theo The Guardian, trọng tâm của triển lãm năm nay hướng đến việc loại bỏ các rào cản chuỗi cung ứng và đẩy nhanh việc bàn giao máy bay cho các hãng hàng không đang gặp khó khăn cũng như nhấn mạnh cam kết giảm khí thải carbon.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu bi quan rằng triển lãm Farnborough dự kiến không chứng kiến loạt đơn đặt hàng lớn do Airbus đang gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu sản xuất trong khi Boeing áp dụng chiến lược thu hẹp sản xuất giữa lúc đối mặt với khủng hoảng về an toàn.
Thắt chặt nguồn cung toàn cầu
“Chuỗi cung ứng được cho là sẽ trở nên nhạy bén hơn vào năm 2022 và tốt hơn vào thời điểm hiện tại. Điều đó đã không diễn ra như chúng ta mong đợi”, Nick Cunningham, nhà phân tích công hàng không vũ trụ, nói với The Guaridan tại triển lãm Farnborough.
Ngành hàng không toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 khiến lượng hành khách sụt giảm mạnh nhưng phục hồi mạnh mẽ sau đó. Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) dự báo du lịch hàng không toàn cầu có thể tăng trưởng gấp ba vào năm 2050.
Điều này khiến nhiều hãng hàng không phải vật lộn để giải quyết tình trạng thiếu hụt máy bay, nhân lực và phụ tùng thay thế.
Tình hình trở nên trầm trọng hơn do cuộc khủng hoảng về an toàn buộc Boeing phải giảm sản lượng máy bay 737 MAX - sản phẩm bán chạy nhất của gã khổng lồ Mỹ. Cuộc khủng hoảng của Boeing đã đưa Airbus đưa trở thành nhà sản xuất máy bay đầu ngành với việc trình làng Airbus A321XLR - dòng tàu bay thân hẹp một lối đi có tầm bay tới 8.704 km - hơn 15% so với A321LR với cùng hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu vượt trội.
Trên thị trường máy bay thân hẹp, Airbus hiện chiếm tới 62% thị phần. Các chuyên gia cho rằng Airbus sẽ chiếm ưu thế dài lâu vì một hợp đồng ký kết sản xuất tàu bay kéo dài ít nhất là 10 năm, đảm bảo tính ổn định cho phi đội của họ.
Tuy vậy, nhà sản xuất máy bay châu Âu đang gặp khó khăn trong việc tạo dựng lợi thế của mình. Công ty đã hạ dự báo về số lượng tàu bay sẽ sản xuất trong năm nay từ 800 xuống còn 770, do gặp khó khăn trong việc tìm nguồn động cơ, ghế ngồi và các bộ phận cho cabin máy bay.
“Chuỗi cung ứng và các vấn đề khác tiếp tục cản trở việc giao máy bay mới và làm mờ đi triển vọng phát triển của nhiều tập đoàn hàng không. Thay vào đó, xuất hiện nhiều nghi ngờ về năng lực sản xuất máy bay của các hãng”, Robert Stallard, nhà phân tích tại Vertical Research Partners (Mỹ), nhận định.
Hạn chế cắt giảm khí thải
Sự thiếu hụt các máy bay thế hệ mới vốn tiêu tốn ít nhiên liệu hơn cũng hạn chế nghiêm trọng khả năng cắt giảm khí thải của ngành hàng không và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Khi các máy bay năng lượng “xanh” không được đưa vào sử dụng như mong đợi, việc cắt giảm lượng khí thải carbon sẽ bị chậm lại. Trong năm nay, lượng khí thải carbon của ngành hàng không toàn cầu được dự báo vượt mức năm 2019.
“Những chiếc máy bay không thể tồn tại mãi. Chúng thải ra lượng carbon nhiều hơn 15-20% so với những chiếc máy bay thế hệ mới thay thế theo kế hoạch”, ông Rob Morris, người đứng đầu bộ phận tư vấn toàn cầu tại công ty phân tích hàng không Cirium, nói.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết ngành hàng không toàn cầu sẽ không giảm được lượng khí thải đủ nhanh để đáp ứng mục tiêu trung hòa carbon vào giữa thế kỷ này và các hãng hàng không hoạt động kém nhất có nguy cơ bị phạt hoặc giới hạn hoạt động.