Quốc tế

Airbus có biện pháp khắc phục tình trạng lắp ráp trì trệ

Hoàng Anh 22/07/2024 10:38

Cũng như Boeing, Airbus đưa nhân lực tới các nhà cung cấp để ổn định tình hình chuỗi cung ứng.

Airbus đang tìm cách củng cố mạng lưới sản xuất để đẩy nhanh tốc độ lắp ráp. Nhà sản xuất máy bay thương mại số một thế giới đào sâu hơn bao giờ hết vào chuỗi cung ứng của mình, đưa thêm nhiều kỹ sư đến các nhà cung cấp để ổn định tình hình.

Phát biểu trước triển lãm hàng không Farnborough, Christian Scherer, Giám đốc điều hành bộ phận máy bay thương mại Airbus xác nhận việc họ đầu tư lượng lớn nguồn lực - chủ yếu là nhân lực - vào sâu và chi tiết trong chuỗi cung ứng.

Airbus cũng đang trong quá trình mua lại một số cơ sở sản xuất của Spirit AeroSystems. Nhà thầu này sản xuất phần thân và nhiều bộ phận quan trọng cho hàng loạt mẫu máy bay Airbus.

airbus_qantaslink-a220_mid-fuse-in-mirabel-pre-fal-5-1024x683.jpeg
Công nhân làm việc tại dây chuyền lắp ráp A220. Ảnh: Qantas.

Tháng trước, Airbus buộc phải điều chỉnh mục tiêu về doanh thu, sản lượng lắp ráp và thời hạn bàn giao.

Trong quý II, Airbus chỉ giao được 181 chiếc máy bay, giảm so với 189 máy bay cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều khả năng công ty không thể đạt mục tiêu giao 770 chiếc máy bay thương mại năm nay và phải cắt giảm tiếp dự báo. Sau 6 tháng đầu năm, Airbus mới giao được 323 tàu bay.

Nguyên nhân chủ yếu do công ty này đang loay hoay đưa chuỗi cung ứng trở lại đúng hướng sau nhiều năm gián đoạn vì đại dịch.

Airbus gần đây đón tin vui về A321XLR. Ngày 19/7, Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA) cấp chứng nhận cho mẫu máy bay này.

Chứng nhận áp dụng cho phiên bản động cơ CFM LEAP-1A. Chứng nhận động cơ Pratt & Whitney sẽ được cấp sau.

Dự kiến A321XLR đi vào hoạt động từ đầu tháng 9. Giám đốc Scherer khẳng định mẫu máy bay khác biệt này cho phép mở thêm nhiều tuyến bay thẳng, mang lại cơ hội tăng trưởng cho các hãng hàng không.

image-130-1024x681.png
Mẫu A321XLR. Ảnh: Shutterstock.

Với tầm bay hơn 8.000 km, Airbus A321XLR cung cấp cho các hãng bay sự linh hoạt để khai thác song song với máy bay thân rộng.

Mẫu máy bay thân hẹp bay xa nhất thế giới đốt ít hơn 30% nhiên liệu bình quân mỗi ghế so với đối thủ thế hệ trước. A321XLR hoạt động với chi phí chỉ bằng khoảng một nửa chi phí của máy bay thân rộng.

Tính đến tháng 7, các hãng hàng không đặt hàng hơn 500 chiếc A321XLR. Con số đặt hàng lớn cho thấy thị trường rất quan tâm đến hiệu suất của mẫu tàu bay này.

Hoàng Anh