7 điều cần biết về nhiễu động - 'ổ voi' mà phi công nào cũng e sợ
Sự cố chuyến bay SQ321 của Singapore Airlines gặp phải một lần nữa cho thấy mối nguy hiểm của nhiễu động không khí, đặc biệt khi nó ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
Chiều 21/5, trên hành trình từ London (Anh) tới Singapore, chuyến bay mang số hiệu SQ321 của Singapore Airlines gặp nhiễu động không khí cực đoan đột ngột khi bay ngang qua lưu vực sông Irrawaddy (Myanmar). Sự cố khiến một người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Vụ việc nêu bật mối nguy hiểm tiềm tàng của nhiễu động không khí. Các nhà khoa học cảnh báo nó có thể xuất hiện ngày càng nhiều hơn do biến đổi khí hậu.
Vậy, nguyên nhân gây nhiễu động là gì, tần suất của nó và làm cách nào để giữ an toàn cho bản thân khi máy bay gặp nhiễu động?
Nguyên nhân
Nhiễu động không khí là hiện tượng những dòng không khí có kích thước khác nhau chuyển động rối loạn trên một phạm vi không gian. Nhiễu động xảy ra ở những vùng không khí biến động về áp suất và các dòng đối lưu, do ảnh hưởng của địa hình núi hoặc vùng đệm giữa các khối không khí nóng và lạnh.
Máy bay gặp nhiễu động bị rung lắc do chuyển động rối loạn của không khí tác động lộn xộn lên các phần thân máy bay.
Nhiễu động có khiến máy bay lao xuống không?
Dữ liệu theo dõi chuyến bay cho thấy SQ321 hạ độ cao tới 1.800 m chỉ trong 4 phút.
Nhiễu động có thể khiến máy bay mất độ cao, nhưng việc hạ xuống đột ngột đối với dòng máy bay thân rộng như Boeing 777-300ER là hết sức bất thường. Nhiều khả năng việc hạ độ cao là phản ứng của các phi công, như nhận định của ông Michael Daniel, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Aviation Insight.
Có thể tránh được nhiễu động hay không?
Nhiễu động có thể phát hiện trên radar thời tiết của máy bay, miễn là trong luồng không khí chứa các hạt nước. Đối với nhiễu động thông thường, phi công được cảnh báo sớm để tránh né, đồng thời thông tin cho phi hành đoàn và hành khách thắt dây an toàn.
Nhưng chuyện đáng bàn ở đây là hình thái nguy hiểm mang tên nhiễu động trời trong (CAT). Nó nguy hiểm vì xuất hiện bất ngờ mà không có bất kỳ dấu hiệu rõ ràng nào, khiến tổ bay bị động và không có thời gian để cảnh báo hành khách thắt dây an toàn. Những luồng không khí vô hình này xuất hiện ở độ cao 9.000 m trên bầu trời quang đãng. Thế giới vẫn "bó tay" trong việc tìm ra cách quan sát và cảnh báo CAT.
Các nhà phân tích hàng không nói với Channel News Asia rằng chiếc máy bay 777-300ER của Singapore Airlines có thể đã gặp phải CAT. “Nhìn vào biểu đồ độ cao và số người bị thương, tôi tin CAT đã quét qua SQ321”, nhà phân tích hàng không độc lập Alvin Lee nói. Theo ông, nhiều máy bay khác đi ngang qua khu vực cùng lúc nhưng chúng không bị ảnh hưởng. Và đó là sự xui xẻo đối với SQ321.
NASA cho biết họ đang phát triển một hệ thống cảnh báo CAT sớm, nhưng việc này có thể mất nhiều năm.
Tần suất của nhiễu động cực đoan đột ngột
Chuyến bay của Singapore Airlines gặp phải "sự nhiễu động cực đoan đột ngột" (sudden extreme turbulence), cường độ mà các chuyên gia cho biết máy bay hiếm khi gặp phải.
Cường độ nhiễu động được phân ra mức độ nhẹ (light), trung bình (moderate), nghiêm trọng (severe) và cực đoan (extreme) - theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA).
Một số tuyến bay gập ghềnh hơn tuyến bay khác
Nhiều đường bay dễ gặp nhiễu động không khí, đặc biệt những khu vực mà thời tiết diễn ra nhiều biến động. “Khu vực Đông Nam Á xảy ra nhiều bão, do đó có thể gặp nhiều bất ổn hơn”, ông Leithen Francis, Giám đốc điều hành Francis & Low, một đại lý marketing chuyên về hàng không cho biết.
Các nhà khoa học cảnh báo, tình trạng nhiễu động nghiêm trọng đã tăng 55% trong 40 năm qua và dự kiến còn tăng thêm do tác động của biến đổi khí hậu.
Tháng 6/2023, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Reading công bố một báo cáo trên Tạp chí Geophysical Research Letters, chỉ ra rằng nhiễu động trời trong ngày càng phổ biến ở nhiều khu vực, xét trong giai đoạn đo lường từ 1979 đến 2020.
Tổng thời gian nhiễu động nghiêm trọng (severe) đo lường tại một điểm trung bình trên Bắc Đại Tây Dương đã tăng 17%, từ 466,5 giờ năm 1979 lên 546,8 giờ vào năm 2020. Nhiễu động loại trung bình (moderate) tăng từ 70 giờ lên 96,1 giờ. Nhiễu động loại nhẹ (light) tăng từ 466,6 giờ lên 546,8 giờ.
Thương tích khi nhiễu động
Hầu hết thương tích liên quan đến nhiễu động xảy ra do hành khách và thành viên phi hành đoàn không thắt dây an toàn.
Những chuyển động đột ngột của máy bay khi gặp nhiễu động có thể khiến hành khách văng khỏi chỗ ngồi theo nhiều hướng. Trong trường hợp của SQ321, các nhân chứng cho biết những người không thắt dây an toàn đã bị văng lên trần, va vào cabin hành lý hoặc văng ra sàn.
Nếu đen đủi, hành khách vẫn có thể bị vật thể bay vào người hoặc hành lý rơi trúng nếu hộc hành lý bung ra.
Các tiếp viên dễ bị chấn thương nhất vì họ không được thắt dây an toàn trong hầu hết thời gian. Họ cũng phải đi kiểm tra dây an toàn của hành khách khi biển báo sáng lên.
Tầm quan trọng của dây an toàn
Nhiễu động chỉ là một trong nhiều sự cố bất ngờ có thể xảy ra trên không trung. Vì vậy, phi hành đoàn luôn nhắc nhở hành khách “nếu không có việc rời khỏi chỗ ngồi, quý khách vui lòng thắt dây an toàn đề phòng trường hợp máy bay đi vào vùng thời tiết xấu hoặc nhiễu động không khí".
Việc cài dây an toàn cực kỳ quan trọng. Nó giữ cho khách ngồi yên tại chỗ, trong trường hợp xóc, lắc, máy bay bị rơi tự do khách không văng ra khỏi ghế.