Tàu bay

Vì sao máy bay bị móp chỉ vì chim?

Vân Vân 22/05/2024 12:31

Va chạm với chim là một trong những sự cố thường gặp của ngành hàng không.

Tối 19/5, chuyến bay VN1269 vận hành bởi tàu bay A321 của Vietnam Airlines từ Vinh đến TP.HCM khi hạ cánh phát hiện kính buồng lái phía trước, vị trí ghế cơ trưởng bị rạn, nứt và có dấu hiệu của máu. Kỹ thuật viên xác nhận nguyên nhân có thể có thể do va chạm với chim, thời điểm va chạm không thể xác định. Máy bay sau đó đã được kéo về xưởng để kiểm tra và sửa chữa.

Trước đó, năm 2022, từng xảy ra nhiều vụ tàu bay A321 va chạm với chim tại Việt Nam. Ngày 3/5/2022, chuyến bay từ Phú Quốc về TP.HCM bị móp viền phía trước cánh trái tàu bay, xung quanh dính máu chim. Trường hợp tương tự xảy ra vào ngày 8/10/2022, vết máu chim được tìm thấy tại vành, cánh quạt động cơ số 2 và chóp radar ở mũi máy bay trên chuyến bay từ Tuy Hoà đến TP.HCM.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên ghi nhận trường hợp chim va chạm với máy bay, gây ảnh hưởng đến chuyến bay.

Mối nguy không còn xa lạ

Chỉ riêng ở Mỹ, Cục Hàng không Liên bang (FAA) ghi nhận hơn 10.000 vụ máy bay va chạm với chim mỗi năm. Trong đó, sự cố xảy ra trong quá trình hạ cánh chiếm 60%, thời điểm cất cánh và nâng độ cao chiếm 37%. Vào năm 2021, các cuộc tấn công của chim khiến các hãng hàng không ở Mỹ thiệt hại 328 triệu USD và 140.000 giờ ngừng hoạt động.

Sự cố chim va chạm máy bay không còn quá xa lạ với ngành hàng không. Ảnh: Wikimedia Commons.
Sự cố chim va chạm máy bay không còn quá xa lạ với ngành hàng không. Ảnh: Wikimedia Commons.

Patrick Smith, phi công người Mỹ và là tác giả cuốn sách Bí mật buồng lái, cho biết về cơ bản chim không làm tắc nghẽn động cơ máy bay nhưng có thể làm cong hoặc gãy các cánh bên trong, gây mất điện.

Mức độ thiệt hại phụ thuộc vào kích thước, trọng lượng và tốc độ của con chim và máy bay. Con chim càng nặng và nhanh hơn thì khả năng xảy ra thiệt hại đối với máy bay càng cao. Tuy nhiên, không vì vậy mà những chú chim nhỏ là vô hại.

“Năm 1960, một chiếc máy bay của hãng hàng không Eastern Airlines đã bị rơi ở Boston (Mỹ) sau cuộc va chạm với một đàn chim sáo đá”, Smith dẫn chứng.

Khi một chiếc máy bay cất cánh, nó sẽ đạt vận tốc 170 dặm/h (275 km/h) và tăng tốc lên vài trăm dặm/h sau đó. Các cánh quạt của động cơ trong khi cất cánh có thể quay 3.000-4.000 vòng/phút. Va chạm ở giai đoạn này dù với vật thể rất nhỏ cũng tạo ra một lực rất lớn, gây hư hỏng nghiêm trọng cho động cơ, thậm chí dẫn đến thảm họa hàng không.

Richard Dolbeer, cố vấn khoa học của chương trình về phòng chống nguy cơ từ động vật hoang dã ở sân bay của Bộ Nông nghiệp Mỹ, cũng chỉ ra chim là loại động vật hoang dã có tác động nguy hiểm đến các chuyến bay, đứng thứ hai trong danh sách, chỉ sau hươu đuôi trắng. Đáng chú ý, những loài chim có tập tính sinh sống bầy đàn có nguy cơ gây ảnh hưởng cao hơn.

Nhiều giải pháp được đặt ra

Đánh giá chung sau các vụ va chạm với chim, các chuyên gia hàng không cho rằng vấn đề này không quá nghiêm trọng. Lực va chạm có thể làm nứt kính chắn gió, để lại các vết va đập hoặc làm móp một vài điểm trên thân máy bay.

FAA đã đầu tư 30 triệu USD cho việc nghiên cứu hệ thống radar và máy quét nhằm giúp phát hiện các loài chim trên hành trình của máy bay, cùng với những ý tưởng khác có thể giúp các phi công giảm thiểu tình trạng va chạm với động vật hoang dã. Hiện các hệ thống radar chưa được sử dụng rộng rãi, chủ yếu giới hạn ở các sân bay quân sự.

Mũi máy bay vị vỡ sau khi va chạm với chim. Ảnh: The Independent.
Mũi máy bay vị vỡ sau khi va chạm với chim. Ảnh: The Independent.

Bên cạnh đó, FAA cũng có nghiên cứu về việc sửa đổi đèn trên máy bay để giúp chim phát hiện máy bay đang tới, tránh xảy ra va chạm. Đồng thời, cơ quan này còn sử dụng máy bay không người lái để phát hiện và theo dõi các động vật hoang dã nguy hiểm.

Tại Việt Nam, năm 2022, Cục Hàng không Việt Nam cho biết theo thống kê của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các hãng hàng không, sự cố va chạm giữa chim và máy bay có xu hướng tăng cao.

Để hạn chế, ngăn chặn sự cố chim gây ra uy hiếp đến an toàn hoạt động của máy bay tại các sân bay, Cục Hàng không yêu cầu ACV chỉ đạo các sân bay căn cứ các quy định và sổ tay hướng dẫn kiểm soát chim, động vật hoang dã, vật nuôi tại sân bay để triển khai ngay việc lập và thực hiện chương trình kiểm soát chim, động vật hoang dã tại sân bay.

Các sân bay cần triển khai biện pháp tăng cường việc kiểm soát, ngăn chặn, xua đuổi chim, động vật hoang dã, đặc biệt là sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất; rà soát và bổ sung trang thiết bị, phương tiện xua đuổi chim trên cơ sở thực tế của từng sân bay; tăng cường tần suất kiểm tra khu vực bay để kịp thời phát hiện và thực hiện các biện pháp xua đuổi chim.

Vân Vân