Máy bay dùng xăng hay dầu?
Nhiên liệu trong ngành hàng không có hai loại là xăng máy bay (AvGas) cho các động cơ piston và nhiên liệu cho máy bay phản lực (JetGas) cho các động cơ phản lực.
AvGas được sử dụng nhiều trong thời kỳ đầu của ngành hàng không khi động cơ phản lực chưa ra đời. Thành phần của loại nhiên liệu này không khác gì với xăng dùng cho các phương tiện mặt đất như ôtô, xe máy.
Với việc máy bay phản lực thay thế dần máy bay cánh quạt, JetGas ngày càng phổ biến. Về cơ bản, động cơ phản lực của máy bay dân dụng là turbofan, phiên bản tiết kiệm nhiên liệu hơn của động cơ turbojet trên máy bay chiến đấu. Vì vậy nhiên liệu cho 2 dòng máy bay này là tương tự.
Về bản chất JetGas là dầu hỏa được bổ sung các chất phụ gia như tetraetyl chì (TEL) để tăng điểm bắt lửa (flash point) của nhiên liệu; chất chống oxy hóa; chất chống tĩnh điện; chất ức chế ăn mòn; chất chống đóng băng và các phụ gia sinh học.
Các loại JetGas chính gồm Jet A1 là nhiên liệu phổ biến nhất cho máy bay thương mại, Jet A chỉ sử dụng ở Mỹ và Jet B sử dụng cho vùng có khí hậu lạnh.
Nhiên liệu dùng cho máy bay chiến đấu còn có thành phần phức tạp hơn, yêu cầu tới 26 chỉ tiêu lý hóa. Không có nhiên liệu để vận hành phương tiện nào khác cần đạt nhiều thông số như vậy.
Cơ chế cháy của động cơ phản lực đòi hỏi nhiên liệu phải có đặc tính khác biệt so với xăng. JetGas có điểm điểm bắt lửa và chỉ số octane cao, đảm bảo tính an toàn của động cơ.
Các loại nhiên liệu phản lực có điểm bắt lửa vào khoảng 36 độ C, trong khi xăng là âm 45 độ C và chỉ số RON (Research Octane Number - chỉ số octane của nhiên liệu) của JetGas thường ở mức trên 100. Xăng sử dụng cho ôtô, xe máy có chỉ số RON phổ biến trong khoảng 92-97.
Mặt khác, mật độ cao của JetGas tối ưu cho dung tích hạn chế của khoang nhiên liệu máy bay. Cùng một thể tích, nhiêu liệu đậm đặc hơn sẽ giải phóng năng lượng tốt hơn.
Tính ổn định hay lưu tính của JetGas cũng cao hơn các loại nhiên liệu hóa thạch khác. Ở độ cao 10.000 m, nhiệt độ có thể xuống tới âm 50 độ C. Việc giữ cho nhiêu liệu không bị đóng băng là yếu tố sống còn. JetGas hầu như không chứa nước, độ nhớt thấp, dễ dàng đáp ứng được yêu cầu này.
Ngày nay, với cam kết giảm phát thải carbon của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), các hãng bay lớn đang tính đến việc sử dụng SAF (nhiên liệu hàng không bền vững).
Loại nhiên liệu mới này được sản xuất từ các nguyên liệu thô như dầu ăn và các loại dầu thải gốc động vật hoặc thực vật; chất thải rắn từ các hộ gia đình, khu công nghiệp; chất thải lâm nghiệp, gỗ phế thải; thực vật phát triển nhanh và tảo.
Một chiếc Boeing 747-400F tiêu tốn khoảng 8.184 lít nhiên liệu mỗi giờ bay. Cùng thời gian bay, Airbus A320 chỉ tiêu thụ 1.944 lít, Boeing 787-8 đốt hơn 3.900 lít, Boeing 787-9 cần 4.480 lít, Airbus A350 tiêu tốn khoảng 4.640 lít.
Thực tế, việc tiêu hao bao nhiêu nhiên liệu còn phụ thuộc vào công suất hoạt động, tuổi đời và kiểu động cơ của tàu bay, thời gian chạy đà, trọng lượng hàng hóa, thời tiết cũng như hướng chuyển động của dòng khí…
Theo Vietnam Airlines, để đổ đầy nhiên liệu cho một máy bay Boeing 787, hãng bay sẽ phải tiêu tốn khoảng 4,8 tỷ đồng.
Tại sân bay, nhà cung cấp nhiên liệu sẽ đưa các xe tải chở nhiên liệu tới, đậu bên dưới hoặc bên hông máy bay rồi nối một chiếc vòi với cánh và bơm nhiên liệu vào với tốc độ 2.400 lít/phút. Cả quá trình có thể kéo dài 15-20 phút, tùy theo từng tàu bay.