Có gì ở chiếc máy bay đắt nhất lịch sử B-2 Spirit?
B-2 Spirit (Bóng ma) là loại máy bay đắt nhất từng được sản xuất. Tổng chi phí cho mỗi chiếc lên tới 2,13 tỷ USD theo thời giá năm 1997.
Với số tiền trên, Mỹ có thể tậu tới 3 chiếc Air Force One hoặc 6 chiếc F-22 Raptor hay khoảng 17 chiếc F-35 Lightning II, trang trải khoảng 40% chi phí chế tạo một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Nimitz có sức chứa khoảng 5.000 thành viên thủy thủ đoàn và 100 máy bay.
Chi phí vận hành của B-2 cũng đắt nhất trong các loại máy bay quân sự. Mỗi giờ bay “Bóng ma” tiêu tốn tới 130.000 USD theo thời giá năm 2020. Do quá tốn kém, Chính phủ Mỹ đã quyết định cắt giảm số lượng máy bay từ 135 chiếc theo dự tính xuống còn 21 chiếc được đưa vào biên chế.
Sức mạnh vượt trội
B-2 do tập đoàn Northrop Grumman phát triển là dòng máy bay ném bom chiến lược đa nhiệm vụ được trang bị công nghệ tàng hình. Loại máy bay này có thể mang theo các loại bom thông thường, bom dẫn đường thông minh mà và cả bom hạt nhân.
Máy bay ném bom chiến lược tàng hình của Mỹ có kích thước khổng lồ, với chiều cao 5,18 m; dài 21 m và chiều dài sải cánh 52,42 m, có thể mang theo từ 20-30 tấn vũ khí. Máy bay có 2 khoang vũ khí có thể mang theo 80 bom Mk82 hoặc 16 bom Mk84 hoặc 16 bom hạt nhân chiến thuật B61.
Bốn động cơ turbine phản lực cánh quạt đẩy General Electric F118-GE-100 cho phép máy bay đạt tốc độ tối đa 1.000 km/h, tốc độ hành trình 900 km/h, trần bay hơn 15.200 m; tầm hoạt động khoảng 11.000 km mà không cần tái nạp nhiên liệu. B-2 Spirit từng lập kỷ lục 34 giờ bay liên tục.
Chiếc B-2 có tính năng tự động cao, một thành viên trong đội bay 2 người có thể ngủ, sử dụng toilet hay chuẩn bị bữa ăn nóng trong khi người kia điều khiển máy bay.
Diện tích phản xạ radar chỉ ngang một chú chim
Cùng với sức mạnh hỏa lực, công nghệ tàng hình là những yếu tố khiến giá một chiếc B-2 trở nên đắt đỏ như vậy. Sử dụng vật liệu composite, lớp phủ hấp thụ điện từ đặc biệt và thiết kế “cánh bay” nên khả năng bị phát hiện của B-2 rất thấp.
Dáng ngoài của B-2 giống như con dơi khổng lồ, gần như không phân rõ ra thân, cánh, đuôi. Đây được cho là hình dạng tối ưu giúp các máy bay giảm thiểu diện tích phản xạ hiệu dụng với radar (RCS), chỉ số cơ bản để được coi là một máy bay tàng hình.
B-2 được chế tạo chủ yếu sử dụng vật liệu phức hợp đá đen và sợi than - loại vật liệu nhẹ, khả năng chịu lực lớn nhưng phản xạ sóng radar yếu. Khung thân và khoang động cơ dùng hợp kim titan, còn lại đều do vật liệu phức hợp, không phải dùng đinh tán mà ép ở áp suất cao, do vậy máy bay không phản xạ tín hiệu radar. Động cơ cũng được áp dụng các giải pháp để giảm thiểu bức xạ hồng ngoại.
Một so sánh cho thấy vì sao B-2 lại được đặt tên là “Bóng ma”. “Pháo đài bay” B-52, máy bay ném bom chiến thuật của Mỹ có diện tích mặt cánh 370 m2, có mức RCS là 100 m2. Người đàn em B-2 có diện tích mặt cánh 460 m2, RCS chỉ ở khoảng 0,75-0,05 m2. Tiêm kích tàng hình hiện đại nhất của Nga Su-57 có diện tích cánh 79 m2, RCS khoảng 1 m2.
B-2 bắt đầu tham chiến trong Chiến tranh Kosovo năm 1999. Sau đó, “Bóng ma” còn xuất hiện trên bầu trời Afghanistan trong Chiến dịch Tự Do Vĩnh Viễn và tại Iraq trong Chiến dịch Tự Do Iraq.
Gần đây nhất, B-2 được Mỹ dùng trong Nội chiến Lybia cùng Liên quân NATO ủng hộ lực lượng nổi dậy Lybia năm 2011. Trong các lần xuất kích, B-2 không gặp nhiều khó khăn trước hệ thống phòng không của đối phương.
Đắt có xắt ra miếng?
Tuy nhiên, chiếc máy bay đắt nhất lịch sử không hoàn toàn hoàn hảo. Bản báo cáo hàng năm của Lầu Năm Góc năm 2003 ghi chú rằng khả năng hoạt động của B-2 vẫn chưa tương xứng, chủ yếu bởi việc bảo dưỡng các vật liệu tàng hình của nó. Bản báo cáo cũng lưu ý rằng các thiết bị điện tử tự vệ trên máy bay vẫn còn có một số thiếu sót khi đưa ra cảnh báo nguy cơ.
Lớp vỏ cực kỳ nhạy cảm của B-2 khiến nó không thể hoạt động trong mọi loại thời tiết, đặc biệt là trong mưa hay môi trường nhiệt độ và độ ẩm có sự chênh lệch lớn. Đã có trường hợp nước mưa thấm qua vỏ và làm ướt các bộ phận điện tử bên trong khiến nó hoạt động lỗi khi cất cánh.
B-2 rất khó sửa chữa nếu bị hư hại. Năm 1990, panel nằm ở phần đuôi giữa các động cơ của B-2 bị rạn nứt do hiện tượng mỏi kim loại (metal fatigue), lỗi được phát hiện lần đầu tiên. Công việc sản xuất, thay thế các tấm panel vẫn được tiến hành tới năm 2019.
Cũng trong năm 1990, thiết bị truyền động điều khiển từ gián tiếp của máy bay gặp trục trặc. Hệ thống này đóng vai trò quan trọng trong việc giữ ổn định B-2 khi bay. Không quân Mỹ tiến hành khắc phục lỗi này từ năm 1991 và phải mất 8 năm để hoàn thành.
Ngày 26/2/2010, một chiếc B-2 đã bị cháy động cơ khi đang chuẩn bị cất cánh. Máy bay này đã phải mất 18 tháng sửa chữa tạm thời để có thể bay đến nơi sửa chữa chính, tại đó nó mất thêm 24 tháng để khôi phục khả năng bay như ban đầu.
Máy bay ném bom số 1 của Mỹ cần được đại tu mỗi 7 năm một lần. Chi phí trung bình cho mỗi lần bảo dưỡng khoảng 60 triệu USD. Mỗi một bộ phận là hoàn toàn riêng biệt, không thể thay thế cho nhau.
Lớp sơn tàng hình của B-2 dễ bị hỏng. Chỉ cần một vết xước, máy bay sẽ bị lộ trên radar, vì thế nó cần được sơn mới thường xuyên. Với mỗi giờ bay, máy bay cần 50-60 giờ sơn lại vỏ. Vì đòi hỏi việc chăm sóc kỹ lưỡng, B-2 được mệnh danh là “Nữ hoàng tối tượng của xưởng bảo trì”.
Là một loại máy bay tàng hình nên B-2 phải hoạt động một mình để đảm bảo tính tàng hình và bắt buộc không được nhận bất kỳ sự hộ tống nào. Trong trường hợp bị tiêm kích đối phương phát hiện, “Bóng ma” sẽ dễ dàng bị bắn rơi vì không có khả năng tự vệ.