Bộ Tư pháp Mỹ điều tra sự cố tàu bay Boeing 737 MAX 9 của Alaska Airlines
Rắc rối pháp lý của Boeing có thể leo thang nếu Bộ Tư pháp Mỹ phát hiện hãng này vi phạm thỏa thuận trước đó về các biện pháp an toàn.
Trong vài tháng tới, mọi chuyện sẽ trở nên rõ ràng hơn khi Boeing gặp rắc rối về mặt pháp lý liên quan đến sự cố tấm bịt cửa của Alaska Airlines. Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) được cho là đang kiểm tra xem liệu Boeing có không tuân thủ thỏa thuận trước đó được ký kết sau hai vụ tai nạn 737 MAX của Lion Air và Ethiopian Airlines hay không. Nếu đúng, nhà sản xuất tàu bay có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Boeing có vi phạm thỏa thuận?
DOJ được cho là đang xem xét sự cố nổ tấm bịt cửa khẩn cấp của tàu bay giữa không trung của Alaska Airlines gần đây một cách kỹ lưỡng để xác định liệu Boeing có vi phạm thỏa thuận trước đó hay không.
Theo một báo cáo của Bloomberg, những người có kiến thức về vấn đề này đã tiết lộ DOJ đang xác định xem liệu sự cố của Alaska Airlines có thuộc thỏa thuận hoãn truy cứu mà Boeing đã ký kết vào năm 2021 hay không.
Trước đó, Boeing đã ký thỏa thuận giảm án trị giá 2,5 tỷ USD liên quan đến hai vụ tai nạn nghiêm trọng của 737 MAX, và các điều khoản và điều kiện của thỏa thuận đã yêu cầu hãng này thực hiện một chương trình tuân thủ nhằm ngăn chặn việc lừa dối các cơ quan quản lý.
Nhà sản xuất tàu bay đồng ý tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận và hợp tác với chính phủ Mỹ trong ba năm. Vụ việc của Alaska Airlines xảy ra vào ngày 5/1, chỉ hai ngày trước ngày hết hạn của thỏa thuận hoãn truy cứu đó.
DOJ có khoảng sáu tháng để xem xét liệu Boeing có vi phạm thỏa thuận hay không và sẽ cần sự chấp thuận của tòa án để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, các nguồn tin tiết lộ nếu Boeing bị phát hiện đã xử lý sự cố ở Alaska theo cách vi phạm thỏa thuận năm 2021 thì tổ chức này có thể bị buộc tội hình sự.
Sụt giảm lòng tin
Biến thể MAX của Boeing trong chương trình 737, ban đầu được xem là rất thành công, nhưng lại gây ra nhiều tranh cãi và tốn kém cho công ty, cả về tiền bạc lẫn danh tiếng. Hai vụ tai nạn thảm khốc của Lion Air và Ethiopian Airlines đã khiến loại tàu bay này phải ngừng hoạt động trong gần hai năm và phải mất một thời gian dài để các cơ quan quản lý trên toàn thế giới chứng nhận lại loại tàu bay này.
Nhưng ngay khi Boeing hy vọng rằng năm 2024 sẽ suôn sẻ hơn vài năm trước thì sự cố của Alaska Airlines vào tháng 1 đã khiến mọi người tập trung trở lại vào vấn đề chất lượng của hãng. Các hãng hàng không khai thác biến thể 737 MAX 9 đã phải đình chỉ tạm thời loại tàu bay này và phải kiểm tra các bộ phận lỏng lẻo trên tàu bay.
Alaska Airlines cũng yêu cầu Boeing phải chịu trách nhiệm và đang yêu cầu bồi thường 150 triệu USD do đội bay của hãng này bị đình chỉ hoạt động và dẫn đến tổn thất kinh doanh do bị hủy chuyến bay.
Hơn nữa, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã yêu cầu Boeing giảm tốc độ sản xuất tàu bay 737 MAX, làm mất lòng tin hơn nữa vào khả năng sản xuất tàu bay không có vấn đề về chất lượng của nhà sản xuất tàu bay này.
FAA cũng đã yêu cầu Boeing xây dựng một “kế hoạch hành động toàn diện” để giải quyết các vấn đề chất lượng gần đây một ngày sau khi một báo cáo được công bố trước Quốc hội cho thấy văn hóa an toàn của công ty có vấn đề và cần được khắc phục.